Thứ sáu, 29/03/2024 | 17:02
RSS

Nguồn gốc và ý nghĩa của Tết Nguyên Đán Việt Nam

Thứ tư, 07/02/2018, 10:11 (GMT+7)

Tết Nguyên Đán là ngày lễ lớn nhất trong năm của người Việt Nam, là thời điểm giao hòa giữa năm cũ và năm mới, đồng thời ngày để mọi con người đoàn tụ với gia đình, trở về quê hương và nhớ về tổ tiên.

Sự kiện:

Nguồn gốc Tết Nguyên Đán của người Việt Nam

Nhiều người thường nhầm lẫn cho rằng Tết Nguyên Đán, tức Tết cổ truyền của người Việt, có nguồn gốc từ Trung Quốc khi đây là cụm từ Hán- Việt, đồng thời Việt Nam cũng trải qua quá trình đô hộ 1000 năm từ chính quyền phương Bắc và ảnh hướng khá nhiều từ văn hóa Trung Hoa, do quá trình giao thoa văn hóa giữa hai đất nước.

Tuy vậy theo các nhà nghiên cứu, thực tế Tết của người Việt Nam không xuất phát từ người Trung Quốc và cũng không đồng nhất với Tết cổ truyền của người Trung Hoa.

Theo đó, trước khi chịu sự đô hộ của phong kiến phương Bắc và có sự giao thoa về văn hóa từ người Hoa Hạ, người Việt ta đã có một nền văn minh sơ khai rực rỡ ở buổi đầu bình minh dựng nước.

Chính từ thời Nhà nước Văn lang – Âu Lạc thời Hùng Vương, An Dương Vương đã hình thành nên những phong tục, tập quán đậm chất truyền thống của của người Việt, trong đó có tục “ăn Tết” trong những ngày đầu năm mới và lưu truyền qua ngàn đời tới tận ngày nay mà ngày nay chúng ta thường gọi là Tết Nguyên Đán.

Nguyên nghĩa của “Tết” chính là “Tiết", một khái niệm chỉ thời gian trong văn hóa người Việt thời xưa.

Văn hóa Việt thuộc văn minh nông nghiệp lúa nước, do nhu cầu canh tác nông nghiệp đã “phân chia” thời gian trong một năm thành 24 tiết khác nhau (ứng với mỗi tiết này có một thời khắc gọi là “giao thời”).

Trong đó, tiết quan trọng nhất là tiết khởi đầu của một chu kỳ canh tác, gieo trồng - tức Tiết Nguyên đán, sau này được biết đến là Tết Nguyên đán.

Đây là thời điểm giao thời giữa năm mới và năm cũ, là ngày khởi đầu của một năm canh tác mới hứa hẹn những vụ mùa bội thu tràn đầy thành công và niềm vui trong cuộc sống.

Tết Nguyên Đán ngày lễ lớn của người Việt Nam
Tết Nguyên Đán ngày lễ lớn của người Việt Nam. Ảnh minh họa

Thông qua nhiều sự tích và tài liệu nghiên cứu cũng như những gì còn ghi chép về phong tục của nước Việt Nam xưa và một số tài liệu của Trung Hoa có nhắc tới những ngày lễ của Việt Nam xưa, có thể khẳng định Tết cố truyền của người Việt không xuất phát từ Trung Quốc và độc lập với Tết của người Trung Hoa.

Khổng Tử – Nhà tư tưởng, nhà triết học, nhà giáo dục nhà chính trị nổi tiếng người Trung Hoa, trong sách Kinh Lễ có viết: “Ta không biết Tết là gì, nghe đâu đó là tên của một ngày lễ hội lớn của bọn nguời Man, họ nhảy múa như điên, uống rượu và ăn chơi vào những ngày đó” ( túc nói về ngày lễ Tết của người Việt Nam xưa).

Sách Giao Chỉ Chí cũng có đoạn viết “Người Giao Quận thường tập trung lại từng phường hội nhảy múa hát ca, ăn uống chơi bời trong nhiều ngày để vui mừng một mùa cấy trồng mới, không những chỉ có dân làm nông mà tất cả người nhà của Quan lang, Chúa động cũng đều tham gia lễ hội này"

Điều đó càng khẳng định, Tết Nguyên đán có nguồn gốc từ Việt Nam, sau đó được người Hoa du nhập và phát triển như ngày nay.

Ý nghĩa của ngày Tết Nguyên Đán

Tết Nguyên Đán là dịp lễ lớn, quan trọng của người Việt Nam từ trước đến nay, hòa cùng với văn hóa Tết Âm lịch của các nước phương Đông. Đây là khoảng thời gian được xem là vui nhất, nhộn nhịp nhất và ấm áp nhất của cả một năm.

Mọi người có cơ hội sum họp, đoàn tụ, quây quần bên nhau, cùng nhau tận hưởng những khoảnh khắc tài lộc, náo nức, thiêng liêng, nồng ấm của mùa xuân, của những ngày đầu năm đầy phấn khởi.

Những bộn bề, lo toan của công việc sẽ tạm gác lại, thay vào đó là sự thoải mái, sự thư giãn tâm hồn và hòa mình vào không gian hân hoan của tiết xuân nồng thắm.

Ngày Tết Nguyên Đán là thời khắc giao hòa giữa năm cũ và năm mới, là sự khởi đầu cho những hương sắc tân niên, cây trái đâm chồi nảy lộc, nhà nhà phát tài, sung túc, Thiên – Địa – Nhân hài hòa cùng sự trường tồn vĩnh cửu.

Ngoài ra ngày Tết cũng là ngày tri ân thầy cô, khởi nghiệp, cầu duyên và đón may mắn trong năm của người Việt cũng như các nước Á đông.

N.P (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN