Thứ năm, 28/03/2024 | 23:28
RSS

Người duy nhất thoát án trong phiên xử ông Đinh La Thăng là ai?

Thứ năm, 28/06/2018, 11:35 (GMT+7)

Trong phiên xử phúc thẩm vụ ông Đinh La Thăng và đồng phạm gây thất thoát 800 tỷ của PVN tại Oceanbank xuất hiện người duy nhất thoát án tại tòa.

Người duy nhất thoát án trong phiên xử ông Đinh La Thăng là ai?
 Phan Đình Đức (SN 1960, nguyên thành viên HĐTV PVN) trong phiên xử phúc thẩm ông Đinh La Thăng và đồng phạm. 

Theo bản án sơ thẩm, ông Phan Đình Đức (SN 1960, nguyên thành viên HĐTV PVN) đã ký biểu quyết đồng ý trên văn bản số 124/CVNB-NXS ngày 12/5/2011, chấp thuận PVN tiếp tục hỗ trợ tăng vốn điều lệ ở mức tối đa 20% vào Oceanbank, với số vốn tăng thêm là 100 tỷ đồng để HĐTV ban hành nghị quyết 4266/NQ-DKVN ngày 16/5/2011.

Quá trình điều tra và tại phiên tòa sơ thẩm, ông Đức cho rằng hành vi của mình không cấu thành tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” như cáo buộc, theo báo Vietnamnet.

Theo lời khai của ông Đức, ông ký vào văn bản số 124 không phải là đồng ý và không phải là ký biểu quyết trên văn bản 124/CVNB-NXS. Ông ký và ghi ngày đã đọc vào văn bản số 124 là ngày 17/5/2011 (ngày mà nghị quyết số 4266 của HĐTV về việc tăng vốn và quyết định chuyển tiền số 4212 đều đã được ban hành trước đó 1 ngày).

Như vậy, việc ban hành nghị quyết số 4266 và quyết định chuyển tiền số 4212 không phụ thuộc vào ý kiến xem xét của bị cáo vào ngày 17/5/2011. Nếu có hậu quả gì xảy ra do việc ban hành nghị quyết số 4266 và quyết định chuyển tiền số 4212 ngày 16/5/2011 thì bị cáo không phải chịu trách nhiệm.

Bản án sơ thẩm cho rằng, là thành viên HĐTV, ông Đức phải biết việc đầu tư ra ngoài công ty mẹ trong lĩnh vực NH phải báo cáo Chính phủ và phải trình Chính phủ phê duyệt chủ trương. Khi luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 có hiệu lực, ông Đức phải nhận thức được việc góp vốn bổ sung vào Oceanbank để duy trì tỷ lệ sở hữu 20% vốn điều lệ là trái quy định. 

Hành vi này của bị cáo là hành vi cố ý làm trái trong việc PVN góp vốn vào Oceanbank, gây hậu quả thiệt hại 100 tỷ đồng cho PVN nên phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình...

HĐXX cấp sơ thẩm tuyên phạt ông Đức mức án 15 tháng cải tạo không giam giữ, buộc bồi thường 15 tỷ đồng.

Sau phiên tòa sơ thẩm, ông Phan Đình Đức làm đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Sau khi xem xét, HĐXX phúc thẩm kết luận, chưa đủ cơ sở xác định bị cáo Phan Đình Đức ký văn bản 124 trước khi ký ban hành nghị quyết 4266 ngày 16/5/2011.

Tuy bị cáo Đức không được giao trực tiếp phụ trách tài chính PVN, nhưng với trách nhiệm là thành viên HĐTV của PVN, buộc bị cáo phải biết văn bản 124 đề xuất PVN góp vốn 100 tỷ để truy trì 20% vốn điều lệ của Oceanbank là trái quy định của luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 và không nằm trong kế hoạch năm 2011 của PVN, nhưng bị cáo đã không có ý kiến phản đối mà còn biểu thị thái độ ký tên mình trên văn bản 124.

Từ phân tích trên, HĐXX cấp phúc thẩm xác định, hành vi không kiểm tra, xem xét và ký vào văn bản 124 của bị cáo Phan Đình Đức đã phạm tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Tòa án cấp sơ thẩm xác định bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ nên có thể xem xét chuyển hình phạt cho bị cáo.

Vì vậy, bị cáo Phan Đình Đức được thay đổi tội danh từ “Cố ý làm trái…” sang tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và được thay đổi hình phạt từ 15 tháng cải tạo không giam giữ sang hình phạt cảnh cáo, không phải bồi thường dân sự, Dân trí đưa tin. 

Người duy nhất thoát án trong phiên xử ông Đinh La Thăng là ai?
Bị cáo Đinh La Thăng và đồng phạm. Ảnh Dân trí.

Hồ sơ vụ án cho thấy, với cương vị đứng đầu PVN, bị cáo Đinh La Thăng biết rõ hiện trạng yếu kém của Oceanbank nhưng không đưa ra bàn bạc, thảo luận, xin ý kiến HĐQT/HĐTV khi quyết định đầu tư và “rót tiền” vào tổ chức tín dụng này. 

Mặt khác, mặc dù chưa có ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ nhưng bị cáo Đinh La Thăng vẫn chỉ đạo cấp dưới dùng tiền của PVN góp vốn vào Oceanbank.

Cụ thể, lần 1 (tháng 10/2008), PVN góp 400 tỷ đồng; lần 2 (tháng 5/2010) góp 300 tỷ đồng và lần 3 (tháng 5/2011) góp thêm 100 tỷ đồng. Quá trình kinh doanh Oceanbank bị thua lỗ, rồi âm vốn chủ sở hữu. 

Năm 2014, Ngân hàng Nhà nước buộc phải mua bắt buộc đối với Oceanbank để gánh toàn bộ nghĩa vụ trả nợ. Cũng chính vì thế mà 800 tỷ đồng PVN góp vào Oceanbank bị thất thoát.

Đối với khoản tiền 244 tỷ đồng PVN được Oceanbank chia cổ tức, HĐXX cho rằng, đây là khoản tiền thu lợi bất chính, về nguyên tắc phải được tịch thu sung công quỹ. 

Nhưng thực tế, khoản tiền này đã được PVN hạch toán, được đầu tư vào các hoạt động của PVN trong nhiều năm nên không thể bóc tách khoản tiền này thu hồi cho Nhà nước. Quan điểm của các bị cáo và luật sư cho rằng cần phải khấu trừ số tiền này trong số tiền 800 tỷ đồng được xác định là thiệt hại của vụ án là không có cơ sở chấp thuận.

Từ những nhận định trên, HĐXX phúc thẩm quyết định tuyên phạt nguyên Chủ tịch HĐTV PVN Đinh La Thăng 18 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. 

Tổng hợp hình phạt với bản án 13 năm tù cũng về tội “Cố ý làm trái…” ở vụ án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 trước đó, bị cáo Đinh La Thăng phải chấp hành mức án chung là 30 năm tù. Về dân sự, HĐXX buộc bị cáo Thăng phải bồi thường cho PVN 600 tỷ đồng.

Bị cáo Ninh Văn Quỳnh (nguyên Kế toán trưởng, kiêm Trưởng ban Tài chính - Kế toán và Kiểm toán PVN) bị tuyên phạt 7 năm tù cũng về tội “Cố ý làm trái…” và 16 năm tù về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”; tổng hợp hình phạt cả 2 tội danh là 23 năm tù.

Đối với bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Phó TGĐ PVN), tại phiên tòa phúc thẩm, ông Sơn đã rút kháng cáo về hình phạt và mức bồi thường dân sự. Tuy nhiên, HĐXX vẫn xác định tư cách tố tụng của ông Sơn là bị cáo. 

Nguyên Phó TGĐ PVN phải chấp hành 30 tháng tù về tội “Cố ý làm trái…”.Tổng hợp hình phạt với mức án tử hình ở vụ án Hà Văn Thắm về tội “Tham ô tài sản” trước đó, ông Sơn phải chấp hành mức án chung là tử hình. Ngoài ra, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn cũng phải liên đới bồi thường thiệt hại cho PVN.

Các bị cáo nguyên là thành viên HĐTV PVN bị bác kháng cáo và y án sơ thẩm là Nguyễn Xuân Thắng: 22 tháng tù, Vũ Khánh Trường: 5 năm tù, Nguyễn Thanh Liêm: 20 tháng cải tạo không giam giữ.


Xem thêm: Ông Đinh La Thăng xin được tại ngoại

Hạo Nhiên (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN