Thứ tư, 24/04/2024 | 04:31
RSS

Giá tiêu hôm nay 1/9: Dư cung, giá hồ tiêu vẫn chìm nghỉm dưới đáy

Thứ bảy, 01/09/2018, 06:49 (GMT+7)

Giá tiêu hôm nay 1/9 vẫn vô cùng ảm đạm. Kể từ năm 2017 đến nay ngành hồ tiêu Việt Nam liên tục phải đối mặt với tình trạng giá giảm chóng mặt do áp lực nguồn cung lớn.

Giá tiêu hôm nay 1/9: Dư cung, thị trường hồ tiêu bất động trên 'chảo lửa'
Giá tiêu hôm nay 1/9

Giá tiêu hôm nay 1/9 giá tiêu tại các tỉnh trung bình chỉ còn 48.000 đồng, giá tiêu tại Đồng Nai còn 47.000 đồng/kg và Bà Rịa Vũng Tàu báo giá tiêu xuống 49.000 đồng. Gia Lai duy trì ở mức 47.500 đồng/kg.

Hiện, giá tiêu nguyên liệu đang được thu mua với mức thấp, 48.000 - 50.000 đồng/kg. Theo báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), trong tháng 6/2018, xuất khẩu (XK) hạt tiêu ước đạt 22.000 tấn, giá trị đạt 71 triệu USD.

Lũy kế XK hạt tiêu 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 132.000 tấn và 453 triệu USD, tăng 5,1% về lượng nhưng giảm tới 36,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017 (lượng XK hạt tiêu của VN trong năm 2017 đạt 214.900 tấn, tăng 20,8% so với năm 2016, kim ngạch đạt 1,12 tỷ USD, giảm 21,7% so với năm 2016).

Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho biết, giá XK hồ tiêu bình quân sang tất cả các thị trường đều giảm mạnh. Theo đó, giá XK bình quân 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 3.438 USD/tấn, giảm tới 61% so với cùng kỳ năm 2017. Tại thị trường trong nước, giá hạt tiêu cũng giảm cùng chiều với xu hướng giá xuất khẩu.

Theo bà Nguyễn Mai Oanh, Tổng Thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, tổng nhu cầu hồ tiêu trên thế giới vào khoảng 350.000 tấn/năm, trong đó, nguồn cung từ Việt Nam là 200.000 tấn/năm, chiếm khoảng 62% tổng sản lượng hồ tiêu toàn cầu.

Hiện nay, có tới 95% sản lượng sản xuất tiêu của Việt Nam được dùng để xuất khẩu. Việt Nam là quốc gia sản xuất và xuất khẩu hạt tiêu hàng đầu thế giới cả về quy mô lẫn sản lượng.

Tuy nhiên, hiện nay, nguồn cung trong nước đang vượt cầu dẫn tới giá hồ tiêu của Việt Nam rơi vào trạng thái bị động. Diện tích trồng tiêu tự phát đã vượt quá hạn quy hoạch mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề ra.

Hiện nay, diện tích hồ tiêu cả nước gần 160.000 ha, vượt quy hoạch định hướng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tới năm 2030 đến 300%. Còn trên thế giới, các quốc gia như Brazil, Campuchia và Trung Quốc… cũng đang không ngừng gia tăng diện tích trồng hồ tiêu.

Hệ lụy của việc tăng diện tích trồng tiêu tự phát trong nước là làm dư cung, giảm giá sản phẩm. Bên cạnh đó, nhiều địa phương có thổ nhưỡng không phù hợp cũng trồng tiêu khiến giảm năng suất, thiệt hại cho nhà nông.

Trên thị trường xuất khẩu, hồ tiêu của Việt Nam phần lớn bán ở dạng thô, chưa đa dạng hóa sản phẩm, giá trị gia tăng thấp, chưa có thương hiệu, điều kiện bảo quản và chế biến sâu chưa được đầu tư nhiều. Đối với người trồng, thông tin về kỹ thuật sản xuất và thị trường đến còn hạn chế, hiện tượng thương lái thao túng thị trường vẫn xảy ra.

Như vậy, có thể thấy, phát triển nóng, sản xuất theo phong trào, bế tắc đầu ra cùng với các rào cản thương mại mà đối tác đặt ra đang khiến ngành hồ tiêu đối mặt với một năm đầy rủi ro, có nguy cơ mất mùa, mất luôn cả vị trí “thủ lĩnh” của ngành hồ tiêu thế giới.

Xem thêm: Giá tiêu hôm nay 23/7: Đầu tuần tiếp tục ảm đạm

Wing HNuel
Theo Đời sống Plus/GĐVN