Thứ ba, 19/03/2024 | 10:16
RSS

Người dân không phải cái bao tiền, thưa Bộ Tài chính!

Thứ bảy, 24/02/2018, 14:30 (GMT+7)

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dư luận cho dự thảo nghị quyết trình Chính phủ về biểu thuế bảo vệ môi trường.

Người dân không phải cái bao tiền, thưa Bộ Tài chính!

Xăng dầu phải "gánh" phí môi trường?

Theo đó, từ ngày 1-7-2018, mức thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng dầu được đề xuất tăng lên kịch khung quy định của luật.

Cụ thể, xăng: Đề nghị tăng từ 3.000 đồng/lít lên mức trần 4.000 đồng/lít. Dầu diesel: Đề nghị tăng từ 1.500 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít. Dầu mazut, dầu nhờn từ 900 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít. Mỡ nhờn: từ 900 đồng/kg lên mức trần 2.000 đồng/kg.

Như vậy, tỉ lệ tăng rất lớn. Lý do được Bộ Tài chính lý giải là do thuế nhập khẩu các mặt hàng xăng dầu giảm, phải tăng thuế bảo vệ môi trường trong Giá xăng dầu lên. Làm như vậy để có nguồn chi bảo vệ môi trường mà theo Bộ Tài chính, với đề nghị tăng thuế kể trên, mỗi năm sẽ thu được thêm gần 15.700 tỉ đồng.

Có nhiều thứ còn tù mù cần được minh bạch hoá quanh đề xuất này của Bộ Tài chính.

Một là, thuế nhập khẩu các mặt hàng xăng dầu giảm thì lẽ ra giá xăng dầu phải giảm tương ứng để người dân được lợi, chứ sao lại tăng thuế bảo vệ môi trường? Thuế này giảm, thuế kia tăng thì người tiêu dùng đâu được gì; đâu có đúng với tinh thần gia nhập WTO mà nhà nước từng loan báo là khi các hàng rào thuế quan được dỡ bỏ, giá sản phẩm hàng hoá sẽ giảm theo, có lợi cho dân chúng?

Nếu không lý giải được sự kỳ cục này thì chẳng thà Bộ Tài chính nói trắng ra là: Do thuế nhập khẩu giảm dẫn đến hụt thu ngân sách, vì thế phải bù thu bằng cách tăng thuế môi trường!

Hai là, trước nay thuế bảo vệ môi trường tính trong mỗi lít xăng là 3.000 đồng, tổng nguồn thu hàng chục ngàn tỉ đồng mỗi năm từ nguồn này đã được dùng vào những hạng mục, công trình bảo vệ môi trường nào? Hiện trạng môi trường trước và sau khi thu 3.000 đồng/1 lít xăng ra sao? Môi sinh có tốt lên hay không? Nếu tệ hơn thì sao cứ thu và đòi tăng thu? Hay là tiền thuế bảo vệ môi trường được chi dùng cho chuyện khác?

Trả lời cụ thể được những câu hỏi trên thì mới thuyết phục được dân về lý do tăng thuế, thậm chí họ còn ủng hộ vì đồng tiền của họ đã được sử dụng đúng mục đích, có ý nghĩa. Còn không thì có thu thêm dù chỉ một đồng, dân vẫn bất mãn.

Ba là, Bộ Tài chính điều tiết giá kiểu gì mà đằng nào người dân cũng chịu thiệt? Trong giá xăng khoảng 20.000 đồng/lít hiện nay thì thuế và phí đã chiếm hết một nửa rồi mà nay còn tính chuyện tăng tiếp. Trong khi đó, mới đây Chính phủ cam kết chủ trương không tăng thuế, phí để giảm gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp?

Lý do Bộ Tài chính đưa ra là giá xăng dầu ở Việt Nam còn thấp so với các nước trong ASEAN có chung đường biên giới, vì vậy phải tăng để chống buôn lậu (!).

Tư duy như vậy là đi thụt lùi. Để xảy ra buôn lậu là do chống buôn lậu kém và có tiêu cực ngay trong lực lượng chống buôn lậu. Và, khi giá xăng dầu trong nước càng cao do thuế, phí nhiều thì sẽ phát sinh lắm tiêu cực, gian lận. Kiểm toán Nhà nước đã từng chỉ ra một thương nhân đầu mối xăng dầu nhờ kẽ hở trong tính giá đã được lợi 3.300 tỉ đồng năm trước, năm sau dù bịt kẽ hở nhưng thương nhân này vẫn kiếm 1.600 tỉ!

Người dân không phải là cái bao tải đựng tiền, điều chỉnh giá mặt hàng gì cũng phải nghĩ đến sức dân, quyền lợi của dân. Thuế nhập khẩu giảm là chuyện đã biết trước vì đã có lộ trình nên nay lấy lý do đó mà đùng một cái tăng giá xăng để bù thu là thể hiện sự yếu kém về tầm nhìn.

Nên tìm cách mở rộng đối tượng thu thuế hợp lý, bịt kín các kẽ hở chống trốn thuế, triệt tiêu tiêu cực trong hàng ngũ cán bộ thuế và cùng với Bộ Công Thương sớm làm lành mạnh hoá khâu quản lý và kinh doanh xăng dầu thì sẽ hạn chế được những cú sốc tăng thuế, phí để bù hụt thu như đã thấy.

Quản lý nhà nước thời hội nhập thì cần tư duy kỹ trị, chứ nếu làm một cách "cơ học" theo kiểu khi ngân sách hụt thu thì tăng thuế, phí để bù vào thì ai nghĩ cũng được, ai làm cũng được, cần chi Bộ Tài chính nữa!

Phong Ba
Theo Người lao động