Thứ năm, 25/04/2024 | 13:26
RSS

Hà Nội: Thêm một bé trai 7 tuổi bị sùi mào gà

Thứ năm, 07/09/2017, 15:41 (GMT+7)

Bé trai 7 tuổi được gia đình đưa đến phòng khám 70 phố Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội). Bác sĩ khám đã phát hiện bé bị sùi mào gà.

sùi mào gà ở trẻ

Trẻ trai từ khi còn bé phải được chú ý vệ sinh, nếu bị dính bao quy đầu thì chỉ được đi nong tách ở những cơ sở y tế đảm bảo. Ảnh minh họa

Ngày 7/9, BSCK II Phạm Thị Thanh Mai (Nguyên Trưởng khoa Sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương) cho biết, mới đây, tại phòng khám 70 Nguyễn Chí Thanh, khi ngồi phòng khám nhi bà cũng tiếp nhận một trường hợp bé trai 7 tuổi đi khám vì bị “đau chim”. Khi vạch ra khám thì bà phát hiện bé bị sùi mào gà.

Gia đình bé trai cho biết trước đó bé có nong bao quy đầu ở... Bệnh viện Nhi Trung ương. Nhưng khi BS Mai hỏi "Có giấy tờ chứng minh bé đi nong bao quy đầu ở Bệnh viện Nhi Trung ương không?" thì gia đình bé lại không có. Vì vậy, thông tin nơi nong bao quy đầu mà gia đình cháu bé nói là không có cơ sở.

BS Mai đã cho bé dùng thuốc bôi để điều trị sùi mào gà. Bệnh nhân ra về, không thấy quay lại tái khám nên bác sĩ cũng không biết tình trạng cháu bé sau đó thế nào.

Trước đó, thông tin từ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội bệnh viện cũng vừa tiếp nhận một trường hợp bé 2 tuổi bị sùi mào gà sau nong tách bao quy đầu. Trước đó em bé đi nong bao quy đầu ở một phòng khám tư (chưa rõ ở đâu), sau đó một thời gian thì xuất hiện nụ sùi ở đầu dương vật và miệng lỗ tiểu. Bé lại được đưa đi khám, và lần này thì các bác sĩ phát hiện bé bị sùi mào gà.

BS Phạm Thị Thanh Mai cho biết, hiện tượng trẻ trai được đưa đi nong, tách bao quy đầu, sau đó mắc sùi mào gà là điều đáng lo ngại. Để tránh dính hay viêm bao quy đầu để đến nỗi phải đi nong - tách, ngay từ khi trẻ còn bé, hàng ngày bố mẹ phải chú ý rửa đầu chim cho con.

Nên rửa khi đang tắm cho con ở chậu nước, nhẹ nhàng dùng tay vén đầu lỗ sáo. Cứ mỗi ngày rửa như vậy thì lớn lên trẻ ít khả năng bị hẹp bao quy đầu.

BS Mai cho rằng: Trẻ em hiện nay đóng bỉm nhiều, trong khi đó bố mẹ lại không chú ý vệ sinh cho con, điều này dễ khiến trẻ bị đọng các cặn nước tiểu ở đầu chim, gây viêm nhiễm, hẹp, dính bao quy đầu.

“Để trẻ dính bao quy đầu rồi lại đưa đi nong ở các phòng khám không đảm bảo vệ sinh, trẻ sẽ dễ nhiễm các virus như HPV và bị sùi mào gà. Lúc ấy, việc điều trị sẽ vô cùng khó khăn, tốn kém và có thể ảnh hưởng đến tương lai của trẻ” - BS Mai cho biết.

Lấy sạch gỉ mũi cho trẻ sơ sinh chỉ bằng một chiếc khăn giấy. Nguồn: Mẹo vặt sức khỏe

Diệp Lâm
Theo Đời sống Plus/GĐVN