Thứ sáu, 19/04/2024 | 18:06
RSS

Đâu là nguyên nhân thực sự khiến hàng trăm xe khách tập trung phản đối luồng tuyến mới?

Thứ tư, 01/03/2017, 09:57 (GMT+7)

“Dàn xe được đầu tư hàng tỷ đồng nhưng từ khi điều chuyển chỉ có một vài khách đi dẫn đến tình trạng thua lỗ, đứng trước nguy cơ phá sản”, đại diện nhà xe Phiệt Học cho biết.

Liên quan đến vụ việc hàng trăm xe khách chạy tuyến Thái Bình và Nam Định từ chối chở khách, tập trung thành đoàn để lên Hà Nội phản đối chính sách điều chuyển bến bãi của Sở GTVT Hà Nội, sáng ngày 1/3, PV Đời sống Plus đã có cuộc trao đổi với đại diện những các nhà xe để tìm hiểu nguyên nhân.

phản đối chính sách điều chuyển bến bãi 1

Gần 100 nhà xe từ chối chở khách lên TP. Hà Nội phản đối quyết định điều chuyển bến bãi trước đó.

Trao đổi với PV, đại diện nhà xe Phiệt Học cho biết nguyên nhân của vụ việc bắt nguồn từ những thua lỗ phát sinh kể từ khi TP. Hà Nội ra lệnh điều chuyển bến bãi.

“Từ giữa năm 2016, nhằm hướng tới mục tiêu phục vụ hành khách đi tuyến Thái Bình – Hà Nội một cách tốt nhất, phía nhà xe chúng tôi đã tiến hành vay vốn ngân hàng để nâng cấp dàn xe.

Tuy nhiên, đến cuối năm 2016, TP. Hà Nội bất ngờ ra chính sách điều chuyển bến bãi khiến các nhà xe trở tay không kịp.

Toàn bộ số xe chạy tuyến Thái Bình – Hà Nội của chúng tôi được điều chuyển ra bến xe Nước Ngầm. Cũng kể từ đây, doanh thu của nhà xe sụt giảm không phanh.

Xe được đầu tư tiền tỉ nhưng sau lệnh điều chuyển bến bãi chỉ có lèo tèo một vài khách. Phí cầu đường, xăng dầu còn chưa đủ chứ đừng nói đến việc có lãi.

Hiện tại, doanh nghiệp đang rất khó khăn và đang đứng trước bờ vực phá sản, cứ tình trạng này, chúng tôi buộc phải đóng cửa nhà xe”.

phản đối chính sách điều chuyển bến bãi 2

Xe được dán băng rôn với nội dung "Đề nghị chính phủ hãy cứu các doanh nghiệp xe khách chúng tôi".

Cùng chung tình trạng với nhà xe Phiệt Học, đại diện nhà xe Hạnh Trinh chạy chuyên tuyến Thái Bình – Hà Nội cũng đang đứng trước nguy cơ phá sản từ khi lệnh điều chuyển bến bãi của TP. Hà Nội được ban hành.

“Quả thực là cực chẳng đã chúng tôi mới phải làm như này, lệnh điều chuyển bến bãi của TP. Hà Nội đã gần như giết chết chúng tôi.

Theo lệnh điều chuyển, nhà xe chúng tôi phải chuyển về bến xe Nước Ngầm trong khi trước đây vẫn bắt khách ở bến Mỹ Đình.

Bến Nước Ngầm phí cao, lại không có tuyến xe buýt trong nội đô chạy ra, hơn nữa nếu muốn ra bên Nước Ngầm bắt buộc người dân phải bỏ ra thêm một khoản tiền để bắt xe taxi ra.

Mặt khác, xe dù xe cóc phát triển, vào nội đô gom hết khách nên hầu như ngày nào chúng tôi cũng chỉ có vài người khách lên xe. Khó khăn chồng chất khó khăn”.

phản đối chính sách điều chuyển bến bãi 3

Các doanh nghiệp lâm vào tình trạng ế ẩm, đứng trước nguy cơ phá sản từ khi có quyết định điều chuyển bến bãi.

Cũng trong đoàn xe lên phản đối chính sách điều chuyển, đại diện nhà xe Long Thu chạy tuyến Thái Bình – Hà Nội phân tích thêm.

“Nếu điều chuyển ra bến xe Giáp Bát thì may ra chúng tôi còn có con đường chứ nói thật với báo chí là ở bến Nước Ngầm một chuyến chúng tôi chở không quá 10 hành khách.

Trong khi đó phí đường bộ tăng, phí cầu, phà, bến bãi, nhiên liệu cũng tăng. Để cứu vớt tình trạng vắng khách, chúng tôi đã quyết định giảm sâu giá vé từ 75.000 đồng xuống còn 50.000 đồng như cũng không có mấy khách.

Chúng tôi đã có nhiều ý kiến để phản đối chính sách điều chuyển này nhưng đều vô vọng. Đến bước đường cùng mới phải huy động anh em đi lên mong sao TP. Hà Nội xem xét lại quyết định điều chuyển bến bãi”.

phản đối chính sách điều chuyển bến bãi 4

"Chúng tôi mong muốn được trở về bến xe Mỹ Đình để hoạt động hoặc ít ra cũng cho các doanh nghiệp được vào bến Giáp Bát để cạnh tranh công bằng với những doanh nghiệp khác”.

Nói về lý do đoàn xe đi đến trạm thu phí Pháp Vân – Cầu Giẽ bị giữ lại đại diện nhà xe Mạnh La bức xúc.

“Trước khi tập trung để lên Hà Nội, đại diện các nhà xe cũng đã thống nhất phương án di chuyển đúng với quy định giao thông tuyệt đối không có những hành vi gây mất trật tự nhưng không hiểu sao vẫn bị lực lượng cảnh sát giao thông giữ lại.

Còn về việc từ chối bắt khách, đi xe không lên Hà Nội là do chúng tôi muốn để lãnh đạo TP. Hà Nội thấy được tình trạng của các nhà xe chúng tôi. Ngày thường cũng chỉ có vài khách, có khác gì đi xe không đâu.

Chúng tôi mong muốn được trở về bến xe Mỹ Đình để hoạt động hoặc ít ra cũng cho các doanh nghiệp được vào bến Giáp Bát để cạnh tranh công bằng với những doanh nghiệp khác”.

Như thông tin Đời sống Plus đã đăng tải trước đó, sáng ngày 28/2, hàng trăm xe khách chạy tuyến Thái Bình – Hà Nội và Nam Định – Hà Nội đã đi xe không, căng băng rôn với nội dung “Đề nghị chính phủ hãy cứu các doanh nghiệp xe khách chúng tôi” xếp thành hàng dài di chuyển lên TP. Hà Nội để phản đối quyết định điều chuyển bến bãi trước đó của TP. Hà Nội. 

Nguyễn Dương
Theo Đời sống Plus