Thứ sáu, 29/03/2024 | 20:56
RSS

Những thiên thần áo trắng

Chủ nhật, 30/10/2016, 18:42 (GMT+7)

Nghề y được ví như nghề nguy hiểm khi áp lực phải cứu sống bệnh nhân bằng mọi giá lắm lúc vẫn bị người nhà bệnh nhân hành hung, hạ nhục. Thậm chí họ phải đấu tranh tố cáo chính đồng nghiệp của mình để cho môi trường luơng y thực sự trong sạch. Họ đã đi qua những biến cố, những vất vả, lo toan một cách mạnh mẽ để tiếp tục làm trọn vẹn công việc cứu người…

Điều dưỡng khoa Hồi sức Ngoại BV Nhi T.Ư

Điều dưỡng khoa Hồi sức Ngoại BV Nhi T.Ư

Hy sinh lặng thầm

Ở Khoa Nhi (Bệnh viện K cơ sở Tân Triều) mọi người quá quen với dáng vẻ tất bật, nhanh như sóc của TS, bác sĩ Phạm Thị Việt Hương. Bệnh nhân lúc nào cũng đông, toàn những đứa trẻ mang trọng bệnh. Vậy nhưng, hỏi đến tình trạng bệnh bé nào chị cũng nắm rõ mồn một.

Nguyên một buổi ngồi đợi chị theo hẹn mà tôi chóng cả mặt, hoa cả mắt với sự dịch chuyển và khối lượng công việc mà người phụ nữ với vóc dáng nhỏ bé này thực hiện. Thoăn thoắt giải thích cho mẹ bé này, chị lại quay sang khám cho bé mới vào, thoáng chốc lại thấy đi hội chẩn một ca bệnh nặng. Điện thoại réo liên tục, vẫn là người nhà bệnh nhân gọi tới hỏi han đủ thứ.

Đồng nghiệp trẻ bảo không hiểu chị lấy đâu ra năng lượng để suốt ngày bận rộn như thế mà vẫn không mệt mỏi. Mang điều ấy hỏi chị, khẽ một tiếng thở dài nhẹ như gió, chị bảo: “Mệt chứ em, nhưng cố, mình là bác sĩ để mọi người thấy mình mệt thì làm sao họ yên tâm trị bệnh”.

Nghe trong tiếng thở dài và lời tự sự ấy là niềm thương cảm và sự sẻ chia với những đứa trẻ đang ngày đêm bị bệnh tật hành hạ. Từng chứng kiến chị buồn rơi nước mắt và có lúc phẫn nộ khi có những người mẹ vì thiếu hiểu biết mà giật con ra khỏi vòng tay bác sĩ để mang đi chữa trị thầy lang khiến con thập tử nhất sinh.

Giận đấy, nhưng khi người mẹ ấy đem con quay lại nhờ chị khám thì chị lại lao vào công việc với tất cả nỗ lực để giữ lại niềm hạnh phúc dẫu mong manh cho gia đình họ. ung thư vốn là căn bệnh hiểm nghèo. Một ngày điều trị cho bọn trẻ là vàng ngọc, bởi nếu lơi là biết đâu mạng sống tuột khỏi tầm tay nên người phụ nữ ấy luôn sát sao với diễn biến bệnh tình từng bé.

Anh Phạm Hùng Hải, chồng bác sĩ  Việt Hương chia sẻ, nhiều hôm thấy vợ vừa cầm bát cơm thì có điện thoại gọi từ bệnh viện, lại bỏ xuống lao đi vội vàng mà xót ruột. Không ít lần đang chuẩn bị sinh nhật cho con, chị cũng buông mọi việc để vào với bệnh nhân. Hơn 13 năm nên nghĩa vợ chồng, anh Hải đủ thấu hiểu sự vất vả từ nghề mà vợ mình theo đuổi nên những lúc ấy anh lại lặng lẽ làm thay phần của vợ.

Phút nghỉ trưa thanh thản hiếm hoi, giọng hơi nghèn nghẹn, chị bảo: “Nhiều lúc thấy có lỗi với chồng con lắm, nhưng anh thương vợ nên không trách cứ gì. Thấy vợ đi trực về mệt phờ phạc thì xót xa, chăm lo từng tí. Có anh luôn yêu thương và ủng hộ nên chị vững vàng và hết mình với bọn trẻ tội nghiệp. Đã mang nghiệp vào thân thì phải cố gắng thôi”.

Câu than thở lúc mềm lòng ấy khiến người đối diện cảm nhận được hạnh phúc mà chị xứng đáng được hưởng bởi những nỗ lực hết mình vì người bệnh. Một hậu phương vững chắc, một tình yêu bền bỉ và ngọt ngào mỗi ngày nuôi dưỡng trong chị ngọn lửa đam mê với nghề và sức mạnh để vượt qua mọi khó khăn…

Tinh thần thép

Nghề y vốn được coi là nghề nặng nhọc cả thể xác và tinh thần nhưng trong những người phụ nữ tôi từng gặp tỏa ra thứ nội lực mà nhiều khi chính đồng nghiệp nam cũng nể phục.

Hẳn nhiều người vẫn còn nhớ bác sĩ Hoàng Thị Nguyệt (Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức, Hà Nội), người phụ nữ với tinh thần thép dám đứng lên tố cáo lãnh đạo và đồng nghiệp đã làm sai các kết quả xét nghiệm. Chị đã đi qua hơn 300 ngày giông bão, bất chấp hiểm nguy đến bản thân và gia đình để tìm sự thật.

Năm 2013, giữa áp lực từ việc tố cáo lãnh đạo bao che cho nhân viên làm sai, bác sĩ Nguyệt vẫn cặm cụi đi học nâng cao tay nghề, không bỏ buổi học nào, vẫn tỉ mẩn thu thập bằng chứng để đưa sự việc ra ánh sáng. Hàng trăm tin nhắn, cuộc gọi dọa nạt không khiến chị nản chí, xao lòng.

Suốt thời gian đeo đuổi hòng đem sự thật phơi bày ra ánh sáng, chị giảm 5-6kg, tóc bạc đi, thiếu ngủ triền miên, mất cả những mối quan hệ mà trước đó ngỡ như thân tình.

Vậy nhưng, bao cuộc hẹn gặp hay gọi điện nói chuyện, chưa một lần tôi thấy chị tỏ ra ân hận vì đã đứng ra làm việc mạo hiểm, ảnh hưởng đến công việc và sức khỏe bản thân như vậy.

Bác sĩ Việt Hương bên bệnh nhi 4 tuổi vừa qua cơn nguy kịch.

Bác sĩ Việt Hương bên bệnh nhi 4 tuổi vừa qua cơn nguy kịch.

Ở người phụ nữ với đôi mắt buồn tựa mặt hồ mùa thu ấy là tính nhẫn nại và niềm tin tuyệt đối vào công bằng, chính nghĩa là sức mạnh để vươn lên dù biết khó khăn đợi chờ mình. Ngày tòa tuyên án, xen trong niềm vui lặng lẽ vì bao khổ cực trong quá trình đấu tranh được sáng tỏ, tôi không tìm thấy nụ cười nào trên gương mặt người phụ nữ quả cảm ấy, bởi, thẳm sâu chị thấy thương xót cho những đồng nghiệp của mình đã chọn sai đường.

Giờ đây, chị vẫn lặng thầm với công việc của Trưởng khoa Nhiễm khuẩn, theo điều chuyển của lãnh đạo bệnh viện. Nó chẳng phải là công việc chị được theo học từ hồi còn trẻ, cũng không được coi là hấp dẫn như chuyên môn xét nghiệm là đam mê theo đuổi của bác sĩ Nguyệt nhưng, với sự nghiêm túc chị vẫn hết mình với công việc mới.

“Nếu phải làm lại, mình vẫn sẽ lựa đi theo con đường mà mình đã chọn. Vẫn biết là phụ nữ nên thiệt thòi, khó khăn sẽ nhiều hơn, thời gian dành cho gia đình bị rút ngắn lại. Mình không muốn nói nhiều về cuộc đấu tranh đó, bởi nó là nỗi đau, là thương tổn mà mình và đồng nghiệp cùng gánh chịu. Nhưng thực lòng mình nghĩ, nhìn lại những ngày đã qua để sống tốt hơn, để không bao giờ phải chứng kiến sự vấp ngã sai lầm của đồng nghiệp”.

Áp lực

Không chỉ bác sĩ nữ mới chịu nhiều vất vả mà nữ điều dưỡng cũng là những người ngày đêm chịu áp lực khi chăm sóc bệnh nhân nặng. Khoa Hồi sức Ngoại (Bệnh viện Nhi T.Ư) là nơi tiếp nhận những bệnh nhân nặng cần hồi sức sau ca mổ. Với những điều dưỡng, một ca trực có 2 hay 3 bệnh nhân nặng cùng được chuyển đến là gánh nặng không nhỏ với các bác sĩ và điều dưỡng, nhưng họ vẫn phải xử trí thật nhanh để cứu tính mạng của bệnh nhân.

Hôm ấy, tôi nhìn Tạ Nguyệt Mỹ Quỳnh, cô điều dưỡng đang mang thai những tháng cuối tất bật từ giường bệnh này sang giường bệnh khác mà không khỏi hồi hộp. Bụng bầu to, nhưng Quỳnh vẫn nhanh nhẹn trong di chuyển và từng thao tác chuẩn xác với bệnh nhân.

Có những lúc đang cấp cứu cho một trẻ thì góc phòng đằng kia máy báo chỉ số sinh tồn của trẻ khác đang gặp nguy hiểm. Các điều dưỡng phải phối hợp với nhau thật ăn ý, đồng thời báo cho bác sĩ biết để xử lý tình huống nguy cấp.

Công việc diễn ra liên tục, chạy đua để giữ mạng sống cho trẻ, một ca trực mỗi điều dưỡng chăm 3 hoặc 4, thậm chí 5 bệnh nhi đòi hỏi sự bền bỉ và tinh thần vững vàng để xử lý mọi tình huống xấu. Cả ngày liên tục di chuyển và tập trung cao độ để theo dõi tình trạng các bé vì trẻ sau mổ diễn biến sức khỏe rất phức tạp, luôn có nguy cơ cao bị suy tuần hoàn, suy hô hấp dẫn tới tử vong.

Vất vả nhất là những lúc tất cả các trẻ đều phải thở máy, điều dưỡng phải toàn tâm, toàn ý, không một phút được nghỉ ngơi vì, chỉ chút lơ đễnh thôi có thể là cả một mạng sống. Nhiều lúc đôi chân mỏi nhừ, lưng đau muốn sụm xuống nhưng tình yêu dành cho công việc và những đứa trẻ bất hạnh giữ họ gượng dậy, trụ vững.

Bác sĩ Nguyệt (áo trắng) sau những ngày đi qua giông bão.

Bác sĩ Nguyệt (áo trắng) sau những ngày đi qua giông bão.

Dẫu biết mỏi mệt, thiệt thòi nhưng những người phụ nữ ấy vẫn bền chí nuôi tình yêu với cái nghiệp mà mình đã chọn. Hôm trước bác sĩ Hương gọi điện thoại kể chuyện bệnh nhân 4 tuổi bệnh rất nặng đã qua cơn nguy kịch, mẹ bé mừng quá mang mấy món quà quê đến biếu bác sĩ mà nước mắt vòng quanh. Câu chuyện đôi lúc nghẹn lại vì chị lúc nào cũng thế, luôn yếu đuối trước tấm chân tình của những người thương quý mình.

Lại nhớ, có nhiều người đặt câu hỏi với các chị rằng, có được trả thêm lương đâu mà mất công, mất sức vì công việc đến vậy. Các chị chỉ cười thôi, bởi hơn ai hết chính những thiên thần áo trắng này biết với lòng mình, rằng, chẳng có lương thưởng nào xứng bằng chính lương tâm mình được thanh thản...

Thái Hà
Tiền Phong