Thứ sáu, 29/03/2024 | 08:38
RSS

Khả năng chịu lạnh của con người đến bao nhiêu là cực hạn?

Thứ hai, 31/10/2016, 21:45 (GMT+7)

Có những người mùa đông vẫn mặc được quần đùi nhưng cũng có người mới hơi lạnh đã phải khoác thêm áo. Vậy có bao giờ bạn thắc mắc về khả năng chịu lạnh của con người bao nhiêu là cực hạn?

Tại sao con người lại cảm nhận được cái lạnh

Con người sẽ nhận thức được cái lạnh khi dây thần kinh trên da gửi thông báo về nhiệt độ của da tới các xung thần kinh trên não. Những xung thần kinh này phản ứng với nhiệt độ trên da ngay khi nó vừa thay đổi.

Sau đó, các xung thần kinh sẽ đưa ra cảnh báo sớm về sự sụt giảm nhiệt độ gốc của cơ thể (nhiệt độ của các cơ quan nội tạng). Nếu không giữ ấm, nhiệt độ gốc giảm sẽ dẫn đến hạ thân nhiệt.

Ở người khỏe mạnh, hệ miễn dịch sẽ ngăn cản hạ thân nhiệt xảy ra. Bằng cách các xung thần kinh gửi lên vùng dưới thùy não, nơi kiểm soát nhiệt độ gốc, để đưa ra được các chỉ dẫn kiểm soát tình trạng hạ thân nhiệt.

Khả năng chịu lạnh của con người

Khả năng chịu lạnh của con người là khác nhau.

Sau đó, các xung thần kinh lại tiếp tục được gửi đến các cơ trên toàn thân tạo ra phản ứng rùng mình. Phản ứng này sẽ giúp cơ thể tạo nhiệt trao đổi chất. Đồng thời thắt chặt các mạch máu để ngăn lượng máu và nhiệt chảy từ phần da bị lạnh về cơ quan nội tạng.

Các xung thần kinh lại tiếp tục chạy về vỏ não để tạo ra thông tin về cảm giác lạnh. Vỏ não thông báo cảm giác lạnh khiến con người thực hiện một số hành vi giữ ấm như: mặc thêm quần áo, co rúm người, xoa hai bàn tay vào nhau,...

Khả năng chịu lạnh của con người là khác nhau

Bạn cần phải biết một điều rằng cảm giác lạnh có thể khác với mức độ lạnh của cơ thể. Có những lúc, bạn cảm thấy rất lạnh nhưng nhiệt độ gốc thì vẫn tăng vì lượng máu ấm giúp cơ quan nội tạng giữ nhiệt. Chính vì thế con người có thể chịu lạnh trong vòng một giờ mà không cần can thiệp các biện pháp giữ ấm.

Trong trường hợp bị bệnh cảm, dù thời tiết không hề rét, nhiều người vẫn cảm nhận được cái lạnh. Sở dĩ như vậy là do nhiệt độ gốc lúc này đã tăng lên, cao hơn nhiệt độ bình thường. Chính mức chênh lệch nhiệt độ này khiến người bị ốm thường hay có cảm giác lạnh.

Khả năng chịu lạnh của con người là bao nhiêu

Khả năng chịu rét có thể được rèn luyện.

Khả năng chịu lạnh giữa mọi người là khác nhau. Trong cùng một hoàn cảnh sống, một người có thể cảm thấy lạnh hơn người khác. Thông thường, phụ nữ là đối tượng chịu lạnh kém. Nguyên nhân là do nhiệt độ trên da của phụ nữ thấp hơn đàn ông.

Một phát hiện thú vị là khả năng chịu lạnh cũng có tính di truyền. Điều này đã được kết luận trong một cuộc nghiên cứu về các cặp song sinh phát hiện được rằng khả năng di truyền cảm giác lạnh tay và chân là rất cao.

Không chỉ chịu tác động của môi trường, cảm giác lạnh đôi khi cũng bị lây nhiễm. Một người có thể cảm thấy lạnh khi thấy người khác đang bị lạnh. Một nghiên cứu gần đây đã chỉ ra điều này khi cho các tình nguyện viên khỏe mạnh xem các đoan video quay cảnh các diễn viên bị lanh. Kết quả thu được là nhiệt độ trên tay của họ bị giảm dù nhiệt độ môi trường không hề lạnh.

Khả năng chịu lạnh có thể được rèn luyện khi con người tăng cường hoạt động trao đổi chất trong những ngày giá rét. Hơn nữa, điều đó còn giúp cho bạn có một cuộc sống khoa học, khỏe mạnh hơn.

Hoàng Thúy (T/h)
Theo Đời sống Plus