Thứ bảy, 20/04/2024 | 15:18
RSS

Mẹ tắm nước gừng phòng bệnh cho con, bác sĩ cảnh báo nguy hiểm

Thứ sáu, 12/10/2018, 06:30 (GMT+7)

Nhiều mẹ bỉm sữa truyền tai nhau cách phòng bệnh bằng việc tắm nước gừng cho trẻ. Tuy nhiên điều này có thật sự tốt?

 Mẹ tắm nước gừng phòng bệnh cho con, bác sĩ cảnh báo nguy hiểm
Nhiều mẹ bỉm sữa truyền tai nhau cách phòng bệnh bằng việc ngâm chân nước gừng, massage bằng nước gừng, tắm bằng nước gừng cho trẻ khi giao mùa

Thời tiết giao mùa, nhiệt độ thay đổi liên tục như thời gian gần đây đã tạo điều kiện thuận lợi để vi khuẩn, virus phát triển và tấn công trẻ. Số trẻ mắc các bệnh như tay chân miệng sởi, sốt xuất huyết đang có xu hướng tăng nhanh... Để đối phó với tình trạng này, nhiều bà mẹ bỉm sữa đã chia sẻ cách phòng bệnh bằng việc ngâm chân nước gừng, massage bằng nước gừng, tắm bằng nước gừng cho trẻ. Tuy nhiên, điều này có thực sự tốt?

Trả lời PV Đời sống Plus, PGS TS BS Hoàng Thị Thanh - Phó trưởng Phòng khám chuyên khoa dinh dưỡng VIAM cho biết, theo Y học cổ truyền, gừng là một vị thuốc có tính ôn, vị cay có tác dụng chữa được một số bệnh về tiêu hóa như khó tiêu, đầy bụng, tiêu chảy hay cảm lạnh, làm giãn mạch, tăng tiết mồ hôi, nhức đầu, ho…. Tuy nhiên, bài thuốc tắm nước gừng là kinh nghiệm dân gian mà chưa có một nghiên cứu khoa học, bằng chứng lâm sàng nào.

Thêm vào đó, khi trẻ bị ho, sổ mũi thì có rất nhiều nguyên nhân như: viêm phổi, viêm họng, viêm phế quản hay ho do lạnh. Mỗi một nguyên nhân gây bệnh cho trẻ có phương pháp chữa khác nhau. Các mẹ nên đưa bé tới phòng khám, bệnh viện gần nhất để tìm ra nguyên nhân gây bệnh cho trẻ và chữa trị đúng cách.

"Ví như trẻ bị ho do cảm lạnh thì chỉ cần giữ ấm cho trẻ, sức đề kháng của trẻ khỏe lên thì bệnh tự khỏi mà không dùng đến thuốc.

Còn nếu như trẻ bị ho do các nguyên nhân khác thì việc tắm cho trẻ bằng nước gừng không trị được bệnh. Bệnh càng để lâu sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm thậm chí nguy hiểm tính mạng" - bác sĩ Thanh nhấn mạnh.

Đối với những phụ huynh dùng nước gừng tắm cho trẻ quanh năm, PGS TS BS Hoàng Thị Thanh lưu ý rằng có những trẻ dùng gừng tắm là không hề tốt.

"Nếu như trẻ ở tạng nóng hay lở miệng, táo bón. Những trẻ bị ra nhiều mồ hôi hoặc đang ra mồ hôi, tắm bằng nước gừng sẽ làm trẻ ra mồ hôi nhiều thêm, mất cân bằng âm dương, rất có hại cho cơ thể.

Không những vậy, khi mồ hôi ra nhiều gây mất nước, mất điện giải. Đặc biệt, da của trẻ rất nhạy cảm, nếu như sử dụng quá nhiều gừng có thể gây ảnh hưởng xấu đến da.

Ngoài ra, trẻ rất dễ bị nhiễm lạnh bởi khi tắm lỗ chân lông mở ra làm cho gió độc xâm hại vào cơ thể gây cảm lạnh" - bác sĩ Thanh cảnh báo.

 Mẹ tắm nước gừng phòng bệnh cho con, bác sĩ cảnh báo nguy hiểm
PGS TS BS Hoàng Thị Thanh khám bệnh cho trẻ

Thời tiết giao mùa nên tắm cho trẻ thế nào?

Trong giai đoạn chuyển mùa, nhiều bệnh hiện nay, khi tắm rửa vệ sinh cho trẻ phụ huynh cần lưu ý những điều sau:

Không kéo dài thời gian tắm: Thời gian tắm cho bé lý tưởng nhất là từ 5-10 phút, nếu phụ huynh kéo dài hơn dễ làm trẻ bị nhiễm lạnh, khiến bệnh tình nghiêm trọng hơn.

Cần duy trì nhiệt độ nước tắm từ 37-40 độ C, nếu tắm cho trẻ sơ sinh thì nhiệt độ nước cần thấp hơn, khoảng 32-34 độ C vì da của trẻ sơ sinh nhạy cảm hơn. Nước tắm tốt nhất là nước đun sôi, để nguội pha với nước ấm. Trong khi tắm, nên tắm nhanh đủ để tắm xong là nước nguội, không nên vừa tắm vừa thêm nước nóng vào vì có thể sẽ gây bỏng cho trẻ.

Mùa đông không nhất thiết phải ngày nào cũng tắm nhưng cần vệ sinh hàng ngày cho bé. Khi vệ sinh, bạn chỉ cần lau sạch cơ thể bé với nước ấm và đặc biệt chú ý vệ sinh và lau khô phần cơ thể từ dưới rốn tới chân. Một tuần có thể tắm 2 -3 lần.

Cần đóng kín cửa sổ và cửa ra vào, không để gió lọt vào phòng. Nếu là mùa đông thì nên bật lò sưởi luôn để làm nóng không khí trong phòng. Nếu mẹ dùng lò sưởi cho bé khi tắm thì có thể rút ra lúc bé gần tắm xong. Vì lúc này nhiệt độ trong phòng đã ấm lên nhiều.

Nguyên tắc tắm cho bé, đặc biệt trong mùa đông là tắm từ dưới lên trên. Mẹ rửa chân bé đầu tiên, sau đó tắm dần lên trên. Gội đầu thật nhanh cho bé sau cùng để tránh bé bị lạnh khi đang ướt. Đặt một chiếc khăn to trên ngực bé và thường xuyên dội nhẹ nước ấm lên trên.

Khi lau khô cơ thể bé, bộ phận rất quan trọng phải lau khô và giữ ấm ngay đó là gan bàn chân. Nếu là trẻ sơ sinh thì một người mặc áo, một người đi tất chân cùng lúc, quần mặc sau cùng.

Một số người mẹ thấy thời tiết lạnh thường tắm "từng bộ phận", nhưng như vậy càng làm bé sợ nước và rét hơn. Mẹ nên để cơ thể bé chìm trong nước, đỡ lấy gáy của bé, chú ý tránh mất nhiệt khi kỳ rửa cho bé.


Xem thêm bệnh viện nhi ở Sài Gòn vỡ trận vì dịch chồng dịch

Ngọc Châu
Theo Đời sống Plus/GĐVN