Thứ sáu, 19/04/2024 | 06:52
RSS

Hãy quên đi nỗi buồn vì thất bại của U22 Việt Nam, đây là lý do!

Thứ sáu, 25/08/2017, 15:11 (GMT+7)

Chúng ta buồn vì người Thái và lý do để chúng ta quên đi nỗi buồn cũng nhờ người Thái!

Những cuộc đối đầu giữa bóng đá Việt Nam và bóng đá Thái Lan luôn đầy kịch tính và ngập tràn cảm xúc. Chiều qua, một lần nữa, bóng đá Việt Nam và Thái Lan lại có những cuộc đối đầu mang tính quyết định. Chỉ có điều, cảm xúc đã không trọn vẹn cho bất cứ bên nào... !!!

Dù đã từng gặp nhau nhiều lần, trở thành kỳ phùng địch thủ của nhau ở cả đội tuyển nam và nữ trong suốt những năm gần đây, nhưng hiếm khi nào, "số phận" của cả 2 đội tuyển lại cùng được quyết định trước Thái Lan trong một buổi chiều như vậy.

Trong khi, đội tuyển bóng đá nam U22 có trận cầu để quyết định tấm vé đi tiếp vào bán kết của môn bóng đá nam Seagames, thì với các cầu thủ nữ, là trận đấu gặp đội chủ nhà Malaysia để tranh chấp trực tiếp tấm huy chương vàng.

Nỗi buồn của U22 Việt Nam. Ảnh: Lao Động

Nỗi buồn của U22 Việt Nam Ảnh: Lao Động

Chỉ có thắng đậm Malaysia với tỉ số từ 5-0 trở lên, chúng ta mới giành được tấm huy chương vàng Seagames 29 mà tạm thời ưu thế đang thuộc về người Thái.

So về mức quan trọng của trận đấu và điều kiện khách quan, các cầu thủ nam của ta "nhẹ chân" hơn các cầu thủ nữ. Vì đội tuyển nam bước vào trận với ưu thế là đội đang dẫn đầu, cửa vào bán kết rộng mở nhất so với các đối thủ.

Nhiệm vụ của họ cũng đơn giản hơn, bởi chỉ cần một trận hòa là họ đã ung dung bước tiếp. Trong khi, trọng trách "giành vàng" của các cầu thủ nữ cũng nặng nề hơn, bởi không chỉ là mệnh lệnh "phải thắng", mà còn đòi hỏi phải thắng rất đậm, tới 5 bàn cách biệt trở lên.

Đội tuyển nữ Việt Nam vui mừng sau khi thắng Malaysia 6-0. Ảnh: VNE

Ấy vậy nhưng, trong cuộc sống và cả trong bóng đá, khi người ta đặt niềm tin quá lớn vào một điều tưởng như gần gũi, nó lại bỗng trở nên xa vời. Còn, khi người ta hững hờ, dửng dưng chẳng mấy quan tâm để ý, thì cuối cùng lại phải bấu víu vào đó để tìm kiếm niềm vui!?!

Trở lại những diễn biến chính của 2 trận cầu "không tưởng" đầy cảm xúc và nhuốm màu "bi kịch" chiều qua. Có lẽ, chưa bao giờ, người ta đặt nhiều kỳ vọng vào đội tuyển bóng đá nam Việt Nam như giai đoạn này.

Những cái tên như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Thanh... được coi là thế hệ cầu thủ "vàng", được đào tạo bài bản, chính quy, hiện đại nhất từ trước tới nay.

Ở lứa tuổi U22, dường như, tất cả các "anh tài" của bóng đã trong nước đều đã hội tụ đầy đủ. Đây cũng chính là lứa cầu thủ đã "vang danh" ở các giải đấu trẻ U16, U19, U20, từng chơi những trận khiến các đội bóng hàng đầu châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản hay Úc... phải nhiều phần vì nể. Họ là một tập thể tài năng và gắn bó với nhau từ lâu, cả ở cấp độ đội tuyển lẫn câu lạc bộ.

Về "nhân" thì như vậy. Xét về "thời", chúng ta cũng có nhiều ưu thế nổi bật. Sau 3 trận đầu toàn thắng, với hiệu số 12-1, tiếp đến là trận hòa đầy tiếc nuối trước Indonesia, đội tuyển Việt Nam trở thành đội có nhiều cơ hội nhất để giành chiếc vé vào bán kết.

Trận gặp Thái Lan, họ chỉ cần hòa, trong khi, đối phương buộc phải thắng mới tự định đoạt được số phận. Xét về tâm lý, chắc chắn các cầu thủ Thái Lan bị áp lực nặng nề hơn chúng ta. Nhưng, không hiểu sao, khi có cả đầy đủ "thiên thời, địa lợi, nhân hòa", thì đội tuyển được coi là ứng cử viên sáng giá nhất cho tấm huy chương vàng lại có một trận đấu dưới sức, nặng nề, quýnh quáng đến không ngờ.

Xem các em thi đấu, người ta hình dung ra cảnh các "con cua" đang gặp những chú "ếch". Như thể, mới "nghe tên, nhìn mặt" đã hoảng rồi. Tại sao lại như vậy?

Thất bại của U22 Việt Nam được cho là xuất phát từ các sai lầm cá nhân. Ảnh: NLĐ

Thất bại của U22 Việt Nam được cho là xuất phát từ các sai lầm cá nhân. Ảnh: NLĐ

Không bàn nhiều về chiến thuật, bởi, việc nhường toàn bộ thế trận cho đội tấn công biến hóa như Thái Lan đã là một sai lầm lớn rồi. Song, điều quan trọng nhất, đó là các cầu thủ đã không có được một tâm lý thi đấu thoải mái, tự tin vốn có…

Chúng ta đã thua đúng vào lúc người hâm mộ đang kỳ vọng nhiều nhất, đó quả là một sự chua chát không dễ gì chấp nhận. Lâu lắm ta mới lại dừng chân ở vòng bảng, không lọt vào được vòng bán kết, dù đang là ứng cử viên của chiếc huy chương vàng. Còn gì ê chề hơn?

Khi người hâm mộ đang ngậm ngùi ngồi nếm trái đắng mà các cầu thủ nam mang lại, cũng là lúc, các cầu thủ nữ lặng lẽ bước vào trận đấu quyết định với đội chủ nhà.

Truyền thông mải mê dành sự tung hô, quan tâm cho các cầu thủ nam, mà dường như hờ hững, dửng dưng với chị em mặc quần đùi áo số. Chẳng mặc cảm, các cầu thủ nữ vẫn hừng hực vào sân, mang trên mình quyết tâm cao nhất.

Họ thi đấu mạch lạc, lăn xả, thăng hoa trong từng pha bóng. Những bàn thắng cứ liên tục đến.

Và ngay khi đã đạt được mục tiêu là 5 bàn cách biệt, họ vẫn hừng hực khí thế lao lên phía trước, với mong muốn cống hiến nhiều bàn thắng và pha bóng đẹp nhất cho người hâm mộ.

Đội tuyển nữ Việt Nam xuất sắc giành HCV bóng đá nữ SEA Games 29. Ảnh: Thanh Niên

Tấm huy chương chính là liều thuốc giảm đau, xoa dịu đi vết thương lòng đối với thất bại của các cầu thủ nam.

Và, không phải là lần đầu tiên, người hâm mộ của chúng ta phải cậy nhờ vào liều thuốc "giảm đau" như thế. Tủi hờn ở chỗ, huy chương nào mà chẳng giống nhau, cả nam hay nữ cũng đều là màu vàng. Tại sao lại có sự khác nhau đến vậy?

Không nên quay mặt với đội tuyển bóng đá nam sau thất bại vừa qua, bởi, họ cũng không phải là những người gây nên tội. Song, đây cũng là lúc để những người có trách nhiệm và cả khán giả hâm mộ của chúng ta cần nhìn lại, để đánh giá đúng cống hiến và san sẻ sự tin yêu cho công bằng.

Đừng chỉ quen vinh quang thì hân hoan đón nhận, còn những gì đáp lại thì hời hợt, chẳng được là bao!?!

Bóng đá nữ Việt Nam vs Malaysia 6 - 0. Nguồn: Thể Thao Channel

Chiến Văn
Theo Đời sống Plus/GĐVN