Thứ bảy, 20/04/2024 | 04:01
RSS

Kỳ 1 - Bệnh viện Mắt Trung ương: Nhiều lỏng lẻo trong hợp đồng đề án máy CT-Scanner

Thứ ba, 29/05/2018, 09:35 (GMT+7)

Thanh tra Bộ Y tế đã chỉ ra hàng loạt tồn tại, hạn chế tại bệnh viện này trên các mặt công tác chuyên môn, xã hội hóa, bảo hiểm y tế, đấu thầu mua sắm thuốc cũng như thu, chi tài chính.

Bệnh viện mắt Trung ương là bệnh viện chuyên khoa hạng I đầu ngành về nhãn khoa. Bệnh viện có chức năng khám, cấp cứu, điều trị, phòng bệnh và phục hồi chức năng mắt ở tuyến cao nhất; nghiên cứu khoa học; đào tạo cán bộ chuyên nghành mắt, chỉ đạo tuyến và hợp tác quốc tế quản lý bệnh viện, phòng bệnh và thông tin tuyên truyền.

Bệnh viện được quyền tự chủ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ quyền hạn được giao theo phân cấp của Bộ Y tế. Bệnh viện hoạt động theo loại hình đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo kinh phí hoạt động thường xuyên.

Từ ngày 14/11/2017 đến ngày 09/02/2018, Đoàn thanh tra đã tiến hành thanh tra tại Bệnh viện Mắt Trung ương. Kết quả thanh tra cho thấy, nhiều công tác tại Bệnh viện Mắt Trung ương còn tồn tại, hạn chế nhất định.


 Bệnh viện Mắt Trung ương (ảnh internet).

Tại Kết luận thanh tra số 48/KL-TTr về thanh tra toàn diện công tác bệnh viện tại Bệnh viện Mắt Trung ương, Thanh tra Bộ Y tế đã chỉ ra hàng loạt tồn tại, hạn chế tại bệnh viện này trên các mặt công tác chuyên môn, xã hội hóa, bảo hiểm y tế, đấu thầu mua sắm thuốc cũng như thu, chi tài chính.

Bệnh án chưa rõ ràng, tẩy xóa, khó đọc

Theo đó bệnh viện Mắt Trung ương đã thực hiện Quy chế bệnh viện ban hành kèm theo Quyết định số 1895/1997/BYT-QĐ ngày 19/9/1997 của Bộ y tế. Bệnh viện đã có Quyết định số 325/QĐ-BVMTW ngày 27/4/2015 Ban hành các quy định chuyên môn áp dụng tại Bệnh viện và triển khai các quy chế bệnh viện.

Qua đó Bệnh viện Mắt Trung ương đã thực hiện tốt nhiều mặt như thực hiện quy chế thường trực: “Thực hiện tốt quy chế cấp cứu, trong đó có cấp cứu tại bệnh viện và cấp cứu ngoại viện. Bệnh viện cũng thực hiện Quy chế chẩn đoán bệnh, làm hồ sơ bệnh án và kê đơn điều trị, thực hiện quy chế hội chẩn. Thực hiện Quy chế chăm sóc người bệnh toàn diện. Thực hiện Quy chế kiểm soát nhiễm khuẩn, quy chế xử lý chất thải y tế. Năm 2015 và 2016 tại Bệnh viện không có trường hợp bệnh nhân tử vong”.

Tuy nhiên theo Kết luận Thanh tra thì Bệnh viện Mắt Trung ương vẫn còn nhiều hạn chế thiếu sót.

“Kiểm tra công tác thường trực lâm sàng tại Khoa Đáy mắt cho thấy: Khoa có mở sổ phân công trực, có sổ trực nhưng không theo mẫu và nội dung phân trực chưa được rõ ràng và khoa học.

Một số bệnh án được kiểm tra, chữ viết chưa rõ ràng, khó đọc, còn tẩy xóa.

Diện tích nhà chứa chất thải hẹp 12m2/3 kho chứa chất thải nguy hại, chất thải tái chế và chất thải sinh hoạt nên cao điểm kho chứa đầy phải sử dụng thêm thùng chứa”.

Đề án xã hội hóa y tế còn tồn tại hạn chế

Liên quan đến các đề án xã hội hóa y tế. Trong thời kỳ thanh tra (năm 2015 và 2016) Bệnh viện Mắt trung ương đã triển khai 3 đề án xã hội hóa bao gồm: Đề án hợp tác liên kết sử dụng máy Laser Excimer (năm 2010). Đề án nâng cấp thiết bị chẩn đoán hình ảnh máy CT-Scanner (năm 2012). Đề án hợp tác liên kết sử dụng máy Laser Excimer (năm 2012).

Sau khi thực hiện đề án đã bộc lộ những hạn chế và đã được Thanh tra Bộ Y tế chỉ rõ.

Một số nội dung trong đề án được xây dựng chưa cụ thể: Đề án của hai hệ thống máy Laser Excimer chưa thể hiện chi tiết cấu hình, tính năng kỹ thuật của hệ thống máy. Phần trách nhiệm của mỗi bên và phần chi phí chung chưa đề cập đến chi phí bảo trì, bảo dưỡng hệ thống máy trong quá trình hoạt động.

Về hợp đồng liên doanh liên kết: Nội dung tại khoản 2 điều 2 của Hợp đồng số 04/HĐLK ngày 15/5/2012 giữa bệnh viện Mắt Trung ương và Công ty Cổ phần thiết bị y tế Việt Nhật thuộc đề án Máy CT-Scanner có nội dung không phù hợp, cụ thể: “Bên A chịu trách nhiệm khai thác, chỉ định bệnh nhân tối thiểu 10 ca/ ngày. Hợp đồng liên kết khai thác hệ thống phẫu thuật tật khúc xạ Laser Excimer được xây dựng chưa chặt chẽ. Trong hợp đồng chỉ nêu “khi hết thời hạn hợp đồng hoặc đạt được 8.000 ca thì kết thúc hợp đồng”, không có điều khoản gia hạn hợp đồng, không đề cập đến việc kiểm định chất lượng hệ thống máy khi tiếp tục gia hạn hợp đồng và máy hết khấu hao.

Ngoài ra, Đề án liên doanh, liên kết cũng chưa xây dựng các yếu tố cấu thành đơn giá; tại nơi đặt máy chưa có nội quy quản lý, quy trình sử dụng máy.

Ngoài những tồn tại, hạn chế trên, Bệnh viện Mắt Trung ương còn những sai phạm liên quan đến bảo hiểm y tế, đấu thầu, mua sắm thuốc cũng như thu, chi tài chính...

Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương hiện tại là ông Nguyễn Xuân Hiệp.

Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

Ngày 17/8/2016 Trên Báo Người tiêu dùng có đăng tải thông tin: "Bị tố sai phạm tày trời vẫn lên chức Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương".

Trong quá trình làm Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương, ông Nguyễn Xuân Hiệp đã dùng những thủ thuật để tư lợi hàng tỷ đồng và bị tố cáo khắp nơi. Nhưng sau đó, “bất thường” ông Hiệp vẫn leo lên chức Giám đốc bệnh viện này.

Mới đây, theo đơn tố cáo của PGS - TS Cung Hồng Sơn gửi đến các cơ quan, ban ngành lãnh đạo của nước ta về việc ông Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ Bộ Y tế và ông Nguyễn Xuân Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương đã có hàng loạt sai phạm trong công tác bổ nhiệm cán bộ, mà Báo Người Tiêu Dùng đã đăng trong bài viết: “Lùm xùm” vụ tố cáo Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương . Kỳ này, nhóm PV Báo tiếp tục tìm hiểu thêm về các sai phạm của ông Nguyễn Xuân Hiệp. Vấn đề đặt ra là những sai phạm này phát sinh do năng lực ông Hiệp yếu kém hay vì thiếu y đức?

Mặc dù ông Hiệp đã gây ra bão dư luận vì bị tố cáo nhiều nơi nhưng không hiểu vì sao ông Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ Bộ Y tế vẫn "nhắm mắt" hỗ trợ ông Nguyễn Xuân Hiệp “đường hoàng” leo lên chức Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương.

Ngọc Huy - Chí Kiên
Theo Pháp luật Việt Nam