Thứ bảy, 20/04/2024 | 09:18
RSS

Giá như có BHYT thì đâu phải bán nhà để chữa bệnh

Chủ nhật, 14/05/2017, 12:19 (GMT+7)

Tại Bệnh viện Bạch Mai, nhiều bệnh nhân phải cấp cứu cả tháng trời, tốn kém mấy trăm triệu đồng vì không có BHYT. Thậm chí có người bán cả nhà cửa cũng không đủ tiền thanh toán viện phí.

benh vien bach mai

Chị Bàn nằm điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai

Giá như có thẻ BHYT...

Chị Nguyễn Thị Bàn (50 tuổi, ở Hoài Đức, Hà Nội), hiện đang điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện Bạch Mai. Chị Bàn được xác định mắc hội chứng Guillain Barre - Một căn bệnh hiện nay không phải hiếm gặp ở Việt Nam có tên tiếng Việt là viêm đa rễ thần kinh.

Theo anh Nguyễn Quang Sức - chồng của chị Bàn: Sau trận cảm cúm ngày 29/4, chị bắt đầu xuất hiện chứng tê bì chân tay, yếu 2 chân, sau đó lan lên tay và rất nhanh chóng vợ anh không thể vận động, đi lại được, rồi khó thở.

Bệnh nhân đã được điều trị tại khoa Thần kinh từ ngày 1/5, sau đó chuyển lên khoa Khoa Hồi sức tích cực ngày 5/5. Các bác sĩ xác định bệnh nhân mắc hội chứng Guillain Barre gây liệt cơ hô hấp và có chỉ định điều trị hồi sức tích cực.

Guillain Barre là một rối loạn tương đối hiếm gặp (tỷ lệ 1/100.000 người) tuy nhiên ở Việt Nam những năm gần đây bệnh đã xuất hiện với tần suất lớn hơn. Triệu chứng đầu tiên thường là yếu và tê ở tứ chi. Những cảm giác này có thể nhanh chóng lây lan, cuối cùng làm tê liệt toàn bộ cơ thể và đặc biệt là cơ hô hấp khiến bệnh nhân suy hô hấp nhanh chóng nếu không được điều trị, hỗ trợ kịp thời.

Là gia đình thuần nông, thu nhập chủ yếu trông vào cây lúa, khi vợ nằm viện, anh Sức chưa biết trông cậy vào đâu. Anh chị em mỗi người một ít, hàng xóm cũng góp tay vào nhưng cũng chẳng thấm vào đâu với chi phí dự kiến bước đầu lên đến 300 triệu đồng.

Dù đang ở viện chăm vợ nhưng anh vẫn lo xoay sở tiền để chữa bệnh. Anh Sức đứng ngồi không yên khi tất cả những đồ vật có giá trị trong nhà anh đã mang bán hết để có tiền chữa bệnh cho vợ mà cũng chỉ như muối bỏ bể.

“Giá như cô ấy có bảo hiểm y tế thì gia đình em đâu đến nông nỗi này" - câu nói bỏ lửng của anh Sức cũng chính là trăn trở của các thầy thuốc trước nhiều bệnh nhân không có BHYT đang trong cơn nguy kịch tại khoa Hồi sức tích cực của Bệnh viện.

Là người trực tiếp điều trị và theo dõi cho bệnh nhân, bác sĩ Nguyễn Quỳnh Phương cho biết: từ ngày 5/5, bệnh nhân đã được thay huyết tương 6 lần để loại bỏ kháng thể trong máu gây tổn hại rễ thần kinh, đặt nội khí quản thở máy và hồi sức tích cực. Bệnh nhân cũng đã phấn khởi, tươi tỉnh lên rất nhiều, không còn bi quan như hôm mới vào. Chị làm các động tác nhấc cổ và đầu, xoay được chân tay hưởng ứng lời của bác sỹ Phương như để khoe với chúng tôi.

Tuy nhiên tối thiểu bệnh nhân cần thay huyết tương từ 6-10 lần nữa (tùy thuộc vào đáp ứng của bệnh nhân) với chi phí khoảng 15-20 triệu đồng/1 lần. Câu nói của bác sỹ như nhắc chị đến một món tiền lớn mà chị không biết chồng con đang xoay sở thế nào - nét mặt chị bỗng xịu hẳn xuống trông thật thương tâm.

Bác sĩ không thể khoanh tay đứng nhìn

GS.TS Nguyễn Gia Bình - Trưởng khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai cho biết,  khoa thường xuyên có hàng chục bệnh nhân thập tử nhất sinh nên phải tiến hành lọc máu, dùng kháng sinh đặc trị, thậm chí phải dùng đến cả kỹ thuật tim phổi nhân tạo (ECMO), trung bình mỗi ngày chi phí điều trị lên vài chục triệu đồng.

Bệnh nhân lại không có thẻ BHYT, còn bác sĩ không thể khoanh tay nhìn bệnh nhân chờ chết vì không có tiền. Lúc đó, bác sĩ lại dùng các mối quan hệ của mình và nhờ phòng công tác xã hội của Bệnh viện Bạch Mai kêu gọi hỗ trợ từ cộng đồng. Tuy nhiên, có những bệnh nhân chi phí điều trị quá lớn, nếu có thẻ BHYT thì người bệnh được nhờ, bác sĩ chuyên tâm cứu người bệnh.

GS.TS Nguyễn Gia Bình cho rằng, về nguyên tắc khi bệnh nhân còn cơ hội điều trị thì bệnh viện phải điều trị cho bệnh nhân. Tuy nhiên, nhiều lúc bệnh viện cũng như các tổ chức xã hội cũng không thể hỗ trợ được hết các trường hợp, vì vậy BHYT rất cần thiết.

Tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cũng tương tự. Có những bệnh nhân vào viện thập tử nhất sinh, chi phí điều trị tốn kém, gia đình xin về vì không có tiền, không có BHYT nhưng bác sĩ giữ lại rồi đi tìm các mối quan hệ để xin từ thiện cho người bệnh có cơ hội cứu sống.

Gần đây nhất là gia đình bà Hà Thị Cúc, ông Chu Văn Mai cùng con trai Chu Văn Vinh (30 tuổi) ở Chi Lăng, Lạng Sơn bị ngộ độc nấm, người con trai bị nặng quá gia đình xin về.

Còn ông bà Mai - Cúc sau gần 1 tháng tiếp tục điều trị với máy thở, kháng sinh, lọc máu và thay huyết tương... đã có khởi sắc. Cả hai vợ chồng đều không ai có bảo hiểm y tế nên gia đình và cả các thầy thuốc không chỉ lo chữa bệnh mà còn cả lo về kinh phí.

Nhờ sự quan tâm, nỗ lực về chuyên môn của tập thể các thầy thuốc của Trung tâm Chống độc, sự quan tâm chia sẻ của cộng đồng thông qua kết nối của Phòng Công tác xã hội Bệnh viện Bạch Mai và sự chung tay của chính quyền và người dân địa phương, của cộng đồng và các nhà hảo tâm từ Bắc đến Nam, tổng số tiền hỗ trợ cho gia đình lên đến 203.200.000đ (Hai trăm linh ba triệu hai trăm ngàn đồng).

Phương Thuý
Theo Infonet