Thứ sáu, 29/03/2024 | 03:24
RSS

Hàng xóm viết đơn xin miễn tội chết cho tử tù Đặng Văn Hiến

Chủ nhật, 15/07/2018, 15:10 (GMT+7)

Sau khi tử tù Đặng Văn Hiến bị tòa phúc thẩm tuyên án tử hình, nhiều hàng xóm đã ký đơn gửi các cấp xin miễn tội chết cho tử tù.

Hàng xóm viết đơn xin miễn tội chết cho tử tù Đặng Văn Hiến
Người thân tử tù Đặng Văn Hiến bật khóc sau khi nghe tòa tuyên án.. Ảnh Trí thức trẻ. 

Sáng 15/7, nhiều người dân sinh sống tại tiểu khu 1535, thuộc xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông đã ký đơn xin cứu xét gửi Chủ tịch nước và nhiều cơ quan Trung ương xin giảm án tử hình đối với tử tù Đặng Văn Hiến (47 tuổi, ngụ tiểu khu 1535). 

Bị cáo Hiến vừa bị tuyên án tử hình về tội Giết người do trực tiếp nổ súng, bắn vào đoàn người của Công ty Long Sơn khiến 3 người chết, 13 bị thương. Trước đó, chiều 13/7, bị cáo Hiến đã có đơn gửi Chủ tịch nước xin ân xá, theo Trí thức trẻ.

Theo đơn trình bày, ngày 12/7, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã mở phiên tòa phúc thẩm để xét đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của Đặng Văn Hiến. Tuy nhiên, HĐXX đã tuyên y án tử hình đối với bị cáo. Do đó, bị cáo đã viết đơn cầu cứu lên Chủ tịch nước và Chánh án TAND Tối cao, VKSND Tối cao mong được cứu xét giảm án.

Theo bị cáo Hiến, từ năm 2008 đến 2016, Công ty Long Sơn đã tổ chức nhiều đợt phá rẫy, nhà của người dân gây thiệt hại hàng trăm ha cây trồng.

Ngày 23/10/2016, Nghiêm Xuân Thiên Sửu (Phó giám đốc Công ty Long Sơn) và Phan Công Thiện (Quản lý công ty) đã tổ chức lực lượng khoảng 30 người mang theo hung khí, áo giáp cùng các phương tiện cơ giới vào phá tài sản của gia đình bị cáo.

Trước hành động trái pháp luật của Công ty Long Sơn và nguy cơ cả gia đình phải ra đường sống, bị cáo đã bức xúc dùng súng thể thao chống lại. Vụ việc gây hậu làm 3 người chết, 13 bị thương.

"Vì hành vi này, tôi bị hai cấp tòa tuyên phạt mức án tử hình vì cho rằng có tính chất côn đồ, không có khả năng cải tạo, giáo dục Giờ nghĩ lại, tôi thấy hành động của mình là vi phạm nghiêm trọng pháp luật, đã gây ra sự đau thương cho gia đình các bị hại. Tuy nhiên, trong vụ án này hành vi phạm tội của tôi cũng xuất phát từ lỗi của Công ty Long Sơn", bị cáo Hiến viết.

Trước đó, TAND cấp cao tại TP.HCM đã xét xử phúc thẩm vụ nổ súng vào rạng sáng 23/10/2016 khiến 3 người chết, 13 người bị thương tại tiểu khu 1535 xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông.  Hội đồng xét xử tuyên sửa một phần bản án nhưng vẫn giữ nguyên án tử hình đối với ông Đăng Văn Hiến, Tuổi trẻ đưa tin.

Tại tòa, các ông Đặng Văn Hiến (42 tuổi, bị cấp sơ thẩm tuyên án tử hình), Ninh Viết Bình (cấp sơ thẩm phạt 20 năm tù), Hà Văn Trường (cấp sơ thẩm phạt 12 năm tù giam) cùng về tội giết người và Đoàn Văn Diện (bị 9 tháng tù giam) về tội che giấu tội phạm đều có đơn xin giảm hình phạt. Nhóm bị cáo này cho rằng mình là những nông dân chân chất, bị dồn ép đến bước đường cùng mà phạm tội.

Trong vụ này, bị cáo Nghiêm Thiên Xuân Sửu (nguyên phó giám đốc Công ty Long Sơn, bị cấp sơ thẩm tuyên phạt 6 năm tù giam) và Phạm Công Thiện (quản lý, bị tuyên 4 năm tù giam cùng về tội phạm tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản người khác) cũng xin giảm án.

Tại phiên tòa, các bị cáo Hiến, Bình và Trường đều thừa nhận mình có tội, tuy nhiên hành vi tội ác của các bị cáo là do sự dồn nén, ép đến đường cùng mà các bị hại là công nhân Công ty Long Sơn gây ra. 

Hàng xóm viết đơn xin miễn tội chết cho tử tù Đặng Văn Hiến
Tử tù Đặng Văn Hiến. Ảnh TTO

Bị cáo Đặng Văn Hiến cho rằng Công ty Long Sơn nổi tiếng về việc "san ủi đất, không bồi thường" nên người dân địa phương rất bức xúc.

Mờ sáng 23/10/2016, hàng chục người của Công ty Long Sơn tấn công vào gia đình ông Hiến và các bị cáo khác, dù ông đã bắn chỉ thiên, chạy vào nhà các công nhân vẫn ném đá, đe dọa khiến ông hoảng loạn mà phạm tội. Các luật sư cũng cho rằng Hiến, Bình phạm tội trong lúc tình thần bị kích động mạnh.

"Mới mờ sáng, hàng chục người tấn công nhà ở của ông Hiến nên ông phải tự vệ. Dù đã bắn chỉ thiên nhưng các công nhân vẫn tấn công nên hậu quả mới nặng nề như vậy. 

Chúng tôi đồng ý các bị cáo phạm tội có khung hình phạt là làm chết nhiều người, tuy nhiên đề nghị HĐXX không áp dụng khung hình phạt "có tính chất côn đồ" với bị cáo Hiến. Việc áp dụng khung hình phạt này khiến mức án của ông Hiến là hết sức nặng nề" - luật sư Nguyễn Văn Quynh, bào chữa cho các bị cáo Hiến, Bình và Trường, phân tích. 

Cũng theo luật sư Quynh, mâu thuẫn của Công ty Long Sơn với người dân tại tiểu khu 1535, xã Quảng Trực đã kéo dài 8 năm. Công ty ủi đất, không bồi thường, người dân gửi đơn không được giải quyết nên bức xúc tích tụ. 

"Nên nhớ Công ty Long Sơn được UBND tỉnh Đắk Nông giao hơn 1.000ha đất là giao có điều kiện, tức khi thu hồi đất phải thỏa thuận với dân. Thế nhưng chỉ vài trường hợp được công ty này thỏa thuận, còn phần lớn là tự ý cưỡng chế, còn thuê cả xã hội đen đe dọa người dân" - luật sư Quynh thông tin.
Tuy nhiên, nhận định của các luật sư chỉ được HĐXX xem xét một phần và quyết định cho sửa án sơ thẩm. Theo đó, HĐXX vẫn cho rằng ông Hiến phạm tội giết nhiều người, có tính chất côn đồ nên vẫn y án sơ thẩm, tử hình. HĐXX nhắc đi nhắc lại, ông Hiến có 7 ngày để viết đơn gửi chủ tịch nước xin ân xá, giảm án tử hình.

Các bị cáo khác trong vụ án này đều được giảm án, cụ thể: Ninh Viết Bình giảm 2 năm (còn 18 năm tù), Hà Văn Trường giảm 3 năm (còn 9 năm tù), Nghiêm Thiên Xuân Sửu giảm 2 năm (còn 4 năm tù), Phạm Công Thiện từ 4 xuống 2 năm tù giam. Riêng Đoàn Văn Diện bị tuyên 9 tháng tù nhưng cho hưởng án treo (trước đó là 9 tháng tù giam). Sau phiên tòa, hàng trăm người dân la ó, phản đối bản án đối với ông Hiến. 


Xem thêm: 
Xét xử 2 tử tù trốn trại: Thọ 'sứt' liên tục xin HĐXX giảm án cho người tình​

Hạo Nhiên (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN