Thứ sáu, 29/03/2024 | 03:31
RSS

Nhà mặt phố mất giá vì chiến dịch giải cứu vỉa hè

Thứ năm, 13/04/2017, 10:11 (GMT+7)

Sau chiến dịch giải cứu vỉa hè của chính quyền TP.HCM, không ít hộ kinh doanh đã trả lại mặt bằng kinh doanh tại mặt tiền các con đường lớn do buôn bán ế ẩm.

Thời gian gần đây, nhiều hộ kinh doanh trên một số quận huyện tại TP.HCM rơi vào cảnh “dở khóc dở cười” vì không biết lấy chỗ nào để cho khách hàng đậu xe khi chính quyền TP ra quân dành lại vỉa hè cho người đi bộ.

Theo chị N.T.T.Xuân – một hộ kinh doanh quần áo thời trang trên đường Nguyễn Trãi (quận 5), kể từ khi chính quyền quận này ra tay dẹp tình trạng lấn chiếm vỉa hè, cửa hàng chị đã không còn chỗ để khách hàng có thể đậu xe, vì vậy lượng khách đến mua tại cửa hàng này ngày càng vắng hẳn.

“Từ hôm dẹp vỉa hè tới giờ, mỗi ngày khách ra vào cửa hàng chỉ lưa thưa vài người. Trong khi đó, mỗi tháng tôi phải gánh hàng chục triệu đồng tiền thuê mặt bằng. Không biết thời gian tới cửa hàng tôi kinh doanh thế nào", chị Xuân kể.

Chị Xuân cho biết do khó khăn nên đã thương lượng lại với chủ nhà và họ đồng ý giảm 10% tiền thuê nhà. “Mặc dù giá thuê có giảm nhưng tình hình cứ vắng khách thế này thì chắc tôi phải trả chỗ này và tìm chỗ khác có giá thuê rẻ hơn, có chỗ đậu xe cho khách chứ để tình trạng này kéo dài thì không ổn”, chị nói thêm.

Không riêng gì các cửa hàng thời trang, hàng loạt quán cà phê, dịch vụ ăn uống cũng rơi vào cảnh tương tự vì chủ quán không biết kiếm đâu ra bãi đổ xe cho khách hàng. Nếu gửi tại các bãi xe tư nhân, giá giữ xe cao nên nhiều cửa hàng không kham nổi, cộng với xa địa điểm kinh doanh nên cũng không khả thi.

Thậm chí, ở một số tuyến đường lớn, do bậc tam cấp lấn vỉa hè nên buộc lòng chính quyền nhiều địa phương phải đập bỏ khiến cho không ít hộ kinh doanh rơi vào cảnh nhà cao hơn vỉa hè cả mét nên rất vắng khách.

Kinh doanh ế ẩm kéo dài khiến nhiều hộ kinh doanh cho biết chủ nhà đã có động thái thương lượng giảm phần nào giá thuê để giữ chân. Mặc dù vậy, nhiều người tỏ ra không còn mặn mà với nhà mặt tiền.

Theo Anh T.Q. Lâm, một “cò” môi giới nhà phố tại khu vực trung tâm TP, kể từ thời điểm TP ra quân dành lại lại vỉa hè cho người đi bộ, giá thuê nhà mặt tiền ngày càng ảm đạm. Những nhà mặt tiền có vị trí đẹp nhưng không có chỗ đậu xe hay chỉ đậu được vài chiếc là phân khúc kén người thuê nhất.

Một số nhà mặt tiền ở đường Lê Hồng Phong, Nguyễn Trãi, Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Văn Trỗi, Hồng Bàng, Sư Vạn Hạnh… nhu cầu tìm thuê giảm rõ rệt. Giá thuê mặt bằng ở các con đường này đã giảm so với tháng trước đó ít nhất 7-10%.

Thay vào đó, những nhà mặt tiền ở trong các con hẻm lớn, có diện tích vỉa hè càng rộng hoặc gần các bãi xe tư nhân có giá thuê ngày càng cao. Đơn cử, có những căn giá thuê đã tăng từ 7 -10%. Nhiều căn có sân, vỉa hè rộng, giá thuê còn tăng mạnh từ 10 - 15%.

Ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn đầu tư bất động sản Việt An Hòa cho rằng trên thực tế, nhà mặt tiền giá sẽ giảm do khả năng khai thác vỉa hè bị mất đi. Bởi lẽ, văn hóa của Việt Nam là văn hóa vỉa hè nên khi không có vỉa hè để kinh doanh, nhiều hộ kinh doanh sẽ chắc chắn gặp khó khăn. Vì vậy, chủ nhà buộc lòng phải giảm giá thuê để giữ khách.

Còn theo ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, giá nhà mặt tiền giảm một phần là do kinh doanh bị ảnh hưởng và khó đi. Giá trong hẻm sẽ “thừa nước đục” để tăng lên do mặt tiền không được để xe và kinh doanh.

“Thuê nhà trong hẻm sẽ có lợi thế là giá thuê rẻ hơn và dễ dàng có chỗ đậu xe cho khách khi vỉa hè mặt tiền được lấy lại cho người đi bộ. Thế nên, giá thuê trong hẻm tăng lên, trong khi giá thuê mặt tiền giảm”, ông Đực nhận định.


Theo Vietnamnet