Thứ sáu, 29/03/2024 | 20:31
RSS

Nấm lim xanh vùng Đông Bắc, "thần dược" chữa nhiều loại bệnh không phải ai cũng biết

Thứ tư, 12/04/2017, 06:18 (GMT+7)

Mấy năm nay, nấm lim xanh nổi lên như một thứ “thần dược”. Nấm lim xanh nổi lên, với thương hiệu từ vùng Quảng Nam. Nhưng ít ai biết rằng, “vương quốc nấm lim xanh” lớn nhất, lại ở miền Bắc, chứ không phải xứ Quảng.

Người Việt mới chỉ quan tâm đến nấm lim xanh vài năm nay nay, khi có mấy bệnh nhân ung thư, viêm gan sử dụng nấm lim ở vùng Quảng Nam, rồi báo chí vào cuộc thổi nó lên giời. Nhưng thực ra, dễ đến mấy trăm năm nay, người Trung Quốc đã săn lùng ráo riết, thu mua không ngừng nghỉ nấm lim ở “vương quốc nấm lim xanh” phía Bắc. Vùng đất với dải núi đặc biệt này mới thực sự là vựa nấm lim xanh lớn nhất Việt Nam

Anh Nguyên và cây nấm non

Thị trấn S. (Đông Bắc Việt Nam) nằm bên bờ sông thơ mộng, nép mình dưới thung lũng của những dải núi thiêng. Những dãy núi yên ngựa, không cao, nhưng xanh biếc rừng già. Vùng đất này giáp ranh giữa 3 tỉnh, thuộc vùng Đông Bắc Việt Nam.

Mới sáng sớm, quanh thị trấn đã thấy những tiếng xì xồ của lái buôn Trung Quốc. Họ từ bên kia biên giới sang đây để săn lùng dược liệu, đặc biệt là nấm lim xanh. Hễ có cây nấm lim nào to, ngâm rượu đẹp, là họ mua bằng hết. Loại nấm lim nhỏ, thì đóng vào bao, xếp lên xe tải và chở thẳng ra cửa khẩu, xuất sang Trung Quốc. Mùa mưa, là mùa của nấm lim, nên dân cư cả huyện đổ xô vào rừng hái nấm, các con buôn thu mua tấp nập.

Bà X. là đại gia phố núi. Dáng người thấp đậm, trắng trẻo. Đến ăn mặc, tác phong cũng giống người Trung Quốc. Có lẽ, tiếp xúc nhiều với người Trung Quốc, nên bị ảnh hưởng. Theo lời bà X., huyện S. mới thực sự là vựa nấm lim xanh lớn nhất cả nước.

Các con buôn ở Quảng Nam, Sài Gòn, đều lấy nấm từ cơ sở chế biến của bà, rồi đóng mác nấm lim xanh Quảng Nam, chứ thực tình, phía trong đó chẳng có nhiều nấm lim xanh. Điều hài ước nữa, là một số công ty ở Hà Nội nhập nấm lim vàng chất lượng kém ở Lào, dán nhãn lim xanh Quảng Nam bán, trong khi lại không biết đến vựa nấm lim xanh thực sự và rất tốt ở ngoài Bắc.

Thấy tôi thắc mắc, thì bà giải thích rằng, phía trong đó rất ít cây lim xanh, thì làm gì có nấm lim xanh. May ra thì có nấm lim đỏ, tác dụng tương đối tốt, còn phần lớn đều là nấm lim vàng, chất lượng rất kém, chỉ so với linh chi thông thường. Thứ nấm lim vàng có nhiều ở dọc dải Trường Sơn, từ Thanh Hóa, Nghệ An đến tận Lâm Đồng, đặc biệt nhiều ở Lào.

Cũng theo bà X., thì người Việt hiện nay toàn dùng loại nấm lim vàng. Lim xanh chỉ có nhiều ở huyện S. và vài xã thuộc 2 tỉnh giáp ranh. Người Trung Quốc chỉ mua nấm lim xanh ở vùng S., chứ không bao giờ vào phía miền Trung mua, vì họ rất rành về nấm lim.

Gốc nấm chưa kịp lớn, chưa có mũ, đã bị nhổ

Bà X. đã gom nấm của toàn huyện xuất qua Trung Quốc từ mấy chục năm qua. Bà X. nắm trong tay cả trăm thợ sơn tràng, ngày ngày mang cơm nắm vào rừng săn nấm. Người dân hái nấm tươi cung cấp cho bà. Bà X. chỉ làm công đoạn rửa sạch, sấy, hấp nấm, rồi xuất qua Trung Quốc. Một lượng nhỏ bán vào trong Nam cho những người thực sự sành về nấm và những con buôn dùng để trà trộn với linh chi mọc trên cây lim vàng, lim đỏ.

Bà X. sắp xếp, và tôi đã có chuyến vào rừng rất thú vị với anh Nguyên, người địa phương, dân tộc Sán Dìu. Anh Nguyên năm nay 40 tuổi, người nhỏ loắt choắt, nhưng leo núi, luồn rừng nhanh như sóc. Anh Nguyên đã có 25 năm vào rừng nhổ nấm lim cho bà X., nên chẳng ngóc ngách nào của đại ngàn lim xanh rộng cả trăm km vuông này mà anh không biết.

Sáng sớm, chúng tôi xuất phát từ thị trấn X., đi xe máy vào bìa rừng. Chân núi, những ngôi nhà của người Sán Dìu đều đã trăm tuổi, nhưng vẫn vững chãi. Nhà của đồng bào toàn bằng gỗ lim, nên nhiều đời sinh sống vẫn chẳng mối mọt.

Gửi xe ở nhà dân, chúng tôi cuốc bộ về phía đỉnh núi, xuyên qua những khu rừng keo, bạch đàn đã được chia cho dân trồng. Những gốc cây đen sì, đường kính độ 30cm đến 1m, trồi lên khỏi mặt đất. Anh Nguyên bảo rằng, mấy chục năm trước, có phong trào phá rừng để… trồng rừng.

Người dân ùn ùn vào rừng cưa đổ cây lim, để trồng keo, bạch đàn. Cây lim cả trăm năm mới to được ôm người lớn, hiệu quả kinh tế kém, nên cưa đổ như ngả rạ, rồi trồng keo, bạch đàn cho nhanh thu hoạch!

Rất dễ dàng để nhận ra những gốc gỗ lim. Dù đã cưa cây cả trăm năm trước, thì gốc cây vẫn trơ trơ, cứng như tảng đá, chẳng bị mối mọt, mục ruỗng.

Anh Nguyên vạch những đám lá, đám cỏ quanh gốc cây lim đã chết, chỉ cho tôi xem dấu hiệu của nấm lim. Có hai loại nấm, một loại mọc trên phần gốc nhô lên khỏi mặt đất và một loại mọc từ rễ. Loại mọc trên thân lim thì có thân ngắn, mập mạp, mũ to. Loại mọc từ rễ cây lim thì thân dài, nhỏ, mũ nhỏ.

Khi nấm mới nhú, thì có màu trắng, trông như cục vôi, nhưng khi mọc thân, thì trồi lên đoạn thân màu đỏ và “cục vôi trắng” biến thành mũi nấm. Khi màu trắng đó biến thành đỏ, hoặc đỏ sậm, thì nấm đã già và cho chất lượng cao nhất. Chỉ 20 ngày, sau khi xuất hiện những “cục vôi”, là có cây nấm và “cục vôi” càng to, thì sẽ cho cây nấm càng to.

Từ gốc cây lim, anh Nguyên vạch lá cây, bụi cỏ, với diện tích tìm kiếm xung quanh gốc nấm tới vài chục mét vuông. Theo anh Nguyên, rễ cây lim ăn rất xa, và nấm thường mọc ở những đoạn rễ trồi lên sát mặt đất. Người săn nấm chuyên nghiệp, nhìn thế đất, nhìn hướng mặt trời, sẽ biết rễ lim hay trồi lên ở hướng nào, và tìm đúng điểm có nấm.

Sau khi vạch cả chục điểm có nấm, toàn bằng ngón tay, chưa kịp mọc mũ, cho tôi xem, thì anh Nguyên dùng dao cạy sạch nấm, cho vào ba lô. Tôi hỏi anh Nguyên: “Sao không để cho nấm mọc lớn, vừa thu được nhiều, lại có nấm chất lượng cao nhất, bán được giá cao nhất?”, thì anh Nguyên bảo: “Mình không hái, thì chỉ lát nữa sẽ có người hái mất”. Thật tiếc và buồn cho cách thu hái dược liệu kiểu ăn xổi ấy.

Nấm mọc từ rễ cây lim

Hành trình đi tìm nấm lim, chúng tôi gặp rất nhiều gốc lim xanh, cho tới hàng chục cây nấm. Có gốc cho tới vài chục cây nấm, toàn loại mới nhú, chưa lên mũ. Theo lời anh Nguyên, nếu để như vậy khoảng 20 ngày nữa, thì nấm mọc lên đỏ rực cả gốc lim, thu hái được cả cân nấm, bán được vài triệu đồng.

Thế nhưng, thu hái mầm nấm, kiểu tận diệt, thì giỏi lắm được lạng nấm tươi, bán được 20 ngàn đồng. Nhưng, cái lý sự: “Mình không nhổ, thì người khác cũng nhổ”, đã ăn sâu vào bộ não của những người đi hái nấm, nên nấm bị tận diệt khi chưa kịp lớn.

Ở những khu rừng trồng, đường dễ đi, gần khu dân cư, trẻ con cũng vào được, thì nấm đều bị thu hái kiểu tận diệt như thế. Để tìm được nấm to, chúng tôi phải lần vào rừng già. Cả đại ngàn mênh mông, núi non trùng điệp, lim xanh nhiều vô kể. Những cây lim chỉ to độ người ôm, nhưng thân cao vút. Chúng bị đám lâm tặc xả thịt đổ ngả nghiêng, để cưa lấy phần lõi to bằng chiếc điếu cày làm con tiện.

Điều đặc biệt là nấm chỉ mọc từ phần vỏ chết ở gốc và rễ của cây lim, nên cây lim sống không bao giờ cho nấm. Rừng lim bị phá hủy, thì mới có nhiều nấm. Tuy nhiên, khi phần vỏ thân và rễ bị mục ruỗng hết, chỉ còn lõi, thì cũng là lúc nấm không lên nữa. Cây lim bị cưa, khoảng 6-7 năm sau thì vỏ mục và cho nấm. Và cũng chỉ thu được 10 năm thì hết nấm.

Phía trong rừng già, cây lim còn sống nhiều, cây lim chết thì ít, nên khó tìm được nấm hơn. Tuy nhiên, đường xa, hiểm trở, nên ít người vào được, do đó, phát hiện được gốc lim mục, có thể thu được rất nhiều nấm to. Mỗi thợ săn nấm thường đi một hướng và họ đánh dấu gốc lim đó vào bản đồ, hoặc trong đầu. Cứ 20 ngày, họ lại đi đến từng gốc lim mà họ biết, để thu hái nấm già.

Hành trình vào rừng già quả thực vất vả. Lim xanh ở núi thấp, nên rừng tạp, đủ các loại cây to nhỏ mọc chen chúc nhau ken đặc, dây leo, dây gai, kể cả mây rừng mọc gai tua tủa cào rách da thịt. Rừng thấp, nóng ẩm nên muỗi vắt, rắn độc cũng rất nhiều, mất mạng như chơi.

Đi miết, thi thoảng mới gặp gốc lim chết ẩn trong bụi mây rừng, mọc ra những “cục vôi” to bằng quả trứng gà con so. Theo lời anh Nguyên, chỉ 20 ngày nữa quay lại, có thể thu được cây nấm có to bằng miệng chiếc đĩa trồi lên từ “cục vôi” đó. Thế nhưng, anh chỉ thu hái được nó, nếu gốc lim đó không bị lộ. Anh dặn tôi dẫm chân khéo léo, không để lộ dấu vết đi lại.

Luồn trong rừng già đến khi mặt trời ngấp nghé bên kia sườn núi, thì chúng tôi mới gặp được cây nấm lim trồi lên mặt đất, trong bụi cây tối om. Mũ nấm chỉ nhỏ bằng cái chén mắt trâu uống rượu, thân và mũ đỏ au, chỉ còn lớp vành mũ màu trắng, chứng tỏ nấm đã già. Cây nấm thấy rồi, nhưng chẳng thấy gốc lim bên cạnh. Anh Nguyên bảo, hễ có nấm lim, thì chắc chắn có gốc lim.

Anh Nguyên lần lục, trườn như rắn dưới những bụi mây, thì phát hiện ra gốc kim chết cách cây nấm gần chục mét. Rễ nó mọc lan xa, và phần rễ trồi lên gần mặt đất đã cho ra một cây nấm lim nhỏ. Trên mặt đất có khá nhiều cây nấm đã chết, mục mủn. Như vậy, gốc lim này chưa được biết đến và hàng năm, nấm mọc lên rồi chết, mà không ai biết để thu hái.

Lần lục đến cả chục phút quanh khu vực, thì chúng tôi phát hiện thêm 1 cây nấm lim xanh nữa, nhưng mũ cây nấm này chỉ to bằng móng tay cái của người lớn. Sau này, trò chuyện với bà X., thì mới biết, người Trung Quốc gọi nó là nấm hến, tức là mũ của nó nhỏ như con hến. Loại nấm này thân dài, mũ nhỏ, mọc ở phần rễ xa của cây lim. Đây là loại nấm tốt nhất trong dòng lim xanh, mà người Trung Quốc rất thích. Tuy nhiên, người Việt thì chỉ thích nấm to, nên ít quan tâm đến loại nấm nhỏ này.

Rời dãy núi thiêng bát ngát lim xanh, tôi và anh Nguyên về bản của người Sán Dìu trước khi trời tối sập. Cả ngày lần lục trong rừng, thu hái được 2 cây nấm nhỏ xíu có mũ và độ vài lạng nấm non chưa ra mũ. Anh Nguyên chở tôi về nhà bà X. chìa mớ nấm ấy, đặt lên cân, bán được 100 ngàn đồng.

Mỗi ngày, có hàng trăm người lần lục trong rừng, và thông thường chỉ hái được mớ nấm nhỏ xíu như vậy. Ai kiếm được những cây nấm có mũ to, thì trúng mánh lớn.

Cơ sở chế biến nấm linh xanh của Công ty CP Dược thảo Fansipan

Người Sán Dìu ở vùng đất này kể một truyền thuyết rằng: Thời xa xưa, người và tiên gặp gỡ nhau là chuyện bình thường. Có một nàng tiên yêu chàng trai ở hạ giới, nhưng bị cha ngăn cản. Nàng trốn xuống hạ giới với chàng, nhưng chàng đã chết vì bệnh trọng.

Nàng buồn mà treo cổ ở gốc cây lim. Hồn nàng cứ quẩn quanh ở gốc cây lim đó và vào mùa hạ, linh hồn nàng biến thành cây nấm. Người Sán Dìu từ ngàn năm qua đã hái cây nấm đó sắc nước uống, thì thấy tinh thần sảng khoái, bệnh tật tan biến, sức khỏe hồi phục rất nhanh.

Sau khi tòa soạn đăng bài, nhiều độc giả gọi đến tòa soạn xin số điện thoại hỏi về loại nấm này. Chúng tôi cung cấp số điện thoại để độc giả liên hệ trực tiếp: 097 1818929

Công dụng của lá bàng trị viêm họng

PV
Theo Đời sống Plus