Thứ năm, 25/04/2024 | 04:36
RSS

Nhiễm trùng huyết, suy đa tạng và suýt chết vì ham tiết canh lợn

Thứ năm, 05/10/2017, 10:43 (GMT+7)

Sau khi ăn tiết canh lợn, 2 người đàn ông bị nhiễm trùng huyết, suy đa tạng và suýt chết do liên cầu khuẩn lợn.

tiết canh lợn, liên cầu khuẩn lợnBệnh nhân N. đang được điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới TW

Trao đổi với PV, BS Nguyễn Trung Cấp (Trưởng khoa Cấp cứu, BV Bệnh Nhiệt đới TW) cho biết, BV đang điều trị cho 2 bệnh nhân bị liên cầu lợn do ăn tiết canh. Cụ thể bệnh nhân thứ nhất là ông T.Q.N 57 tuổi ở Thái Bình. Sau ăn tiết canh lợn 4 ngày, ông N. xuất hiện sốt cao, đi ngoài phân lỏng. Ông N. được gia đình đưa vào bệnh viện tỉnh nhưng đã xuất hiện sốc, ngay sau đó, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW vào ngày 1/10.

Bệnh nhân thứ 2 là ông V.V.D. 52 tuổi ở Ninh Bình. Người thân ông D. cho hay, sau 3 ngày ăn tiết canh, ông D. bị sốt, hôm mê nên gia đình vội đưa vào bệnh viện tỉnh điều trị. Tuy nhiên ngay sau đó, ông D. đã được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW ngày 2/10 với nhiều biểu hiện của nhiễm liên cầu lợn. Hiện, bệnh viện đang chờ kết quả vi sinh để khẳng định, bệnh nhân có nhiễm liên cầu lợn hay không.

tiết canh lợn, liên cầu khuẩn lợnMột bệnh nhân bị liên cầu khuẩn lợn.

Theo bác sĩ Cấp, ăn tiết canh lợn, rất dễ bị liên cầu khuẩn. Đây là căn bệnh nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong nếu điều trị muộn. Tỷ lệ tử vong có thể lên tới 7%. Những người bị mắc bệnh chết còn do nhiễm độc tố vi khuẩn, gây hiện tượng sốc. Có người chỉ qua 3 ngày đã bị sốc nhiễm khuẩn, nhưng có người phải 10 ngày mới diễn biến nặng như vậy, tùy vào cơ địa của từng người.

Trong khi đó, việc điều trị bệnh liên cầu khuẩn thường kéo dài nhiều tháng với chi phí lên tới hàng trăm triệu đồng; nhiều người dù được điều trị nhưng cũng không qua khỏi. Do đó, để phòng bệnh, người dân không nên ăn tiết canh, nem chua, thịt tái sống…

Để phòng bệnh, người dân không nên ăn tiết canh, nem chua, thịt tái sống… Khi lựa chọn thịt lợn, không nên mua thịt có màu đỏ khác thường, xuất huyết vì đó chắc chắn là lợn bị bệnh. Đối với những người chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ thịt lợn cần đeo găng tay để tránh tiếp xúc trực tiếp với lợn hoặc thịt lợn bệnh với những vùng có vết thương hở.

Thanh Hà (TH)
Theo Đời sống Plus/GĐVN