Thứ sáu, 29/03/2024 | 18:45
RSS

Nghe chuyên gia giải đáp mọi thắc mắc của mẹ bầu khi mắc sốt xuất huyết

Thứ bảy, 22/07/2017, 07:31 (GMT+7)

Nhiều phụ nữ mang thai không may bị mắc sốt xuất huyết vô cùng lo lắng bởi không biết liệu căn bệnh này ảnh hưởng như thế nào tới mẹ và bé, liệu có cần phải bỏ con hay không?

Biến chứng nguy hiểm với mẹ bầu khi bị sốt xuất huyết

Trao đổi với báo chí, tiến sĩ Bùi Chí Thương (Đại học Y dược TP.HCM) cho hay sốt xuất huyết ở bà bầu thường gặp trong 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối của thai kỳ. sốt xuất huyết xảy ra trong thai kỳ có thể dẫn tới sảy thai, sinh non, thai nhẹ cân, tỷ lệ rất nhỏ mẹ có thể truyền virus sang thai.

Sốt xuất huyết khi mang thai 1

Sốt xuất huyết khi mang thai thường khó chẩn đoán hơn người bình thường. Ảnh minh họa

Thai phụ có thể xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng, chảy máu đường tiêu hoá do tình trạng giảm tiểu cầu. Nặng hơn, thai phụ có thể bị tăng men gan, tràn dịch ổ bụng hay màng phổi, màng tim hoặc sốc giảm thể tích máu, dễ dẫn đến nhau bong non, thai chết lưu trong tử cung hay thậm chí mẹ tử vong.

Các chuyên gia y tế cảnh báo, nếu thai phụ bị sốt xuất huyết chuyển dạ trong ngày thứ 3 đến ngày thứ 5 của bệnh thì thật sự là một thảm họa. Bởi lúc này, thai phụ dễ bị băng huyết hoặc rối loạn đông máu dẫn đến nguy cơ tử vong cho mẹ và con.

Bà bầu bị sốt xuất huyết có phải bỏ con?

Trả lời vấn đề này, tiến sĩ Đỗ Duy Cường – Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Bạch Mai) khẳng định: “Hiện nay không có chỉ định sản phụ mắc sốt xuất huyết phải bỏ thai, nhiều sản phụ khi mắc bệnh, điều trị xong vẫn sinh con bình thường mà không ảnh hưởng gì”.

Về việc chăm sóc cho mẹ bầu bị sốt xuất huyết nói riêng và người mắc bệnh sốt xuất huyết nói chung, TS.BS Đoàn Thu Trà, Phó khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Bạch Mai) nhấn mạnh việc điều trị và chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết, tùy theo thể trạng và giai đoạn của bệnh mà sẽ có biện pháp phù hợp.

sốt xuất huyết 2

Bà bầu bị sốt xuất huyết không phải bỏ con nhưng cần chăm sóc, điều trị cẩn thận. Ảnh minh họa

Nếu người bệnh đến ở giai đoạn đầu, chỉ cần hướng dẫn họ theo dõi, uống oresol. Nếu người bệnh ở ngày thứ 4, thứ 5 của bệnh, có hiện tượng xuất huyết, tiểu cầu giảm nhiều hoặc tổn thương gan, thận thì phải nhập viện để chăm sóc và điều trị.

Lúc đó người bệnh sẽ được truyền dịch để giảm cô đặc máu, theo dõi truyền khối tiểu cầu nếu có chỉ định, được bồi phụ nước và điện giải đầy đủ, đo mạch, huyết áp thường xuyên với sự chăm sóc của các nhân viên y tế.

Cách phòng bệnh sốt xuất huyết cho bà bầu

Dù không cần bỏ thai song không thể phủ nhận bị sốt xuất huyết khi mang thai có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và con. Do đó, mẹ bầu cần biết cách phòng tránh bệnh sốt xuất huyết ngay từ những tháng đầu tiên của thai kỳ. Cụ thể:

- Dọn dẹp nơi muỗi sinh sôi như phát quan bụi rậm, sắp xếp đồ đạc ngăn nắp, thoáng. Không để ao tù, nước đọng trong chum, thùng,…

- Tránh muỗi đốt bằng cách nằm ngủ hay sinh hoạt trong mùng, màn ở những vùng có mật độ muỗi cao.

sot xuat huyet 44

Các gia đình cần chủ động phòng tránh bệnh sốt xuất huyết cho bà bầu và trẻ nhỏ. Ảnh Internet

- Nên uống nhiều nước, ăn nhiều hoa quả có nhiều vitamin C, không tự ý dùng thuốc hạ sốt khi chưa rõ nguyên nhân.

- Đi khám ngay khi có các triệu trứng nghi ngờ như sốt, chảy máu răng, chảy máu cam, xuất huyết dưới da hay đau cơ, đau khớp, đau họng, viêm long, xuất tiết,…Nếu nghi ngờ sốt xuất huyết, bà bầu phải nhanh chóng nhập viện để được theo dõi và điều trị.

Bài thuốc dân gian trị sốt xuất huyết cho trẻ mẹ nên biết

Tri Thu (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN