Thứ sáu, 29/03/2024 | 06:51
RSS

Nhói lòng cô gái khuyết tật bị xâm hại không thể nói ra, phải sinh con ở chuồng bò

Thứ sáu, 07/12/2018, 15:52 (GMT+7)

Cứ 10 phụ nữ khuyết tật thì có 4 người bị bạo lực tình dục, đây là con số đáng báo động được đưa ra tại Hội thảo “Công lý cho nạn nhân bạo lực tình dục – Tiếng nói người trong cuộc” được tổ chức ngày 7/12 tại Hà Nội.

Cô gái khuyết tật bị xâm hại tình dục, phải sinh con ở chuồng bò
Thống kê cho thấy, cứ 10 phụ nữ khuyết tật thì có 4 người bị bạo lực tình dục (Ảnh minh họa)

10 phụ nữ khuyết tật thì có 4 người bị bạo lực tình dục

Theo bà Nguyễn Thị Lan Anh – Giám đốc Trung tâm hành động vì sự phát triển cộng đồng (ACDC), nhiều nạn nhân trong các vụ bạo lực tình dục ở Việt Nam hiện nay là những người khuyết tật trong đó có nhiều vụ việc rất đau lòng. 

Đó là câu chuyện của một cô gái khuyết tật cả về cơ thể lẫn trí tuệ ở Ba Vì (Hà Nội). Sau khi bị xâm hại tình dục cô đã mang thai và phải sinh con ở... chuồng bò. Gánh nặng nuôi nấng mẹ con nạn nhân đè lên đôi vai người mẹ già và những bế tắc cứ bám riết lấy cuộc sống của họ.

Đại diện ACDC chia sẻ: “Trong một lần tôi phỏng vấn mẹ của cô gái đó, có một câu hỏi mà tôi vô cùng ám ảnh là “tôi mất đi rồi, ai sẽ làm mẹ, làm bà cho mẹ con nó?”. Đó là một vòng luẩn quẩn và bế tắc và giờ đây hai mẹ con nạn nhân phải sống trong nhà bảo trợ xã hội”.

Một trường hợp khác của nạn nhân bạo lực tình dục cũng gây ám ảnh cho nhiều người đó là vụ việc của một bạn gái bị câm điếc bẩm sinh ở TP. HCM bị hiếp dâm 2 lần.

Bé ở với bà đã 80 tuổi. Hai bà cháu lên phường tố cáo nhưng bà già cả, ngôn ngữ ký hiệu của cháu lại rất hạn chế nên không thể xử lý vụ việc. Đến khi vụ việc xảy ra lần thứ 2, bà cháu tố cáo lên quận và thì mới được giải quyết. Thế nhưng thông tin nạn nhân cung cấp cực kỳ hạn chế vì cơ quan chức năng không thể tìm được bên thứ 3 nào có thể chuyển đổi thông tin chuẩn xác nhất để có thể tìm kẻ hiếp dâm.

Theo thống kê năm 2013 của Tổ chức Y tế thế giới WHO, 35% phụ nữ trên thế giới là nạn nhân của bạo lực và bạo lực tình dục. Vì những đặc điểm về giới và khiếm khuyết liên quan đến thể chất cũng như tinh thần, phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật là những người có nguy cơ cao trở thành nạn nhân của bạo lực tình dục.

Cô gái khuyết tật bị xâm hại tình dục, phải sinh con ở chuồng bò
Bà Nguyễn Thị Lan Anh – Giám đốc Trung tâm hành động vì sự phát triển cộng đồng (ACDC)

Nạn nhân sợ hãi, không dám lên tiếng

Trong buổi hội thảo, một nạn nhân ở Đống Đa, Hà Nội đã khiến nhiều người phải giật mình khi chia sẻ câu chuyện bản thân bị chính nhân viên của bố mình sờ soạng, sau đó lại bị một thanh niên tấn công tình dục ngay trong nhà vệ sinh trường học. 

Tuy nhiên cũng giống như nhiều nạn nhân khác, cô không dám lên tiếng kể cho ai. Nạn nhân này cho biết cô đã lớn lên cùng nỗi sợ hãi và đến cả khi lập gia đình, có con, nỗi sợ hãi những điều không may xảy đến với con cũng ngày đêm dằn vặt cô.

Theo các chuyên gia, những nạn nhân của bạo lực tình dục thường im lặng chịu đựng. Họ không thể chia sẻ với ai, ngay cả người trong gia đình bởi sợ xấu hổ, sợ không được bảo vệ, không tìm được công lý.

Theo bà Nguyễn Vân Anh - Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới – Gia đình – Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA), việc tồn tại những rào cản về văn hóa, định kiến xã hội và khoảng trống chính sách khiến phụ nữ và trẻ em gái tiếp tục đối diện với các nguy cơ không an toàn. 

Theo Luật sư Lê Ngọc Luân, nhiều vụ việc bạo hành tình dục buộc khép lại vì hồ sơ không đủ chứng cứ. Những nạn nhân thường là người yếu thế không biết thu thập chứng cứ còn pháp luật thiếu hẳn quy định các chứng cứ về hậu quả tâm lý.

"Điều đáng buồn là những vụ án bạo hành tình dục được đưa ra ánh sáng, phần lớn lại đến từ các chia sẻ trên mạng xã hội"- vị luật sư nói.


Xem thêm video: Cô giáo phủ nhận việc cho học sinh tát bạn 50 cái

Ngọc Châu
Theo Đời sống Plus/GĐVN