Thứ sáu, 29/03/2024 | 18:22
RSS

Mẹ già nửa đời người làm thuê nuôi con trai điên dại và cô con dâu mắc bệnh tim

Thứ tư, 05/07/2017, 06:50 (GMT+7)

Ở cái tuổi gần thất thập, người mẹ nghèo khổ ấy chưa từng một lần được nghỉ ngơi. Gánh nặng cơm áo gạo tiền nuôi người con trai điên dại và cô con dâu mắc bệnh tim cấp độ 3 đè nặng lên đôi vai của bà.

Đau thường chồng chất đau thương

Ở thôn Hoàng Xá, xã Khánh Hà (Thường Tín, Hà Nội) hầu như tất cả mọi người dân từ già để trẻ đều biết đến gia đình bà Nguyễn Thị Mỳ (SN 1950). Bà Mỳ nổi tiếng khắp trong thôn, ngoài xã bởi cái lý do cực kỳ chua chát: “Tôi chưa từng thấy ai khổ như bà ấy”.

Câu nói ngắt quãng của một lão ông kèm theo những cái lắc đầu, vẻ mặt chua chát khiến tôi tò mò. Lão ông dừng bước trước một ngôi nhà lợp mái bờ rô thấp bé nằm ngay cạnh cánh đồng lúa vừa mới cấy của thôn. Đưa cây gậy ba toong chỉ chỉ vào cánh cổng lưới sắt, ông lão vừa nói vừa lắc đầu: “Nhà bà ấy đấy, nghèo lắm, khổ lắm”.

Bà Mỳ đang dọn dẹp mảnh đất gần nghĩa trang để trồng rau. Clip: Duẩn.

Gọi cửa một lúc lâu sau, một người phụ nữ tuổi đã khá cao, thân hình gầy gò ngó khuôn mặt hốc hác từ trong cánh cửa khép hờ vừa với tay chỉ ra phía vài ngôi mộ gần đó vừa thều thào từng câu chữ yếu ớt: “Mẹ tôi ở ngoài kia kìa”.

Nói rồi, người đàn bà lại thu khuôn mặt sợ sệt vào sau cánh cửa, ánh mắt săm soi nhìn người khách lạ qua lỗ hổng.

Ở phía mấy ngôi mộ xa xa nằm ẩn mình dưới rặng chuối, một người bà lão đã trạc 70 tuổi nhưng dáng vẻ vẫn còn nhanh nhẹn, khỏe mạnh, đôi mắt sáng ngời, hàm răng móm mém đang bổ từng nhát cuốc chắc nịch xuống nền đấy bạc màu. Bà lão ấy chính là bà Nguyễn Thị Mỳ, người khổ nhất nhì thôn Hoàng Xá.

Bà lão làm thuê nuôi con điên dại 1

Căn nhà nhỏ bé là nơi cư trú của bà Mỳ và gia đình người con trai thứ 2. Ảnh: Duẩn.

Bà Mỳ vừa đưa từng nhát cuốc, vừa cất giọng sang sảng kể về hoàn cảnh gia đình mình. Bà Mỳ sinh năm 1950 trong một gia đình nông dân chất phác. Năm 21 tuổi bà kết duyên với ông Lương Văn Đồng, một người kém bà những 2 tuổi.

“Hồi đó cha mẹ đặt đâu con nằm đấy, có biết đến tình yêu là gì đâu. Vợ chồng tôi lấy nhau, sống chung với nhau, một thời gian sau mới bắt đầu có tình yêu”, bà Mỳ nhớ lại.

Trong tâm khảm của bà Mỳ, đấng lang quân của mình là một người chịu thương chịu khó, thương yêu vợ con. Hạnh phúc đơm hoa với ông bà khi các năm sau đó, ông bà lần lượt sinh hạ 3 cậu con trai khảu khỉnh.

Bà lão làm thuê nuôi con điên dại 2

Bà lão làm thuê nuôi con điên dại - Nguyễn Thị Mỳ. Ảnh: Duẩn.

Bà lão làm thuê nuôi con điên dại 3

Mặc dù đã gần 70 tuổi nhưng hằng này bà Mỳ vẫn phải bươn trải để kiếm sống. Ảnh: Duẩn.

Những tưởng cuộc sống của ông bà cứ trôi qua bình lặng như thế thì đến một ngày, cậu con trai út của ông bà đột ngột qua đời vì bạo bệnh. Tiếp theo đó, người con trai thứ cả là anh Lương Văn Đoàn (SN 1974) và người con trai thứ là anh Lương Văn Thanh (SN 1977) đang ở tuổi ăn, tuổi lớn thì xuất hiện những biểu hiện bất thường.

“Lúc thì chúng co giật người, sùi bọt mép như trúng bả. Lúc lại ngồi một mình trong góc cứ khanh khách cười. Có người lạ đến nhà thì hai anh em rủ nhau đi trốn như trốn giặc. Thằng Đoàn thỉnh thoảng mới bị chứ thằng Thanh thì hầu như lúc nào cũng vậy”, bà Mỳ nhớ lại.

Lặn lội đưa 2 con lên tận bệnh viện tỉnh để thăm khám nhưng ông bà dường như gục ngã khi được các bác sĩ cho biết cả 2 đứa con của ông bà đều có dấu hiệu của bệnh thần kinh.

Bà lão làm thuê nuôi con điên dại 4

Chồng mất sớm vì bạo bệnh, một mình bà Mỳ phải gồng gánh nuôi người con trai điên dại và cô con dâu bị suy tim cấp độ 3: Ảnh: Duẩn.

Thương con, vợ chồng bà Mỳ lại cố gắng vay mượn, đồ đạc trong nhà cũng được mang đi bán để lấy tiền chữa bệnh cho con. Tuy nhiên, đi khám nhiều nơi nhưng đến đâu, ông bà cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu của bác sĩ.

Càng lớn, trong khi anh Lương Văn Đoàn có dấu hiệu phục hồi tốt ngược lại bệnh tình của anh Lương Văn Thanh lại có dấu hiệu nặng thêm. “Nó cứ thơ thẩn như người mất hồn, đi đâu là không nhớ đường về. Tôi cũng không nhớ hết được đã bao nhiêu lần phải đi tìm nó về.

Lần gần nhất, nó đi ra phố Quán Gánh chơi rồi không biết đường về, đi lạc đường rồi vào mãi tận Thanh Hóa Tôi lại phải vay mượn khắp nơi mới có được 2 triệu đồng vào đón nó về”, bà Mỳ nhớ lại.

Vào một ngày cuối năm 2003, khi bà Mỳ đang đi gánh gạch thuê, người con trai điên dại của bà chạy đến, nắm chặt lấy gấu áo mẹ ép bằng được mẹ phải cưới vợ cho mình.

Bà lão làm thuê nuôi con điên dại 5

Bà Nguyễn Thị Mỳ trong cuộc trò chuyện với PV. Ảnh: Duẩn.

Nghe con trai nói thế, bà Mỳ không cầm được những giọt nước mắt. “Không biết ai xui nó mà nó lại muốn lấy vợ. Mà nó như vậy, có ai dám lấy cơ chứ. Nghĩ thương con, nước mắt tôi cứ trào ra”, bà Mỳ xúc động kể lại.

Cuối năm 2003, anh Thanh nên duyên vợ chồng với chị Nguyễn Thị Lý, một người phụ nữ ở xã bên hơn anh gần chục tuổi. Tưởng rằng, nàng dâu mới sẽ phần nào cùng bà chia sẻ gánh nặng gia đình như nào ngờ, gần 1 năm sau ngày cưới, chị Lý đột ngột lên cơn co giật, tim đau thắt rồi ngất xỉu.

Lại một lần nữa, bà Mỳ như chết lặng khi các bác sĩ cho biết con dâu bà bị mắc phải căn bệnh suy tim cấp độ 3 và đang chuyển sang giai đoạn nguy hiểm. Bất hạnh không dừng lại ở đó khi đến cuối năm 2004, người chồng đầu ấp tay gối cũng bỏ bà ra đi sau hơn 2 năm chống trọi với những cơn đau tim.

Gánh nặng mưu sinh đè nặng

Từ khi biết mình mắc căn bệnh tim quái ác, sức khỏe của chị Lý giảm đi trông thấy. Chị chỉ có thể làm được những công việc nhẹ như nấu cơm, quét nhà và nhận đồ vàng mã về làm. Mọi công việc đồng áng lại đổ dồn cả lên đôi vai bà Mỳ.

“Sức khỏe của cái Lý rất yếu, mỗi tháng đều phải mua thuốc theo đơn của bác sĩ hết 2 triệu để uống cầm chừng. Họ bảo nếu không uống, lúc thời tiết thay đổi hay làm việc gì nặng một chút là có thể gây nguy hiểm đến tính mạng”, bà Mỳ tâm sự.

Để có tiền trang trải cuộc sống, bà Mỳ làm tất cả mọi việc, từ gánh gạch, bón phân, làm cỏ thuê… cứ ai cần gì, bất kể ngày đêm bà đều sẵn sàng miễn là có được đồng tiền tích góp để thuốc thang cho con.

Bà lão làm thuê nuôi con điên dại 7

Vợ chồng anh Lương Văn Thanh và chị Nguyễn Thị Lý hầu như không làm được việc gì. Ảnh: Duẩn.

Ngoài 2 sào ruộng khoán cằn cỗi, bà Mỳ phải tận dụng khoảng đất trống ở nghĩa trang của thôn để trồng rau, trồng chuối trang trải cho cuộc sống. Vất vả là thế nhưng cái nghèo, cái khổ vẫn cứ đeo bám lấy cuộc đời bà.

Kể về người con dâu, bà Mỳ không giấu được sự xót xa: “Nó là đứa rất ngoan, biết điều tuy nhiên số nó cũng khổ. Nhiều lần nó bàn với tôi muốn được có một đứa con cho vui cửa vui nhà.

Thế rồi nghĩ nó đang bị bệnh tim, chồng thì bị thần kinh nếu có thai sẽ nguy hiểm cho chính bản thân nó nên tôi cũng khuyên nên bảo. Tôi biết nó buồn lắm chứ. Nhiều lúc thấy mấy đứa trẻ con hàng xóm nô đùa chạy nhảy trước cửa nhà tôi lại thấy nó ngồi lau nước mắt”, bà Mỳ tâm sự.

Bà lão làm thuê nuôi con điên dại 8

Chị Lý bên đồng đồ hàng mã nhận về làm. Ảnh: Duẩn.

Khát khao làm mẹ cháy bỏng, chính bà Mỳ nhiều lần đã cùng con đi khắp nơi để xin con nuôi. Nhưng rồi thấy gia cảnh nhà bà nghèo khó quá, họ lại từ chối khéo. “Cứ thấy có thông tin gì ai muốn cho con, nó lại đều bảo tôi rồi hai mẹ con dẫn nhau đi. Lúc đi thì đầy hy vọng là thế nhưng khi về thì mới cảm thấy tủi hờn”, bà Mỳ nhớ lại.

Hiện tại, nguồn sống của gia đình bà Mỳ trông chờ vào khoản tiền công ít ỏi mà bà đi làm thuê cùng khoản trợ cập 540.000 đồng/tháng của anh Thanh. Tuy nhiên, số tiền đó cũng chẳng thể đủ để lo thuốc men cho chị Lý mỗi khi trái gió trở trời.

Ba lao lam thue nuoi con dien dai

Mỗi lúc nghỉ ngơi, bà Mỳ lại ra mộ chồng để nói chuyện. Ảnh: Duẩn.

Khi được hỏi về mong ước của mình, bà Mỳ khẽ lấy tay lau vội dòng nước mắt rồi nở nụ cười móm mém: “Số mình từ trước đến giờ đã khổ sẵn rồi, giờ chỉ mong con cái khỏe mạnh, khỏi hết bệnh tật thế là tôi mãn nguyện lắm rồi”.

Trao đổi với PV về hoàn cảnh gia đình bà Nguyễn Thị Mỳ, ông Nguyễn Văn Thuận, Trưởng thôn Hoàng Xá cho biết: “Ở trong thôn, gia đình bà Mỳ được xếp vào diện đặc biệt khó khăn khi mà các con đều bệnh tật, bản thân bà Mỳ cũng đã có tuổi nhưng ngày ngày vẫn phải đi làm thuê, làm mướn để lấy tiền trang trải cuộc sống.

Bà lão nuôi con điên dại ở Thường Tín

Bà Mỳ chỉ hy vọng các con có thể khỏi bệnh, sống như những người bình thường. Ảnh: Duẩn.

Là hàng xóm, làng giềng, nhiều lần tôi cũng đã từng chứng kiến bà Mỳ gánh từng gánh phân thuê dưới trời nắng chang chang. Địa phương cũng đã nhiều lần kêu gọi giúp đỡ nhưng chỉ được một phần nào.

Thông qua báo đài, tôi cũng mong các nhà hảo tâm, chung tay giúp đỡ để gia đình bà Mỳ với đi nỗi khó khăn và vững tin hơn vào cuộc sống”.

Mọi sự giúp đỡ tới xin gửi về bà Nguyễn Thị Mỳ (SN 1950, thôn Hoàng Xá, xã Khánh Hà, Thường Tín, Hà Nội).

Nguyễn Duẩn
Theo Đời sống Plus/GĐVN