Thứ sáu, 19/04/2024 | 12:32
RSS

Kỳ 3: “Xứng đáng là chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân”

Thứ sáu, 15/09/2017, 21:26 (GMT+7)

Tôi cho rằng, trong vụ việc này, sự mạnh mẽ của chính quyền nhân dân rất cần sự dũng cảm, trong đó có sự dũng cảm công khai thông tin, nhận những lỗi do bộ máy của mình gây ra, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân.

Nhân dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 2/9 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã có bài viết gây ấn tượng mạnh mẽ trong đông đảo bạn đọc có tiêu đề “Xứng đáng là chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân”.

Tự thấy vấn đề của Tòa nhà 8B Lê Trực liên quan đến nhiều cấp chính quyền của TP. Hà Nội rồi cũng liên quan đến quyền lợi của nhiều người dân, tôi mạn phép lấy tên của bài báo đầy ấn tượng ấy làm chủ đề cho kỳ viết này và mong muốn chia sẻ với UBND TP. Hà Nội trong việc xử lý vụ việc Tòa nhà 8B Lê Trực bằng hai cụm từ “mạnh mẽ” và “sáng suốt”.

Trong bài viết, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân nhắc nhở: “Chỉ khi nào, chúng ta thực sự biết dựa vào dân, lắng nghe nhân dân, trung thành với lợi ích của nhân dân, chúng ta mới thực sự có sức mạnh và trí tuệ để thực hiện đúng đắn quyền lực của nhân dân trong mọi giai đoạn phát triển lịch sử. Xa rời nhân dân, không tôn trọng dân, không biết tiếp thu và phát triển nguồn sức mạnh và trí tuệ từ nhân dân là nguy cơ làm suy yếu sức mạnh, trí tuệ, hiệu quả, hiệu lực của bộ máy Nhà nước”.

Với tư tưởng ấy, với vụ việc ở Tòa nhà 8B Lê Trực, các cơ quan có trách nhiệm sẽ xử lý như thế nào để thể hiện sự mạnh mẽ và sáng suốt của mình?

Tòa nhà 8B Lê Trực

Tòa nhà 8B Lê Trực. Ảnh Internet

Tại phiên chất vấn do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức mới đây, vụ việc Tòa nhà 8B Lê Trực cũng đã được các đại biểu Quốc hội nêu ra. Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã thêm một lần nhận trách nhiệm về sự chậm trễ và khẳng định, Hà Nội sẽ thực hiện nghiêm túc trong xử lý sai phạm của tòa nhà. Đồng thời, ông cũng nói rõ nguyên nhân chậm trễ vì lý do kỹ thuật và sự an toàn được đưa lên hàng đầu.

Hồi đầu năm nay, tôi cũng đã có bài viết về vấn đề này với tựa đề “Tìm giải pháp tối ưu cho Tòa nhà số 8B Lê Trực”. Có 3 vấn đề được nêu ra:

Thứ nhất, tầng 19 vi phạm đã tháo dỡ xong, đến phần giật cấp phải xử lý thì đến nay, không ai dám đứng ra bảo đảm an toàn tuyệt đối cho công trình về trước mắt cũng như lâu dài. Và kể cả giả định đã xử lý phần giật cấp xong thì phần chủ đầu tư tự ý điều chỉnh tăng độ cao của các tầng, khiến tổng chiều cao công trình tăng cả chục mét so với giấy phép, nhiều ý kiến cho rằng hoàn toàn ...vô kế xử lý. Như vậy, nghe chừng mục tiêu xử lý “triệt để các sai phạm” muôn phần nan giải.

Thứ hai, nay xử lý công trình vi phạm này, vậy những công trình đã vi phạm khác, Hà Nội có tiến hành “xử lý kiên quyết, triệt để” không? Xin nêu một trong hàng chục ví dụ có thể nêu, theo kết luận của cơ quan có thẩm quyền, tại Tòa nhà hỗn hợp VP 6 Hoàng Liệt, quy hoạch được phê duyệt Tòa nhà cao 25 tầng +2 tầng kỹ thuật + 3 tầng hầm.

Tuy nhiên, thực tế kiểm tra cho thấy chủ đầu tư là Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên đã tiến hành xây dựng lên tới 35 tầng +1 tầng mái + 1 tầng hầm (xây dựng vượt 10 tầng so với quy hoạch được phê duyệt). Về diện tích tầng hầm, theo quy hoạch được phê duyệt là 4.941m2, tuy nhiên tại bản vẽ thiết kế thi công chỉ có 2.637,4m2 (giảm 2.304m2). Diện tích xây dựng, quy hoạch được phê duyệt là 1.170 m2, trong khi bản vẽ thiết kế thi công khoảng 1.800m2 (tăng gần 700m2). Một sai phạm khủng không thua gì Tòa 8B Lê Trực!

Thứ ba, để xảy ra tình trạng “nhờn phép nước” trong lĩnh vực xây dựng như hiện nay chắc chắn không thể hoàn toàn đổ lên đầu người dân và doanh nghiệp, mà một nguyên nhân rất quan trọng là sự yếu kém của bộ máy quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này.

Đến nay, sau khi Công ty May Lê Trực cung cấp một loạt các văn bản cho báo chí để “kêu oan” thì sự yếu kém của các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan lại càng rõ ràng hơn, như tôi đã phân tích ở kỳ viết trước.

Tôi cho rằng, trong vụ việc này, sự mạnh mẽ của một chính quyền nhân dân rất cần sự dũng cảm, trong đó có sự dũng cảm công khai thông tin, dũng cảm nhận những lỗi do bộ máy của mình gây ra, dũng cảm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân.

Còn về sự sáng suốt, đó là việc tìm một giải pháp ít xấu nhất cho các lỗi lầm mà các bên gây ra trong thời gian qua và có những định chế nhằm ngăn chặn những sai lầm trong tương lai là một việc các bên liên quan phải cùng chia sẻ và cùng phải làm.

Cho đến nay, tôi vẫn nghĩ, suy cho cùng, mọi tài sản trên đất nước Việt Nam đều thuộc về nhân dân, về Tổ quốc. Các cụ xưa nói “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, luật pháp nghiêm minh nhưng cũng rất nhân đạo, “đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh người chạy lại”...

Phạt thật nặng cao hơn giá trị vi phạm có lẽ là phương án cần nghĩ đến, bởi đất nước còn nghèo, phá đi cái gì cũng tiếc. Mà làm như vậy, tính răn đe và sự nghiêm minh của pháp luật vẫn được thể hiện và duy trì.

Nguyễn Hoàng Linh
Theo Realtimes