Thứ năm, 28/03/2024 | 17:57
RSS

Nhớ đời cú dại vượt biên

Thứ hai, 31/10/2016, 15:03 (GMT+7)

Chết ở nơi đất khách, biệt tăm tích, bị đày đọa, trở về với “thân tàn ma dại” vì nghe kẻ xấu dụ dỗ vượt biên trái phép là chuyện từng xảy ra với không ít nạn nhân ở các buôn làng vùng giáp biên trên Tây Nguyên. Tuy nhiên, đến nay, tình trạng này vẫn âm ỉ với diễn biến khó lường...

Kpuih Tuyết (bên phải)

Kpuih Tuyết (bên phải)

Mới đây, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh phối hợp với đại diện Tổ chức Cao ủy liên hợp quốc về người tị nạn tại Việt Nam tiếp nhận 16 người bị kẻ xấu xúi giục vượt biên trái phép sang Campuchia, đưa về địa phương hướng dẫn cách làm ăn, hòa nhập cộng đồng.

Chiêu cũ, người mới

Kẻ xấu vẫn dùng những chiêu lừa cũ: chúng lôi kéo người dân vượt biên trái phép sang Campuchia và nói sẽ có người đến bảo lãnh qua Mỹ Rằng chỉ cần làm việc đơn giản vẫn có nhiều tiền, có ô tô về thăm làng cũ, không còn cảnh làm thuê cực khổ…Những lời đường mật này vẫn tỏ ra “hữu hiệu” đối với một số bà con dân tộc thiểu số, bắt  nguồn từ việc thiếu thông tin. Các biện pháp tuyên truyền, vận động thực tế từ phía chính quyền địa phương dường như yếu thế so với những lời “quảng cáo” của kẻ xấu, bởi vẫn có ngày xảy ra chuyện hàng trăm người dân vượt biên trái phép.

Nằm cạnh trung tâm thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ nhưng cuộc sống người dân làng Trol Đeng thiếu thốn đủ bề, nhà cửa liêu xiêu che chắn bằng vài miếng tôn rách. Kpuih Tuyết (19 tuổi, làng Trol Đeng, thị trấn Chư Ty) là một trong 16 người vừa may mắn được bộ đội biên phòng đưa về từ Campuchia.

Trong lời kể ngắt quãng, pha chút sợ hãi của Tuyết, chúng tôi nhận ra cú sốc trong ký ức vượt biên của em. Nhờ già làng trấn an, Tuyết kể: Biết gia đình em nghèo, chín miệng ăn mà chỉ có vài sào đất, một người anh họ nói vượt biên sẽ có cuộc sống giàu sang, không còn cảnh cầm cái cuốc đi rẫy thuê nữa, mỗi tháng có mấy chục triệu đồng gửi về cho gia đình, có khi còn bắt được chồng Tây. Sẵn tiền ba tháng gọt củ mì thuê, Tuyết trốn nhà lên đường cùng một người nữa trong làng. Lúc ngồi trên ô tô nhìn ra cửa sổ, em nghĩ mình đang làm điều to lớn cho các anh chị em trong gia đình, họ sẽ được ăn no, mặc đẹp, mấy đứa nhỏ không phải bỏ trường đi mót củ sắn nữa. Còn tài xế bảo qua đó làm hai tháng là bọn em có xe bốn bánh mang về khoe buôn làng!

Đi từ TP Pleiku, hai ngày sau Tuyết đến Phnom Pênh (Campuchia), tất cả bị nhốt vào phòng kín, nóng nực. Họ bắt làm việc suốt ngày đêm. Biết mình đã bị lừa, tất cả bàn nhau trốn thoát, nhưng lần nào cũng bị bắt lại, bị đánh đập. May mắn vào một đêm trời mưa bão, tất cả phá cửa bỏ trốn. Tuyết lang thang nhiều ngày, trong túi lại không có tiền, em ngồi bên góc đường, đầu tóc rối xù, chân tay run vì đói. “May sao có người mang cho một nắm cơm, em gục đầu ăn không kịp nhìn mặt người đó”- Tuyết kể, rưng rưng nước mắt.

Sau vài tuần lang bạt, ăn xin khắp nơi, Tuyết và các bạn được đưa vào trại tị nạn. Tưởng rằng sẽ được ăn no, không ngờ, bọn em tiếp tục bị nhốt, mỗi tuần chỉ được phát 1kg gạo/người. Đến bữa, mỗi người góp một nắm gạo, một ít thức ăn ôi thiu, vừa ăn vừa xua đám ruồi nhặng. Ngồi trong căn phòng tối om nhiều ngày, 16 người không quen biết nhau mỗi người một góc phòng, cúi gục mặt, không hỏi nhau một lời, cứ thế vài tháng trời.

Hết tiền, đói khát khô môi, lúc đó em nhớ cha mẹ, giấc mơ về “miền đất hứa” tươi đẹp giờ là góc căn phòng rách nát, nóng nực. Ngày mùa đông, tất cả ôm nhau cho ấm, gắng gượng sống qua ngày. Rồi một buổi sáng, khi đang mơ màng bỗng nghe thấy những tiếng reo vui vẻ. “Ai nấy ôm nhau khóc vì vui. Bộ đội đưa chúng em ra khỏi căn phòng tối”- Tuyết xúc động giãi bày.

Trở về

Cũng như Tuyết, Ksor Vin (SN 1996, làng Yam, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) đang sống đầm ấm bên gia đình cùng 2ha đất, 3 con bò, thì bị “ma đưa đường, quỷ dẫn lối”. Vin quyết định bỏ lại vợ đang mang bầu hai tháng, trốn sang Campuchia với hy vọng cuộc sống thiên đường đang chờ ở phía trước. Để khi bơ vơ một mình nơi đất khách, đói rách, lúc đó Vin mới nhận ra không có sự giàu sang nào đến dễ dàng, thì đã muộn.

Quần quật làm thuê từ sáng sớm đến gần nửa đêm để có bát cơm rau. Nằm nghỉ được vài tiếng đã bị gọi dậy, cứ thế suốt một năm ròng rã. “Lúc đó khổ lắm, bụng đói phải đi hái cây dại ăn để ăn. Thương vợ và đứa con nhỏ ở nhà mà không cầm được nước mắt. Giờ em hối hận lắm. Bạn em sau một năm chăm chỉ đi làm ở buôn đã sắm được xe máy, tủ lạnh, mình thì…”, Vin nghẹn lời .

Cách làng Trol Đeng không xa, làng Chang, xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ hiện ra với những căn nhà xi măng vững chắc, đường làng sạch sẽ, những hộ dân gắn kết với nhau cùng làm kinh tế. 314 hộ gia đình yên tâm gắn bó với buôn làng. Mỗi hộ gia đình thu nhập từ 100-200 triệu đồng/năm, giờ làng Chang chỉ còn 10 hộ nghèo.

Hỏi về bí quyết đổi mới của làng Chang, già làng Siu Ơnh chia sẻ: “Trước những năm 1986 đói lắm, cả làng ngày nào cũng vào rừng đào củ mài ăn qua ngày. Binh đoàn 15 đến hướng dẫn bà con trồng cây cao su, bây giờ đa số dân trong làng đều biết cách tích cóp, có của ăn của để. Người làng Chang tin bộ đội lắm, kẻ xấu vào dân làng đều báo cho bộ đội bắt”.

Từng bị rủ vượt biên, anh Kpuih Duy (làng Chang) kể: Cách đây hơn 3 năm, có một người lạ rủ mình đi uống rượu, cho tiền rồi dụ dỗ nghe bùi tai lắm, bảo vượt biên sẽ có nhiều tiền như hắn. Qua hỏi cán bộ xã và gia đình, mình quyết định không đi, ở nhà trồng cao su, nuôi bò, lợn. Hiện vườn cao su của mình cho mỗi năm 80 triệu đồng chưa kể 5 con bò, trong đó 3 con sắp đẻ.

 

 

Lê Tiền
Tiền Phong