Thứ sáu, 29/03/2024 | 17:08
RSS

Nhiều nữ sinh mắc bệnh lạ, la hét rồi chạy ra khỏi lớp học

Thứ sáu, 22/12/2017, 09:31 (GMT+7)

Mới đây, nhóm nữ sinh gồm 6 người tại xã Cư Pui, huyện Krông Bông, Đắk Lắk có dấu hiệu mắc bệnh lạ, la hét rồi chạy ra khỏi lớp học.

Nhiều nữ sinh mắc bệnh lạ, la hét rồi chạy ra khỏi lớp học
Nhiều nữ sinh mắc bệnh lạ, la hét rồi chạy ra khỏi lớp học. Ảnh Tri thứ trực tuyến

Chiều 21/12, bác sĩ Phạm Văn Lào, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng (Sở Y tế Đắk Lắk), cho biết ngành y tế đã thành lập đoàn công tác đến xã Cư Pui, huyện Krông Bông, để điều tra, xác minh các biểu hiện lạ của 6 học sinh nhằm đưa ra hướng điều trị.

Theo bác sĩ Lào, đoàn công tác gồm đại diện Trung tâm Y tế dự phòng, bệnh viện đa khoa và bệnh viện tâm thần tỉnh Đắk Lắk, Theo Tri thức trực tuyến. 

"Biểu hiện ban đầu của các học sinh là la hét, chửi mắng mọi người rồi chạy khỏi lớp hoặc chạy lên đồi phía sau trường, không làm chủ được bản thân. Sau đó, tình trạng này "lây" sang các học sinh khác. Đến ngày 18/12, có 6 em học sinh nữ, tuổi từ 10 đến 13 có biểu hiện như trên”, bác sĩ Lào thông tin.

Vị giám đốc nói thêm, mật độ “lên cơn” của các học sinh khoảng 15 phút đến 1 giờ/lần, sau đó thì các cháu trở lại bình thường như chưa có chuyện gì xảy ra.

Trao đổi với phóng viên, bà Đinh Trần Thị Bích Nga, Chánh văn phòng UBND huyện Krông Bông, cho biết ngày 11/12, giáo viên tại điểm trường Ea Lang của Trường Tiểu học Cư Pui 2 phát hiện một học sinh nữ có biểu hiện bất thường.

Học sinh này có biểu hiện mặt đỏ, môi tím, nói nhảm, thỉnh thoảng lại la hét, không làm chủ được bản thân. Sau đó, có thêm 5 nữ sinh cũng có triệu chứng tương tự.

“Các em có biểu hiện lạ trong thời gian từ 20 đến 30 phút, mỗi buổi học bị 2 - 3 lần. Đối với trường hợp nặng thì kéo dài từ 2-3 giờ, sau khi cắt cơn thì sinh hoạt bình thường. Khi hết cơn các em không nhớ trước đó mình đã làm gì và có biểu hiện đau đầu”, bà Nga nói.

“Đến nay đoàn công tác chưa đưa ra kết luận gì. Đoàn nhận thấy các cháu có dấu hiệu rối loạn phân ly tập thể như 9 học sinh ở điểm trường Nà Bản (thuộc xã Xuân Lạc, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn) mới đây. Tuy nhiên, biểu hiện của các học sinh ở xã Cư Pui nhẹ hơn”, ông Lào nói thêm.

Trước đó, ngày 18/12 Đoàn công tác của Bệnh viện (BV) Nhi Trung ương do PGS.TS Trần Minh Điển – Phó Giám đốc BV làm trưởng đoàn cùng các tiến sĩ, bác sĩ thuộc các chuyên khoa Tâm bệnh, Thần kinh, Tư vấn trẻ vị thành niên... đã đến khám cho 108 em học sinh tại điểm trường Nà Bản (xã Xuân Lạc, huyện Chợ Đồn, Bắc Kạn), báo Trí thức trẻ đưa tin.

Bước đầu các bác sĩ xác định, 9 học sinh mắc chứng rối loạn phân ly tập thể. Tuy nhiên, các bác sĩ sẽ tiếp tục theo dõi, làm các xét nghiệm cần thiết để kết luận chính xác nguyên nhân.

"Điều đặc biệt, 9 học sinh này đều là bé gái và đều ở nhóm học sinh giỏi của trường, chỉ số IQ cao. 8 trong 9 em học sinh này ở cùng một xóm. Các em đều sống trong điều kiện thiếu thốn, cả bản không nhà nào có ti vi và ít được tham gia các hoạt động tập thể", PGS Điển thông tin thêm.

PGS Điển cũng cho biết thêm, rối loạn phân ly là chứng bệnh tâm lý. Trước mắt, các em được quay trở lại đi học bình thường tuy nhiên gia đình và nhà trường cần theo dõi sát biểu hiện của các em. Hướng điều trị trong thời gian tới là tăng cường dinh dưỡng, cho các em vui chơi, hoạt động trong môi trường lành mạnh, tăng cường hoạt động thể lực, hạn chế gây ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của trẻ.

Các bác sĩ cũng đã hướng dẫn gia đình và thầy cô giáo một số điều cần lưu ý như: cần coi trẻ như những trẻ bình thường, tránh gọi trẻ là "bị bệnh", "bị ma làm"; quan sát hành vi thường ngày của trẻ từ xa, tránh vồ vập, quan tâm quá mức, không nên quá kỳ vọng vào trẻ.

Khi thấy trẻ có xuất hiện tái phát cơn, cần có hướng xử trí kịp thời như tiêm placebo, châm cứu hoặc bấm huyệt.

Hạo Nhiên (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN