Thứ bảy, 20/04/2024 | 11:07
RSS

Ngày Tết cẩn thận với những món này để không bị ngộ độc thực phẩm

Thứ bảy, 14/01/2017, 06:59 (GMT+7)

Thời điểm này, lượng hàng Tết đang bày bán tràn lan khắp các gian hàng, ngoài chợ. Tuy nhiên, chị em nội trợ cần phải biết những điều này để tránh gây ngộ độc cho cả gia đình dịp năm mới.

Bánh kẹo không rõ nguồn gốc

Đây là thời điểm lượng bánh kẹo Tết được bày bán khắp nơi. Những sản phẩm giả được dịp trà trộn và gây hại cho người tiêu dùng. Bạn cần lưu ý chọn những sản phẩm có nguồn gốc và nhãn mác rõ ràng. Bạn cũng nên chọn mua chúng ở những nơi có uy tín và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để tránh nguy cơ gây hại sức khỏe nhé!

Các loại hạt ngũ cốc hỏng, mốc

Một số loại hạt có dấu hiệu hư hỏng vẫn được đóng gói và bày bán. Hơn nữa, các cơ sở không đảm bảo thường sử dụng các loại thuốc chống mối mọt, ẩm mốc hay phẩm màu với liều lượng cao. Nếu ăn phải những loại hạt này sẽ gây nguy hại nghiêm trọng cho sức khỏe. Do đó, bạn nên cân nhắc và chọn mua những sản phẩm đảm bảo vệ sinh và có nguồn gốc rõ ràng. Bạn cũng nên tránh chọn những loại hạt có dấu hiệu mốc, hỏng hay bị phai màu.

Rượu giả

Trong các loại rượu giả chứa hàm lượng cồn công nghiệp cao có tên gọi là methanol. Tạp chất này thường tìm thấy trong mực in hay dung dịch lau kính,..gây nguy hại nghiêm trọng đến sức khỏe. Lúc này, bạn nên trang bị những kiến thức để có thể phân biệt rượu giả hay thật khi mua chúng. Hơn nữa, việc lựa chọn những nơi uy tín cũng rất cần thiết để bảo vệ sức khỏe đấy!

Mứt kém vệ sinh

Một số loại mứt không rõ nguồn gốc còn được làm với quy trình không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm như: phơi trên nền đất, đóng gói bằng tay không,..Để tránh mua phải hàng kém chất lượng bạn nên lựa chọn các cơ sở uy tín và chọn mua sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Ngoài ra, bạn có thể ưu tiên tự chế biến chúng tại nhà để đảm bảo vệ sinh tốt nhất.

Những cách hay phòng tránh ngộ độc ngày Tết

- Để khỏi bị nhiễm độc, tốt nhất bạn nên ra chợ tự mua thực phẩm, chọn những con (cá, tôm, gà vịt...)  còn sống, còn cử động được.

- Với những thực phẩm đã giết mổ, pha chế sẵn thì nên mua ở những nơi có uy tín, có bảo hành chất lượng cho các sản phẩm.

- Cần lưu ý đến ngay cả khâu chế biến thực phẩm của mỗi cá nhân và gia đình. Đảm bảo các dụng cụ nhà bếp phải thật sạch.

- Đối với khoai tây, khoai mì, đậu phộng, người tiêu dùng hoàn toàn không nên dự trữ lâu.

- Để tránh ngộ độc solanin có trong khoai tây, không nên ăn những củ khoai đã mọc mầm hay những củ có vỏ đã chuyển sang màu xanh, những củ đã đào khỏi mặt đất quá lâu. Nên thận trọng với những thức ăn để lâu hay bảo quản không tốt.

- Nấu chín thức ăn với nhiệt độ thích hợp: các thức ăn cần được nấu chín để loại trừ nguy cơ bị ngộ độc. Đối với các thức ăn như rau sống cần phải rửa thật kỹ 2-3 lần trước khi ăn.

- Bảo quản thực phẩm hợp lý: các loại vi khuẩn tiềm ẩn sẽ phát triển rất nhanh nếu thực phẩm không được bảo quản trong điều kiện nhiệt độ thích hợp.

- Sử dụng thức ăn trong vòng 2 giờ, tốt nhất là ăn ngay khi còn nóng, nếu để quá 2 giờ thì bảo quản trong tủ lạnh và hâm lại trước khi ăn.

- Các loại thịt, cá, hải sản cần phải được bảo quản ở ngăn đá.

- Loại bỏ các thức ăn dư thừa bởi đây là nguyên nhân thường gặp nhất của ngộ độc thức ăn.

- Rửa tay sạch bằng xà phòng sát khuẩn trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

Quỳnh Anh (T/H)
Theo Đời sống Plus