Thứ sáu, 19/04/2024 | 19:30
RSS

"Hồng nhan họa thủy" thời cổ đại: Mỹ nữ gây nên cuộc chiến giành ngôi đẫm máu thời Tấn

Thứ tư, 30/11/2016, 18:55 (GMT+7)

Nhắc đến mỹ nhân Ly Cơ thời Tấn, người ta chỉ nhớ tới bốn chữ “hồng nhan họa thủy”, bởi nàng tuy xinh đẹp nhưng lòng dạ hiểm ác.

Sự kiện:

Ly Cơ, còn gọi Lệ Cơ, là một phi tần của Tấn Hiến công thời Xuân Thu trong lịch sử Trung Quốc Nàng được người đời biết đến với biệt danh "hồng nhan họa thủy" và được cho là nguyên nhân dẫn đến cuộc tranh giành ngôi vị quân chủ nước Tấn sau khi Hiến công qua đời, được gọi là Ly Cơ chi loạn.

Ly Cơ vốn là con gái của Ly Nhung quốc chúa. Năm 672 TCN, Tấn Hiến công đem quân đánh nước Ly Nhung, Quốc chúa phải xin giảng hòa và dâng Ly Cơ cùng người em là Thiếu Cơ cho Tấn Hiến công.

Khi còn trẻ, Ly Cơ nổi tiếng xinh đẹp tuyệt trần khiến Tấn Hiến Công say mê, ít khi rời nàng, lại cho Ly Cơ dự bàn việc nước. Hơn một năm sau, Ly Cơ sinh con đặt tên là Cơ Hề Tề. Sau này, Thiếu Cơ cũng sinh một con trai tên là Cơ Trác Tử.

Ly Cơ – “hồng nhan họa thủy” nhà Tấn

Ly Cơ – “hồng nhan họa thủy” nhà Tấn. Ảnh: Internet

Tấn Hiến công có nhiều con trai đã lớn, trong số đó có 3 người tài giỏi và có đức hạnh nhất là Cơ Trùng Nhĩ, Cơ Di Ngô và thái tử Cơ Thân Sinh. Vì yêu Ly Cơ, Tấn Hiến công muốn phế Thân Sinh để lập Hề Tề. 

Khi đó, Ly Cơ muốn hại Thế tử Thân Sinh để giành ngôi Thế tử cho con mình, thường gièm pha Thân Sinh với Hiến công, bịa chuyện Thân Sinh có ý sàm sỡ, còn buông lời xằng bậy coi thường vua cha. Nhưng khi Hiến công tỏ ý muốn thay ngôi thì Ly Cơ lại tỏ ra nhân từ, can Hiến công không nên làm. 

Có một lần, Ly Cơ mở lời ngon ngọt nói với Thân Sinh rằng Tấn Hiến công nằm mơ thấy người mẹ đã khuất của Thân Sinh và giục Thân Sinh cúng lễ cho mẹ. Thân Sinh nghe lời theo rồi sai người dâng thịt rượu vừa cúng về cho Tấn Hiến Công.

Cuối cùng, Ly Cơ gặp báo ứng và bị người đời coi thường

Cuối cùng, Ly Cơ gặp báo ứng và bị người đời coi thường. Ảnh: Internet

Ly Cơ liền âm thầm bỏ thuốc độc vào đồ ăn trước khi dâng lên Hiến Công, khi ấy vua mới đi săn về, định ăn ngay thì Ly Cơ khuyên nên thử trước. Hiến công cho chó và một viên quan nhỏ ăn thử, kết cục là cả chó và người đều chết.

Tấn Hiến công nổi giận, cho người đến bắt giết Thân Sinh. Thân Sinh nghe tin, biết mình không chạy nổi, liền tự sát ở Tân Thành. Ly Cơ lòng dạ hiểm độc, đầu tiên cũng đạt được mong muốn của mình là đưa Cơ Tề Hề lên làm thái tử, nhưng về sau tất yếu bị quả báo.

Sau này, khi Tấn Hiến Công chết, những thế lực trong triều đình căm ghét Ly Cơ, thương tiếc Thân Sinh, liền kéo quân vào giết chết Cơ Tề Hề. Ly Cơ biết không thể thoát nên đâm đầu xuống giếng trong cung tự vẫn, mà kết cục còn bị vớt xác lên đâm chém, chết không toàn vẹn…

Hạnh Chi (T/h)
Theo Đời sống Plus