Thứ ba, 23/04/2024 | 20:40
RSS

Giải mã hiện tượng hào quang mặt trời ở Huế đúng ngày Phật đản

Thứ ba, 09/05/2017, 15:20 (GMT+7)

Quầng mặt trời xuất hiện ở Huế trong suốt 2 giờ đồng hồ đúng vào ngày lễ Phật đản. Trước đó hiện tượng hào quang mặt trời cũng xảy ra ở Nghệ An.

Sáng nay 9/5, tại Huế đã xuất hiện một hiện tượng thiên nhiên kỳ thú là quầng mặt trời khiến người dân xôn xao. Cụ thể, quan sát bằng mắt thường từ mặt đất, người dân cố đô dễ dàng nhận thấy một vòng tròn lớn như vầng hào quang xung quanh mặt trời trên bầu trời trong xanh.

Quầng mặt trời ở Huế 1

Quầng mặt trời xuất hiện trên bầu trời Huế sáng 9/5. Ảnh Thanh Niên

Đây là hiện tượng thiên nhiên mà dân gian thường gọi là quầng mặt trời. Đáng chú ý, do hiện tượng hào quang mặt trời ở Huế xuất hiện đúng vào ngày Phật đản (14/4 năm Đinh Dậu) nên nhiều Phật tử tin rằng đó là “hào quang của Đức Phật chiếu xuống trần thế, mang lại phước lành cho chúng sinh”.

Theo người dân, hiện tượng hào quang mặt trời ở Huế xuất hiện trong suốt 2 giờ đồng hồng, bắt đầu từ gần 10h ngày 9/5. Hiện tượng mặt trời có quầng với đường viền lấp lánh ánh sáng, nhiều màu sắc đậm nhạt khác nhau khiến mọi người vô cùng thích thú.

Đến gần 12h trưa, vầng hào quang quanh mặt trời vẫn hiện diện trên bầu trời. Nhiều người tranh thủ quay phim, chụp ảnh lại quầng mặt trời ở Huế và đăng lên mạng xã hội kèm lời nguyện cầu mọi điều an lành đến với gia đình và bạn bè.

Quầng mặt trời ở Huế 3

Hiện tượng hào quang mặt trời ở Huế xảy ra đúng ngày Phật đản. Ảnh FB

Tuy nhiên, dưới góc nhìn của các nhà khoa học thì hào quang mặt trời chỉ là một hiện tượng thiên văn vật lý bình thường dù khá hiếm xảy ra. PGS.TS Lê Văn Tuất, Trưởng bộ môn Quang học – quang phổ khoa Vật lý (Đại học Khoa học Huế) xác nhận đây chỉ là hiện tượng tán sắc ánh sáng qua bầu khí quyền.

Thầy Lê Văn Tuất cho rằng, do hôm nay 9/5 thời tiết biến đổi, bầu khí quyển ở Huế có lượng hơi nước lớn, độ ẩm cao nên xuất hiện hiện tượng vầng hào quang quanh mặt trời như vậy. Hiện tượng này rất bình thường, không ảnh hưởng gì đến sức khỏe con người song do xảy ra đúng ngày Phật đản nên dễ gây hiểu lầm.

Trong khi đó, một chuyên gia về khí tượng thủy văn cho biết hiện tượng mặt trời có quầng ở Huế là do hiện tượng khúc xạ ánh sáng tạo ra. Chuyên gia này cũng nhấn mạnh, quầng mặt trời cũng tương tự như hiện tượng cầu vồng sau mưa chứ không có gì đặc biệt.

Quầng mặt trời ở Huế 4

Nhiều người thích thú ghi lại hiện tượng mặt trời có quầng. Ảnh Dân Trí

Hiện tượng mặt trời có quầng xảy ra khi ánh sáng chiếu qua các tinh thể băng trong không khí, dẫn tới ánh sáng bị khúc xạ và tạo thành vòng tròn lớn nhiều màu sắc hoặc có màu trắng. Tinh thể băng thường lơ lửng trong các đám mây trên cao, ở tầng đối lưu.

Khi thời tiết lạnh hơn, các tinh thể này trôi nổi gần mặt đất hơn và đóng vai trò như lăng kính khúc xạ ánh sáng. Vầng hào quang quanh mặt trời có rất nhiều màu, đôi khi có màu bạc hoặc óng ánh như cầu vồng.

Quầng mặt trời thường xảy ra ở khu vực châu Âu và ít xuất hiện ở Việt Nam do nước ta thuộc vùng khí hậu nhiệt đới. Trước vầng hào quang mặt trời ở Huế, tại một số địa phương khác cũng xuất hiện quầng mặt trời như Nghệ An, Gia Lai, Điện Biên, Phú Thọ, Quảng Nam, Đà Nẵng,…

Clip hiện tượng quầng mặt trời ở Huế đúng ngày Phật đản

Tri Thu (T/h)
Theo Đời sống Plus