Thứ sáu, 26/04/2024 | 06:10
RSS

Kỳ lạ ở nơi vật nuôi chết được mai táng trang trọng và thờ cúng như người

Thứ sáu, 02/02/2018, 07:01 (GMT+7)

Sau khi con vật nuôi thân thương mất đi, gia chủ sẽ mang đến nghĩa trang tổ chức tang lễ một cách trọng thể. Ở đó có hương án, hoa quả, quạt, lọng che… và các lễ nghi như với một đám tang của con người.

Kỳ lạ nghĩa địa động vật tọa lạc ở ngay giữa thủ đô 1Toàn cảnh nghĩa trang dành cho động vật độc nhất vô nhị ở Hà Nội

Từ người yêu động vật đến quyết định điên rồ

Cách không xa mặt phố Trương Định ồn ào, náo nhiệt, đi sâu vào con ngõ 167, tôi bắt gặp một không gian hoàn toàn khác, trầm mặc, thanh tịnh. Những tiếng tụng kinh niệm phật phát ra từ chiếc rađio nhỏ đặt trong căn nhà 6 tầng khang trang càng làm cho không gian trở nên u tịch, trang nghiêm.

Với nhiều người dân ở con ngõ 167 Trương Định này, chủ nhân của cơ ngơi khoảng khuất này được xem như một người lập dị chính hiệu và có thể cũng là người độc nhất ở Việt Nam

Những lời nhận xét của người dân nơi đây quả không ngoa và còn ngỡ ngàng hơn cho những người mới tìm đến như tôi khi biết rằng chủ nhân của cơ ngơi đồ sộ này đã dành ra 700m2 chỉ để xây nên một khu nghĩa trang dành riêng cho vật nuôi và khu nghỉ dưỡng dành cho động vật.

Người đàn ông lập dị đó là ông Nguyễn Bảo Sinh (SN 1940). Với những người lần đầu gặp mặt, ông Sinh có thể bị coi là kẻ lập dị, là gã khùng giữa thủ đô với những việc làm điên rồ nhưng với những người yêu động vật, đặc biệt là chó mèo thì ông Sinh được biết đến như một người trông giữ linh hồn cho những vật nuôi đã khuất.

Kỳ lạ nghĩa địa động vật tọa lạc ở ngay giữa thủ đô 2Ami là chú chó được ông Sinh coi như người bạn

Ông Sinh có dáng người nhỏ nhắn, nước da hồng hào, khuôn mặt hiền lành, phúc hậu đặc biệt là cặp lông mày dài, trắng như cước che rủ xuống đôi mắt vẫn còn rất quắc thước.

Có trò chuyện với ông Sinh, người ta mới hiểu được cái nguyên nhân sâu xa dẫn đến quyết định thành lập một nơi nghỉ dưỡng và an nghỉ cho vật nuôi như vậy.

Ông Sinh kể: “Nghĩa tử là nghĩa tận”, vật và người bình đẳng nên khi những con thú cưng của mình mất đi, tôi mới thấy được sự nuối tiếc, đau buồn đến như vậy. Là một tín đồ cũng như một người nghiên cứu nhiều năm về Phật pháp nên tôi hiểu được rằng vạn vật đều có linh hồn, vật nuôi cũng không phải ngoại lệ”.

Dẫn tôi đi thăm thú một vòng quanh nghĩa trang, ông Sinh cần mẫn giới thiệu về từng hạng mục trong cái công trình mà ông dành cả đời để gắn bó. Về cái “dở” của mọi người nhưng lại là cái “tâm” dành cho vật nuôi của ông.

Kỳ lạ nghĩa địa động vật tọa lạc ở ngay giữa thủ đô 3Hàng dài mộ bia vật nuôi nối tiếp nhau trên đường vào nghĩa trang

Ngay từ khi còn nhỏ, cậu bé Nguyễn Bảo Sinh đã là người rất yêu quý động vật. Ngày ấy, thuốc trị bệnh cho vật nuôi không có nhiều nên những khi tận mắt chứng kiến cảnh những con vật do chính tay mình nuôi nấng chết đi, cậu bé Sinh lại đau như cắt từng khúc ruột.

Mặc cho gia đình khuyên ngăn, mỗi khi có vật nuôi chết, cậu bé Sinh khi ấy đều mang đi chôn cất một cách cẩn thận, tỉ mỉ, rồi vào mùng 1 hay những ngày rằm, cậu đều dành cả ngày quấn quýt bên mộ phần của những vật nuôi như để ôn lại kỷ niệm cũ.

Quan sát khắp một lượt nghĩa trang, có thể dễ dàng nhận thấy ở vị trí trung tâm cũng là vị trí trang trọng nhất có đặt bài vị ghi dòng chữ “Mộ tổ - Ami – 1978- 1990” và hình ảnh một chú chó thuộc giống Béc giê của Đức.

Ông Sinh bảo: “Đây là người bạn trung thành nhất của tôi, cũng là chú chó đi đầu trong nghề kinh doanh chó tại Việt Nam. Chính vì vậy, với tôi Ami được xem như tổ của loài chó cảnh”.

Ami lúc còn sống nặng đến hơn 60kg, cao gần ngang bụng một người trưởng thành. Mẹ Ami là Bạch Tuyết (có bộ lông trắng tựa tuyết). Hồi đó, do quá mê mẩn với vẻ đẹp của Ami nên ông Sinh không ngần ngại bỏ ra 1 cây vàng để rước bằng được chú chó này về.

Kỳ lạ nghĩa địa động vật tọa lạc ở ngay giữa thủ đô 4Hương án của các vật nuôi đã qua đời được xếp rất cẩn thận

Do được chăm sóc trong môi trường tốt nên Ami nhanh chóng “trổ mã” và trở thành chú chó nổi tiếng khắp trong Nam ngoài Bắc. Không chỉ được biết đến là một chú chó có cân nặng lớn nhất Việt Nam thời đó mà Ami còn mang lại niềm tự hào cho ông Sinh khi là cha đẻ của không biết bao nhiêu thế hệ chó cảnh.

Vì coi chú chó này như là người bạn tâm giao nên ông đặt tên là Ami (tiếng Pháp có nghĩa là bạn). Suốt 12 năm có mặt trên đời, Ami cùng ông Sinh trải qua biết bao buồn vui của thời thế. “Có lẽ đến tận bây giờ, điều tôi hối hận nhất là không thể cứu sống được Ami”, ông Sinh tâm sự.

Theo ông Sinh, thời đó, thuốc đặc trị dành riêng cho vật nuôi không nhiều như bây giờ, Ami khi đó lại mắc phải căn bệnh Karê (một loại bệnh phá hủy phổi, hệ tiêu hóa và thần kinh vật nuôi). Trước lúc ra đi, Ami tìm đến bên ông Sinh, dụi đầu vào chân ông và dần dần gục xuống.

Thương tiếc cho người bạn đã từng gắn bó với mình, ông Sinh dành riêng một góc vườn để xây dựng nơi yên nghỉ cho Ami. “Sau đó, nhiều người thân quen đến chơi cũng đề nghị xin được gửi gắm những vật nuôi đã qua đời của mình nên tôi đồng ý và ý tưởng thành lập một khu nghĩa địa dành riêng cho vật nuôi hình thành từ đó”, ông Sinh nhớ lại.

Người dân ném đá vào nhà

Giờ đây, không chỉ riêng chó, mèo, bất cứ những người nào có vật nuôi chết đi muốn được tìm một chỗ an nghỉ ông Sinh đều đáp ứng, từ bướm cảnh, chim chóc, rùa, cá…

Mỗi đám tang dành cho các con vật đều được ông Sinh tổ chức một cách trọng thể, có hương án, hoa quả, quạt, lọng che… và các lễ nghi như với một đám tang của con người.

Trước khi đưa vật nuôi đi chôn cất hay hỏa táng, ông Sinh đều dành ra 15 phút để làm lễ cầu siêu với mong muốn những linh hồn vật nuôi sẽ được siêu thoát, sớm đầu thai thành kiếp người, không phải lang thang khổ hạnh sống kiếp vật nuôi như trước.

Để tiện cho việc trông coi khu nghĩa trang đặc biệt của mình, ông Sinh thuê người quét dọn, lau chùi từng mộ bia, bát hương, chăm hoa, tỉa lá với mong muốn vật nuôi khi chết đi vẫn được sống trong một môi trường thiên nhiên trong sạch.

Kỳ lạ nghĩa địa động vật tọa lạc ở ngay giữa thủ đô 5Cứ mùng 1 hay ngày rằm, ông Sinh lại dành nhiều thời gian bên mộ bia chú chó Ami

Vào mùng 1 hoặc ngày rằm, đích thân ông Sinh lại cần mẫn đi thắp từng nén nhang cho các mộ bia vật nuôi và ngồi lặng hàng giờ trước mộ bia người bạn Ami.

Để tìm hiểu thêm về phong tục và kỹ thuật chôn cất cho vật nuôi, ông Sinh đã nhiều lần xuất ngoại sang một số chùa chiền ở Thái Lan, Trung Quốc… Những quyết định có phần điên rồ của ông nhận được sự phản ứng quyết liệt của người thân cũng như người dân xung quanh.

“Nhiều người ghét bỏ, cho rằng tôi hành nghề mê tín dị đoan, mị dân nên thỉnh thoảng vào lúc đêm tối, họ lại ném đá, ném gạch vào cổng, vào sân nhà. Rồi đi đâu ra đường, người ta cũng chế nhạo gọi tôi bằng những cái tên miệt thị như Sinh “chó mèo”, lão điên…”, ông Sinh tâm sự.

Thế rồi sau nhiều năm, công việc của ông nhận được sự cảm thông của mọi người, những người trước kia thường hay chửi bới, ném đá bây giờ ra đường cũng nhìn ông bằng ánh mắt khác.

Kỳ lạ nghĩa địa động vật tọa lạc ở ngay giữa thủ đô 6Mỗi mộ bia của vật nuôi đều có ảnh, tên, năm sinh, năm mất cụ thể

Những dịch vụ tại nghĩa trang động vật của ông cũng không phải là rẻ. Đơn cử, giá dịch vụ chôn cất địa táng dành cho thú cưng dao động từ 7 đến 8 triệu, hỏa táng rẻ hơn, khoảng 3-4 triệu đồng. Số tiền này là trọn gói cho tất cả các chi phí đặt bia mộ và công chăm sóc, trông coi nghĩa trang.

Ngoài ra, sau 3 năm sẽ tiến hành bốc mộ cho vật nuôi, nếu người chủ nào muốn lưu giữ tro cốt của vật nuôi tại nghĩa trang sẽ phải đóng thêm 1,5 triệu đồng tuy nhiên những khách hàng tìm đến với ông Sinh và nghĩa trang đặc biệt này ngày càng đông.

Nhằm phục vụ tốt nhất cho nhu cầu chăm sóc thú cưng của mọi người, ông Sinh dành thêm ra một số phòng của ngôi nhà 6 tầng là nơi chăm sóc, chữa trị bệnh cho vật nuôi. Ông Sinh gọi đó là resort dành riêng cho chó mèo.

Giờ đây, khu nghĩa trang ấy đang là nơi lưu giữ, cư ngụ của hơn 2000 linh hồn động vật. “Các bậc cha mẹ nên dạy cho con cái tình yêu thương với loài vật, bởi nếu đã có tình yêu với vật nuôi những đứa trẻ ấy khi lớn lên sẽ không bao giờ đối xử tàn bạo với con người”, ông Sinh tâm niệm.

(Còn tiếp…)

PV
Theo Đời sống Plus/GĐVN