Thứ năm, 25/04/2024 | 14:19
RSS

Khóc, cười xét nghiệm ADN: Họa sĩ giàu có ngậm ngùi "bỏ rơi con" và bi kịch sau buổi vẽ khỏa thân

Thứ bảy, 11/02/2017, 08:58 (GMT+7)

Đây là những câu chuyện có thật của nhân viên làm việc lâu năm tại một trung tâm xét nghiệm ADN nổi tiếng. Những câu chuyện này khiến nhiều người bất ngờ bởi những tình tiết quá đỗi tréo nghoe, trái ngang, cay đắng...

Nhân vật đầu tiên mà nhân viên phòng khám ADN ấy kể cho phóng viên là một họa sĩ nổi tiếng ở Hà thành. Sau những lời giới thiệu, anh trình bày hoàn cảnh của mình và mong tôi hướng dẫn làm các thủ tục xét nghiệm. Tình huống của anh khá phức tạp và tế nhị…

Anh lấy vợ gần 10 năm mà chưa có con, hai người đưa nhau đi khám chữa ở nhiều nơi nhưng kết quả vẫn không như mong đợi, chị hoàn toàn không có khả năng sinh con. Mặc dù chị vài lần chủ động đề nghị chia tay để anh có thể tự do tìm hạnh phúc mới nhưng anh không thể đồng ý, phần vì thương vợ, phần vì nể trọng bố vợ cũng chính là thầy giáo cũ của mình.

chuyện xét nghiệm xét nghiệm ADN4

Chuyện xét nghiệm xét nghiệm ADN. Ảnh minh họa

Cuối cùng chị đưa ra giải pháp nhận một đứa con gái sơ sinh bị bỏ rơi về nuôi. Từ khi có con nuôi, gia đình ấm áp lên nhiều bởi tiếng khóc cười của trẻ thơ. Chị cũng vui vẻ, thoải mái hơn với việc chăm con. Còn anh vẫn mải miết với niềm say mê hội họa của mình, thường đi thực tế sáng tác dài ngày ở khu vực miền núi phía Tây Bắc.

Thời điểm đó tranh của anh khá được giá, chủ yếu bán cho khách nước ngoài yêu thích phong cảnh đất nước, con người Việt Nam Có tiền, anh lo cho cuộc sống của vợ con rất đầy đủ, sung túc. Con gái lớn lên trong tình yêu thương của bố mẹ, ba người gắn bó với nhau đúng như một gia đình hạnh phúc thực sự.

Cuộc đời người họa sĩ “rẽ lối” từ một chiều mưa

Cho đến một lần đi sáng tác, anh tình cờ ghé chân vào một quán nước dọc đường. Chủ quán là một phụ nữ có gương mặt đặc trưng của người đẹp miền núi, đôi mắt phảng phất một nỗi buồn hoang dã khiến anh bị ám ảnh ngay từ phút đầu tiên.

Sau đó, anh đến quán nhiều hơn. Dần dần câu chuyện giữa họ trở nên cởi mở, anh được biết chồng M. (tên người phụ nữ) mặc dù lấy được vợ trẻ đẹp nhưng lại chỉ thích vào rừng kiếm mật ong nên thường xuyên vắng nhà.

Anh đề nghị được mời cô làm người mẫu, rất nhiều bức tranh vẽ người đàn bà miền núi có đôi mắt buồn đã ra đời, khi chuyển về Hà Nội lập tức được bán với giá cao. Những lần trở lại gặp người mẫu, anh thường mua tặng cô một món quà của miền xuôi cùng số tiền không nhỏ.

chuyện xét nghiệm xét nghiệm ADN

Câu chuyện xét nghiệm ADN của người họa sĩ. Ảnh minh họa

Khi thân mật hơn, anh mạnh dạn đề nghị được vẽ tranh khỏa thân. Ban đầu cô từ chối nhưng nghe anh thuyết phục và hứa sẽ chỉ vẽ tại nhà cô chứ không đưa về nơi anh thuê nhà nghỉ trọ, cô gật đầu đồng ý.

Một buổi chiều đang ngồi vẽ thì trời đổ mưa tầm tã, ánh sáng không đủ để tiếp tục, anh bảo cô nghỉ và lấy chiếc khăn mỏng choàng lên người cô rồi rót chút rượu pha mật ong mời cô uống cho đỡ lạnh. Cử chỉ chăm sóc nhỏ nhoi đó không ngờ khiến cô ứa nước mắt vì cảm động.

Thương người thiếu phụ vắng chồng giữa vùng rừng núi héo hút, anh ôm choàng lấy cô và mọi chuyện đã đi xa hơn…

Hoàn thành đủ số lượng phác thảo, anh về Hà Nội để chuyển sang vẽ thành tranh khổ lớn và hẹn sẽ quay lại. Thật không may, ít ngày sau anh bị tai nạn xe máy, vào viện cấp cứu và phải làm phẫu thuật, bó bột bên chân trái mất vài tháng mới tập tễnh đi lại được. Vợ con anh lo lắng, không muốn cho anh trở lại làm việc sớm sợ ảnh hưởng sức khỏe

Đến khi sức khỏe phục hồi hoàn toàn, anh lên miền núi tìm M. thì đã hơn một năm trôi qua. M. vẫn bán hàng ở quán nước cũ, trên tay bế đứa con trai chừng 4 tháng tuổi, anh chồng hớn hở mời chào khách vào uống nước, còn mang mật ong rừng ra mời nếm thử và gạ khách mua rất nhiệt tình.

M. thoáng bối rối khi thấy anh chăm chăm nhìn đứa bé trắng trẻo, bụ bẫm không có nét nào giống người chồng thô kệch, đen đúa của mình. Bằng linh cảm đặc biệt, anh đoán đứa bé chính là giọt máu của mình để lại sau buổi chiều mưa năm trước.

Lựa lúc người chồng vào nhà trong lấy mật ong, anh hỏi M.: “Con anh phải không?” M. hốt hoảng lắc đầu: “Không. Không phải. Nó là con của chồng em. Anh đừng nói linh tinh mà chồng em nó chém chết anh đấy”.

Anh buồn bã trở về, suy nghĩ rất nhiều ngày và quyết định nhờ một người bạn đưa đến gặp tôi. Anh chỉ muốn làm xét nghiệm để có một kết quả chính xác và nếu đó là con mình thì anh sẽ đảm nhận trách nhiệm của một người cha, chăm lo nuôi nấng đứa bé ăn học nên người.

chuyện xét nghiệm xét nghiệm ADN2

Câu chuyện "éo le" của người họa sĩ bắt đầu từ một đêm mưa. Ảnh minh họa

Hành trình “tìm lại đứa con” của người họa sĩ

Tôi hướng dẫn anh cách lấy mẫu, có thể chọn cách lấy nang tóc, biểu bì hoặc lấy máu, trong đó lấy mẫu máu thì sẽ cho ra kết quả nhanh nhất. Anh mừng rỡ cảm ơn tôi và lập tức bắt xe lên miền núi.

Lần này anh rủ thêm người bạn cùng đi. Lên đến nơi, hai người tìm chỗ nghỉ để sáng hôm sau thuê một chiếc xe máy đến nhà M. Chồng M. lại đang đi rừng, người bạn của anh bảo muốn mua hai chục lít mật ong, nếu trong nhà có đủ thì mang ra, không đủ thì nhờ cô sang hàng xóm gom hộ. Anh bảo M. đưa con cho bạn trông giúp còn mình chở M. đi gom mật.

Trên đường đi, anh gặng hỏi M. về đứa bé và hứa nếu là con anh thì từ nay sẽ chu cấp tiền nuôi con để đứa bé không bị thiếu thốn gì nhưng cô vẫn một mực lắc đầu nói không phải.

Trong lúc đó, người bạn của anh đã nhanh chóng dùng kim chích lấy một ít máu ở ngón tay đứa bé thấm vào miếng vải cotton chuẩn bị sẵn, đợi máu khô và cho vào phong bì dán kín lại đúng như hướng dẫn. Anh đưa M. quay về, nhận được tín hiệu lấy mẫu thành công, anh và người bạn nhanh chóng mang hai can mật ong đi thẳng xuống văn phòng của tôi.

Bốn ngày sau, tôi gọi điện hẹn anh xuống nhận kết quả xét nghiệm. Anh run run cầm chiếc phong bì, lập cập mãi mới mở được ra và sung sướng hét toáng lên ngay giữa văn phòng: “Con trai tôi. Đúng là con trai của tôi rồi. Thế là tôi đã có một thằng con trai!”

Anh hào phóng rút ví, đưa cho tôi mấy tờ 500 nghìn nói là cảm ơn và mong tôi chia sẻ niềm vui lớn với anh. Tôi đợi anh bớt xúc động, bảo anh cất tiền đi và hỏi ý định tiếp theo của anh là gì.

Anh hào hứng tuôn ra một tràng những dự định sắp tới, nào là sẽ lên đón đứa bé về Hà Nội, nếu M. muốn thì đưa cả hai mẹ con về, anh sẽ mua nhà, sẽ chu cấp toàn bộ tiền nong để M. chỉ việc ở nhà chăm con. Anh sẽ báo cáo với bố mẹ anh về chuyện này, các cụ sẽ mừng phải biết vì lâu nay mẹ anh vẫn âm thầm đi chùa cầu khấn có được thằng cháu đích tôn…

Tôi không dám can thiệp sâu, vì dẫu sao đây cũng là chuyện riêng của khách hàng, việc của một nhân viên như tôi coi như đã xong. Nhưng tôi vẫn khuyên anh suy nghĩ thật kĩ trước khi hành động, vì bây giờ mọi việc liên quan đến rất nhiều người. Anh chào tôi và ra về trong niềm mãn nguyện tràn đầy.

chuyện xét nghiệm xét nghiệm ADN1

Sau khi biết kết quả, người họa sĩ vẫn chưa biết giải quyết thế nào. Ảnh minh họa

Đau đáu mong chờ ngày được nhận con

Khoảng ba tháng sau, anh gọi điện hẹn gặp tôi. Khi anh bước vào phòng, tôi bất ngờ đến mức suýt nữa không nhận ra.

Anh gầy xọp đi, râu tóc bơ phờ, mắt trũng sâu như người mất ngủ nhiều ngày. Anh nắm chặt lấy tay tôi, hỏi dồn: “Anh phải làm thế nào bây giờ? Theo em thì nên làm thế nào để nhận con?”

Rồi anh kể, sau khi có phiếu kết quả xét nghiệm, anh lên nhà M. nói rõ sự tình về việc cần phải có một đứa con trai, xin M. cho anh đón đứa bé về, M. còn trẻ, còn có thể sinh thêm những đứa con khác với chồng, còn anh chỉ có một mình nó.

M. đã khóc rất nhiều và van xin anh đừng nói chuyện này ra, cô ấy không thể đưa con cho anh được, và càng không thể để chồng mình biết, vì nếu anh ấy biết thì chưa biết hậu quả sẽ thế nào.

M. còn nói thêm, chồng cô ấy là người chân chất nhưng cục tính, ít học nên rất liều lĩnh, nếu biết vợ mình có con với người khác thì chắc chắn sẽ xảy ra những chuyện kinh hoàng.

Nghe xong, anh xin được bế thằng bé một lúc, dúi vội tập tiền dưới áo của con rồi đành dứt ruột quay về.

Từ hôm đó, không đêm nào anh ngủ được vì cứ đau đáu nghĩ đến đứa con ở nơi núi rừng heo hút, điều kiện vật chất thiếu thốn, nó sẽ lớn lên ra sao. Lại nghĩ đến bản thân mình sống trong cảnh đầy đủ, sang trọng, con người khác mang về nuôi được đàng hoàng còn con mình thì không được gọi mình là bố.

Anh bảo nếu có cách nào mong tôi tháo gỡ giúp cho anh, để ít nhất cũng được làm tròn trách nhiệm làm cha đối với con mình.

Tôi chỉ biết an ủi anh cố gắng cân bằng tâm lí trở lại để làm việc và sáng tác. Cứ kiên nhẫn chờ khi thằng bé lớn lên, thời gian sẽ trả lời cho tấm lòng của người cha nhân hậu như anh.

(Còn nữa)

Phong Lan (ghi theo lời nhân vật)
Theo Đời sống Plus