Thứ ba, 23/04/2024 | 18:45
RSS

Người đồng tính: Sự kỳ thị đáng sợ nhất là ngay trong chính gia đình

Thứ ba, 19/12/2017, 14:00 (GMT+7)

Dù xã hội có cái nhìn bớt khắt khe hơn nhưng cũng phải thừa nhận rằng, không ít người đồng tính vẫn đau khổ, cô độc. Với họ, sự kỳ thị, vô thừa nhận đau đớn, đáng sợ nhất là ngay trong chính gia đình mình.

Người đồng tính: Sự kỳ thị đáng sợ nhất là ngay trong gia đình
Chuyện tình của người đồng tính khiến nhiều người ngưỡng mộ. Ảnh minh họa

Bi kịch gia đình vì mẹ cha ích kỷ

Cách đây không lâu, nhiều phương tiện thông tin đại chúng đồng loạt đưa tin về đám cưới của cặp đồng tính nam ở Kiên Giang. Dù chưa thực sự được pháp luật thừa nhận, nhưng đám cưới cũng khiến những người ủng hộ hôn nhân đồng giới nức lòng bởi trong bữa tiệc báo hỷ có đông đủ họ hàng và đặc biệt là sự xuất hiện của 2 bố mẹ hai bên.

Dù ai cũng hiểu rằng, để đi đến ngày hôm nay, những bậc sinh thành ấy đã tốn không ít nước mắt và nhiều đêm mất ngủ, thế nhưng, có được sự thừa nhận của bố mẹ như “cặp vợ chồng” trẻ kia cũng là quá hạnh phúc và là niềm khao khát, ước vọng của không ít người thuộc giới tính thứ 3. Nguyễn Anh Tuấn (35 tuổi, Đống Đa, Hà Nội) là một ví dụ.

Anh Tuấn sinh ra trong một gia đình trung lưu có 6 người con. Trên anh Tuấn có 5 chị gái. Chắc hẳn, không cần nói, người ngoài cũng hiểu rằng, với cha mẹ anh Tuấn là niềm hy vọng lớn lao cỡ nào.

Là con độc đinh trong gia đình khá giả nên ngay từ nhỏ Tuấn đã được chiều chuộng hết mức. Bố Tuấn làm kinh doanh thường xuyên đi công tác nước ngoài mỗi lần về là mang cho Tuấn cả đống đồ chơi. Từ máy bay, ô tô, cần cẩu… những thứ hiếm có đứa trẻ cùng trang lứa nào có. Thế nhưng, Tuấn chẳng thích mà lúc nào cũng mê mệt trò búp bê với các chị.

Tuấn ăn nói nhỏ nhẹ, thích để tóc dài, hay nũng nịu, động vào là khóc lóc hờn dỗi… Những biểu hiện ấy cha mẹ Tuấn không để ý lắm vì cho rằng Tuấn là con út nên nhõng nhẽo cũng là điều dễ hiểu. Với lại, thời ấy trong xã hội khái niệm về giới tính thứ 3 còn rất mơ hồ.

Chính Tuấn cũng không hiểu tại sao mình lại có sở thích kỳ lạ như vậy. Cho đến một ngày, người bạn trai thân nhất của anh có bạn gái, Tuấn bỗng thấy như tim mình tan nát. Anh tức giận, ghen tuông với cô bạn gái của bạn. Thế rồi, đêm đêm, anh mất ngủ và suy nghĩ không nguôi về người bạn trai kia.

Đến lúc ấy, Tuấn mới hiểu rằng, anh đã yêu cậu bạn thân và mình không giống những người con trai bình thường khác. Tìm hiểu qua sách báo, Tuấn biết rằng, mình thuộc những người giới tính thứ 3.

Sốc, hoang mang nhưng Tuấn không biết chia sẻ cùng ai. Anh vừa xấu hổ vừa buồn vì cảm thấy mình kỳ dị. Nghĩ đến những kỳ vọng của gia đình đặt lên vai mình, Tuấn lại càng cảm thấy suy sụp, đau đớn hơn nữa. Nếu mẹ anh mà biết, chắc chắn bà sẽ khóc lóc đến ngất lịm đi, còn bố anh, người chiều chuộng anh rất mực nhưng cũng là người đàn ông gia trưởng, nghiêm khắc đến tiêu cực sẽ chẳng bao giờ chấp nhận điều này. Vì thế, anh Tuấn tự dặn mình sẽ chôn chặt bí mật.

Anh bỏ trường âm nhạc mà anh vẫn thầm yêu thích để thi Bách Khoa, làm một kỹ sư như bố anh muốn. Anh cũng chấm dứt quan hệ với cậu bạn kia để tìm cách quên đi mối tình đơn phương đầy day dứt. Tuy nhiên, đến tuổi trưởng thành, khi bố mẹ anh muốn cậu con cưng yên bề gia thất, sức chịu đựng của anh Tuấn tưởng chừng như đã đi quá giới hạn.

Anh cố gắng tìm hiểu một số cô gái theo lời giới thiệu của bố mẹ, nhưng dù cô gái ấy có xinh đẹp, giỏi giang cỡ nào, anh Tuấn cũng không có một chút cảm xúc gì. Nếu có cố ép mình ôm, hôn một cô gái trong anh chỉ có sự sợ hãi, thậm chí ghê tởm. Thế rồi, trong một lần đi sinh nhật, anh Tuấn đã bắt gặp ánh mắt của một người con trai hơn anh 3 tuổi.

Sau vài câu chuyện ngắn ngủi, cả anh và người kia đều hiểu rằng, họ có điểm chung là giới tính. Họ đến với nhau như một lẽ tự nhiên nhất. Lần đầu tiên anh Tuấn biết thế nào là rung động thực sự, là yêu và được yêu, là được sẻ chia những tâm sự chất chứa suốt 25 năm trời.

Về phía bố mẹ anh Tuấn, thấy cậu con trai cứ từ chối hết mối này đến mối khác, ông Minh bà Vân thực sự lo lắng. Gặng hỏi mãi mà cậu con trai không nói được lý do chính đáng, ông Minh đùng đùng tức giận tuyên bố: “Con Thúy đẹp người đẹp nết, bố nó lại là quan chức to, mày còn chê điểm gì? Bây giờ tao quyết, cuối tháng 8 hai đứa làm đám cưới”. Đến lúc này, anh Tuấn đành rụt rè thừa nhận sự thật. Anh cũng nói với bố mẹ rằng mình đang yêu một người con trai khác.

“Vừa nghe xong, mẹ tôi sốc quá tăng huyết áp phải nhập viện. Còn bố tôi mặt đỏ phừng phừng ngồi im như tượng. Chưa bao giờ tôi thấy ông giận dữ đến vậy”, anh Tuấn nhớ lại.

Thời gian sau đó là chuỗi ngày nặng nề khó khăn nhất đối với gia đình anh Tuấn. Bố anh gọi anh là "kẻ biến thái", "quân mất dạy", đua đòi hư hỏng, cấm anh không được tiết lộ kẻo ảnh hưởng đến thanh danh của gia đình. Mẹ anh khóc lóc đến gầy rộc cả người luôn miệng xin anh cùng bà đi chữa bệnh.

Khi biết không thể thay đổi lý trí, ước vọng muốn sống với con người thật của mình, mẹ anh đã dọa uống thuốc tự vẫn. Cuối cùng, trước sức ép gia đình, Tuấn đồng ý lấy Thúy, người con gái mà bố mẹ anh đã nhắm trước.

Chuỗi ngày đầu sống cuộc sống hôn nhân lại là một bi kịch khác. Tuấn không thể làm đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ của người chồng. Từ đây, anh lại phải chịu dày vò của vợ. Chị khóc lóc, bảo anh là kẻ khốn nạn, lừa đảo, phá hoại cả hạnh phúc của đời chị. Ê chề, đau đớn, Tuấn biết chị nói không sai. Chính anh và gia đình anh đã quá ích kỷ, khiến không chỉ anh mà thêm một cuộc đời khác rơi vào đau khổ. Tuấn chấp nhận lá đơn ly dị của vợ sau 3 tháng chung sống.

Thế nhưng, anh bà Vân Minh thì không thể chấp nhận được sự thật. Là là nước mắt và những lời mạt sát. Ông bà bắt anh Tuấn phải lấy vợ, phải sinh cho họ một đứa cháu đích tôn. Đến lúc này, không thể chịu đựng nổi, anh Tuấn đã uống thuốc ngủ tự vẫn những mong chấm dứt cuộc đời khổ đau, u uất.

May mắn, phát hiện kịp thời nên anh Tuấn giữ được mạng sống. Thế nhưng, anh Tuấn sau đó đã phải sống với căn bệnh trầm cảm nặng. Anh tự giam mình trong bóng tối, không giao tiếp xã hội cũng không trò chuyện với bất cứ ai trong gia đình.

“Giá như tôi không ích kỷ, giá như tôi chịu mở lòng để chấp nhận con thì giờ đâu phải chịu bi kịch lớn đến thế này”, ông Tuấn nuốt nước mắt, nói những lời hối hận.

Người đồng tính: Sự kỳ thị đáng sợ nhất là ngay trong gia đình2
Sự kỳ thị đáng sợ nhất là ngay trong gia đình. Ảnh minh họa

Gia đình hãy là điểm tựa

Theo Thạc sĩ tâm lý Vũ Mạnh Hà: “Giới tính của con cái không do chúng tạo ra, cũng không phải do xã hội hình thành. Chúng xuất phát từ tạo hóa tự nhiên. Một số phụ huynh có thể hiểu và chấp nhận được việc này, một số thì không. Họ trải qua một chuỗi cảm xúc rất tệ: Sốc, đau buồn, tức giận, thấy xấu hổ và cảm giác mất mát. Nhưng hơn ai hết, tôi nghĩ rằng những người thuộc giới tính thứ 3 mới chính là người chịu nhiều tổn thương, thiệt thòi nhất.

Cha mẹ thường nghĩ rằng họ hiểu rõ con cái từ khi mới lọt lòng cho đến lúc trưởng thành. Họ mong muốn và nhiều khi áp đặt về hình ảnh tương lai con mình sẽ trở thành. Vì thế khi được thông báo hay phát hiện ra rằng: Con là người đồng tính, cha mẹ sẽ mất thăng bằng và hoang mang rất nhiều.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, cha mẹ cần hiểu rõ một điều: Trước khi có thể đối diện trước bản thân mình, cũng như trước cha mẹ về sự thật này, những người thuộc giới tính thứ 3 đã phải trải qua sự mâu thuẫn, buồn tủi và thậm chí là tội lỗi với chính mình. Không ai muốn mình khác thường và kỳ dị cả.

Thực chất, đồng tính không phải là một căn bệnh, đây là một dạng giới tính và cảm xúc bị đặt nhầm lẫn vào cơ thể không cùng giới. Đừng nên kỳ thị hay đối xử với người đồng tính như một căn bệnh lây lan nguy hiểm. Đó là điều người đồng tính cần được nhìn nhận và tôn trọng.

Xã hội hiện nay đang phát triển và tạo nhiều cơ hội cho những người đồng tính hòa nhâp tốt hơn với môi trường sống. Cha mẹ hãy bên con cùng với tâm hồn thật sự ấy, hỗ trợ và giúp đỡ con không bị sa ngã mà nhầm lẫn giữa những con đường đầy cạm bẫy”.

Bình An
Theo Đời sống Plus/GĐVN