Thứ năm, 28/03/2024 | 23:38
RSS

Khaisilk bán khăn “made in China” vi phạm nghiêm trọng quyền lợi người tiêu dùng

Thứ năm, 26/10/2017, 19:47 (GMT+7)

Theo luật sư Phạm Duy Khương, Giám đốc Công ty luật SB LAW, Khaisilk bán khăn “made in China” vi phạm nghiêm trọng quyền lợi người tiêu dùng.

Khaisilk bán khăn made in China vi phạm quyền lợi người tiêu dùng
Khách tố Khaisilk bán khăn “made in China” 

Doanh nhân Hoàng Khải thừa nhận Khaisilk bán khăn “made in China” 

Như tin đã đưa, một doanh nghiệp V. tại Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội cho biết đã mua sản phẩm của Khaisilk tại cửa hàng trên phố Hàng Gai (quận Hoàn Kiếm) để làm quà tặng cho đối tác. Số khăn tay lụa tơ tằm Việt Nam thương hiệu Khaisilk (kích thước 50 x 50 cm), với đơn giá 644.000 đồng/chiếc.

Khách sau khi nhận hàng thì phát hiện một chiếc khăn trong lô hàng 60 chiếc này có gắn 2 nhãn mác khác nhau: một nhãn với nội dung “Khaisilk made in Vietnam” còn một nhãn nữa với nội dung “Made in China”. Khách hàng cũng cho biết khi kiểm tra 59 chiếc khăn còn lại, phát hiệu dấu hiệu của việc cắt mác cùng màu với dòng chữ “Made in China”.

Chiều ngày 25/10, ông chủ của thương hiệu Khaisilk – doanh nhân Hoàng Khải thừa nhận, Khaisilk có bán lụa tơ tằm xuất xứ từ Trung Quốc và cúi đầu xin lỗi người tiêu dùng. Theo ông Khải, việc nhập lụa Trung Quốc để bán lẫn với lụa Việt Nam đã có từ lâu (từ những năm 90) khi Khaisilk không tìm đủ nguồn hàng trong nước.

Khaisilk bán khăn made in China vi phạm quyền lợi người tiêu dùng
Cửa hàng Khaisilk, nơi bán khăn "made in China"

Ngày  26/10, Bộ Công Thương đã phát đi công văn hỏa tốc đề nghị các đơn vị chức năng vào cuộc kiểm tra xem xét và làm rõ các thông tin về vụ việc một cửa hàng tại Hà Nội của Tập đoàn Khaisilk bán khăn vừa có mác “Khaisilk - made in Việt Nam” vừa có mác “made in China”; nếu có dấu hiệu vi phạm liên quan đến xuất xứ hàng hóa, hàng giả, hàng nhái, bảo vệ người tiêu dùng, các đơn vị đề nghị ngay hướng xử lý và báo cáo Bộ Công Thương trước ngày 28/10.

Trước việc sản phẩm của Khaisilk bị gắn mác “made in China”, chia sẻ với phóng viên Đời sống Plus về việc Khaisilk bán khăn giả đến người tiêu dùng, luật sư Phạm Duy Khương, Giám đốc Công ty luật SB Law, Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho rằng, Khaisilk đã thực hiện hành vi vi phạm nghiêm trọng pháp luật vi phạm nghiêm trọng quyền lợi người tiêu dùng.

Khaisilk bán khăn made in China vi phạm quyền lợi người tiêu dùngLuật sư Phạm Duy Khương, Giám đốc Công ty luật SB Law

Luật sư Khương cho biết, theo quy định tại điểm e, khoản 8, Điều 8 của Nghị định 185/2013/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định số 124/2015/NĐ-CP) thì “Hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa” sẽ bị coi là hàng giả.

Ngoài ra, theo quy định tại Khoản 1, Điều 3 của Nghị định số 19/2006/NĐ-CP thì xuất xứ hàng hóa là “là nước hoặc vùng lãnh thổ nơi sản xuất ra toàn bộ hàng hoá hoặc nơi thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng đối với hàng hoá trong trường hợp có nhiều nước hoặc vùng lãnh thổ tham gia vào quá trình sản xuất hàng hoá đó”.

Và theo quy định tại Khoản 1 và 2 của Điều 15 của Nghị định số 43/2017/NĐ-CP quy định về ghi nhãn hàng hóa thì “Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu tự xác định và ghi xuất xứ đối với hàng hóa của mình nhưng phải bảo đảm trung thực, chính xác, tuân thủ các quy định của pháp luật về xuất xứ hàng hóa hoặc các Hiệp định mà Việt Nam đã tham gia hoặc ký kết” và “Cách ghi xuất xứ hàng hóa được quy định như sau: Ghi cụm từ “sản xuất tại” hoặc “chế tạo tại”, “nước sản xuất”, “xuất xứ” hoặc “sản xuất bởi” kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa đó”.

Cũng theo luật sư Khương, trong trường hợp sản phẩm lụa do Khaisilk nhập khẩu về Việt Nam là sản phẩm đã được sản xuất ra toàn bộ hoặc thực hiện công việc chế biến cơ bản cuối cùng tại Trung Quốc, thì hàng hóa này phải được coi là có nguồn gốc, xuất xứ từ Trung Quốc.

Việc thay đổi bao bì đóng gói và tháo dỡ hay lắp ghép các lô hàng, đóng chai, lọ, đóng gói, bao, hộp và các công việc đóng gói bao bì đơn giản khác sẽ không được coi là làm thay đổi nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa theo quy định tại Điều 9 của Nghị định số 19/2006/NĐ-CP.

Như vậy, nếu Khaisilk bán hàng hóa mà trên bao bì hàng hóa hoặc nhãn hàng hóa có chỉ dẫn “Made in Vietnam” trong khi hàng hóa thực chất là “Made in China” thì hành vi của Khaisilk sẽ bị coi là buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa.

Luật sư Khương phân tích thêm, theo quy định của Điều 13 của Nghị định 185 thì hành vi buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa sẽ bị xử phạt tối đa là 20.000.000 – 30.000.000 VNĐ đối với cá nhân và gấp đôi mức phạt này đối với tổ chức nếu hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 30.000.000 VNĐ trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Căn cứ vào quy định nêu trên thì người có hành vi buôn bán hàng giả chỉ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính khi có kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi ấy không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ngoài ra, trách nhiệm hình sự trong trường hợp này là “tội sản xuất, buôn bán hàng giả” theo quy định tại Điều 156 của Bộ luật hình sự 1999 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009. Theo đó, Khoản 1, Điều 156 quy định “Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ ba mươi triệu đồng đến dưới một trăm năm mươi triệu đồng hoặc dưới ba mươi triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 153, 154, 155, 157, 158, 159 và 161 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm”, mức hình phạt cao nhất của tội này lên đến 15 năm nếu hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên.

Bên cạnh đó, dưới góc độ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Khaisilk cũng đã vi phạm nghiêm trọng quyền của người tiêu dùng. Theo quy định của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì người tiêu dùng có quyền “Được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; được cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch và thông tin cần thiết khác về hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng đã mua, sử dụng”.

Khaisilk gây thiệt hại nghiêm trọng cho người tiêu dùng

Việc Khaisilk bán hàng nhập khẩu từ Trung Quốc nhưng lại “nhập nhèm” là hàng sản xuất tại Việt Nam, có thể bị coi là hành vi “Che giấu thông tin hoặc cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác cho người tiêu dùng theo quy định” và có thể bị phạt ở mức từ 10.000.000 VNĐ – 20.000.000 VNĐ đối với cá nhân vi phạm hoặc gấp đôi số tiền này nếu người thực hiện hành vi vi phạm là tổ chức.

Trong trường hợp hành vi của Khaisilk gây thiệt hại nghiêm trọng cho người tiêu dùng thì hành vi này có thể bị xem xét để xử lý theo tội Lừa dối khách hàng theo quy định tại Điều 162 của Bộ luật hình sự năm 1999 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009).

Cụ thể “người nào trong việc mua, bán mà cân, đong, đo, đếm, tính gian, đánh tráo loại hàng hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác gây thiệt hại nghiêm trọng cho khách hàng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm”.

Như vậy, tùy theo tính chất và hành vi phạm tội cũng như mức độ thiệt hại mà Khaisilk gây thiệt hại cho người tiêu dùng để có thể đưa ra chính xác kết luận đối với hành vi bán khăn lụa của Khaisilk. 

Ngô Huệ
Theo Đời sống Plus/GĐVN