Thứ sáu, 29/03/2024 | 02:09
RSS

Hệ thống THAAD có khủng đến mức thành nỗi ác mộng của Trung Quốc lẫn Triều Tiên?

Thứ năm, 27/04/2017, 10:05 (GMT+7)

Mỹ gấp rút đưa hệ thống phòng thủ tên lửa đến Hàn Quốc trong động thái căng thẳng cực độ với Triều Tiên. Trung Quốc cũng phản đối kich liệt việc triển khai THAAD.

Phát biểu trong phiên điều trần ngày 26/4 (giờ Mỹ) trước Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ Đô đốc Harris xác nhận các thành phần cuối cùng của THAAD đã được đưa tới địa điểm triển khai, cách thủ đô Seoul của Hàn Quốc khoảng 250km về phía nam.

Việc triển khai THAAD và đưa nó vào trực chiến đang được tiến hành gấp rút từ sau chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đến Hàn Quốc ngày 16/4. Việc triển khai này là sớm hơn rất nhiều so với dự định, tuy nhiên theo giới quan sát, đây là một bước đi có tính toán khi mà mối đe dọa vũ khí hạt nhân từ Triều Tiên đang lớn hơn bao giờ hết.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc trong cuộc họp báo ngày 26/4 (giờ địa phương) đã lên tiếng phản đối sự xuất hiện của THAAD, yêu cầu Mỹ rút hệ thống này về nước.

"Chúng tôi mạnh mẽ yêu cầu, thúc giục Mỹ và Hàn Quốc chấm dứt các động thái làm tình hình và căng thẳng khu vực thêm trầm trọng, gây tổn hại đến các lợi ích an ninh chiến lược của Trung Quốc; chúng tôi yêu cầu hủy bỏ việc triển khai và thu hồi hệ thống này", Reuters dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng.

Tại sao Trung Quốc lại phản đối THAAD đến vậy? Câu trả lời có lẽ nằm ở sức mạnh của THAAD khiến Bắc Kinh lo ngại.

Mục đích chính của hệ thống THAAD là giúp Hàn Quốc tự bảo vệ trước một cuộc tấn công (giả định) từ CHDCND Triều Tiên. Tuy nhiên Trung Quốc coi đây là một mối đe dọa có thể “phá vỡ cân bằng chiến lược trong khu vực”.

Hệ thống THAAD có tỉ lệ bắn trúng gần như là 100%. Ảnh: Internet

Về sức mạnh của THAAD, hệ thống này được mệnh danh là vũ khí “bách phát bách trúng” của Mỹ. Terminal High Altitude Area Defense THAAD (thiết bị phòng thủ khu vực đầu cuối tầm cao) là một hệ thống phòng thủ do tập đoàn Lockheed Martin thiết kế để đánh chặn các tên lửa đạn đạo. 

THAAD tiêu diệt mục tiêu như thế nào?

Đầu tiên, một tên lửa mục tiêu sẽ được phóng đi từ một vị trí nằm khá xa, tiếp đến radar AN/TPY-2 sẽ theo dõi và tính toán quỹ đạo bay của tên lửa mục tiêu. Thông tin từ radar AN/TPY-2 sẽ gửi đến trung tâm điều khiển để xử lý và chuyển tiếp cho hệ thống kiểm soát bắn.

Một radar AN/TPY-2 thứ 2 sẽ làm nhiệm vụ điều khiển hỏa lực dẫn đường cho tên lửa đánh chặn mục tiêu. Quá trình từ lúc phát hiện mục tiêu đến khi phóng tên lửa đánh chặn mất khoảng 5 phút. THAAD có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo trong phạm vi từ 150-200 km.

Theo Cơ quan Phòng thủ tên lửa Mỹ, hơn 6.300 tên lửa đạn đạo nằm ngoài tầm kiểm soát của Mỹ, NATO, Nga và Trung Quốc. Các đối tác của Mỹ trên toàn thế giới đang tìm cách để mua hệ thống đánh chặn THAAD. UAE đã trở thành khách hàng nước ngoài đầu tiên sau khi ký một thỏa thuận trị giá 3,4 tỷ USD với Bộ Quốc phòng Mỹ.

Sơ đồ minh họa quá trình phát hiện, theo dõi và đánh chặn tên lửa đạn đạo của hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD. Ảnh: Zing News

Saudi Arabia và Qatar đã bày tỏ sự quan tâm đến việc mua hệ thống THAAD. Richard McDaniel, Phó chủ tịch chương trình Patriot Advanced Capability thuộc tập đoàn Lockheed Martin cho biết “Chúng tôi tin sẽ đạt được thỏa thuận”.

Thiết kế của THAAD

Tên lửa từ hệ thống THAAD bắn ra sẽ không mang theo đầu đạn nhưng dựa vào động lực học để phá hủy tên lửa đối phương. Năng lượng động lực như vậy giúp hạn chế khả năng phát nổ đầu đạn tên lửa đạn đạo thông thường.

Đầu đạn hạt nhân không phát nổ khi va chạm với tên lửa từ hệ thống THAAD nhưng đầu đạn chứa hóa chất hoặc vũ khí sinh học có thể khiến môi trường bị hủy hoại nghiêm trọng.

Hệ thống THAAD được thiết kế để bắn tên lửa Scud và những khí tài cùng loại. Scud là lớp các tên lửa đạn đạo chiến thuật được Xô Viết triển khai trong thời kỳ Chiến tranh lạnh và xuất khẩu rộng rãi tới nhiều nước khác trên thế giới. Tầm bắn tên lửa Scud từ 1.300 đến 1.500km.

Mỗi khẩu đội THAAD gồm 4 xe phóng mang tên lửa (8 ống phóng/xe), radar tìm kiếm mục tiêu và điều khiển hỏa lực AN/TPY-2; 1 xe trung tâm điều khiển di động;  2 trung tâm hoạt động chiến thuật TOC.

Đặc biệt, AN/TPY-2 là một radar mạng pha hoạt động ở băng tần X, có khả năng phát hiện các mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo tầm ngắn, tầm trung ở cự ly 1.000 km. Tên lửa có khả năng đánh chặn mục tiêu ở cự ly từ 150-200 km, tầm cao 25 km.

Thái Hà (T/h)
Theo Đời sống Plus