Thứ năm, 28/03/2024 | 23:18
RSS

Gần 60% người Việt lười ăn rau làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày, ruột

Thứ tư, 21/11/2018, 10:32 (GMT+7)

Các nghiên cứu cho thấy 57% người Việt lười ăn rau. Và ăn ít rau là nguyên nhân của 19% số ung thư dạ dày, ruột, 31% các bệnh thiếu máu tim cục bộ...

Gần 60% người Việt lười ăn rau làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày, ruột
57% người trưởng thành tại Việt Nam ăn thiếu rau và trái cây so với khuyến nghị của WHO

Việt Nam đang phải đối mặt với gánh nặng các bệnh không lây nhiễm. Đáng lưu ý, hầu hết các bệnh này đều liên quan đến chế độ ăn uống thiếu lành mạnh. Thông tin được đưa ra tại hội thảo Chế độ ăn uống liên quan đến bệnh không lây nhiễm tại châu Á đang diễn ra tại Hà Nội.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết: “Ước tính, cứ trong 10 ca tử vong ở Việt Nam thì có gần 8 ca tử vong là do bệnh không lây nhiễm”.

Chi phí điều trị bệnh không lây nhiễm cao gấp 40-50 lần so với điều trị bệnh lây nhiễm do phải sử dụng nhiều thuốc đắt tiền, thời gian điều trị lâu, dễ biến chứng. 

Theo các nghiên cứu trên thế giới bệnh không lây nhiễm liên quan đến chế độ ăn uống như thừa cân, béo phì... Trong đó ăn ít rau và trái cây có liên quan đến 19% trường hợp ung thư dạ dày và ruột, 31% bệnh nhân thiếu máu tim cục bộ và 11% đột quỵ.

Chế độ ăn nhiều muối là một trong những nguyên nhân gây đột quỵ, tăng huyết áp, ung thư dạ dày, suy thận, loãng xương và một số bệnh tim mạch khác...

Tại Việt Nam, theo kết quả điều tra của Bộ Y tế vào năm 2015 về các yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm trong nhóm 18-69 tuổi, hơn 57% người trưởng thành ăn thiếu rau và trái cây so với khuyến nghị của WHO. 

Theo khuyến cáo của WHO, nếu một người ăn hơn 400 gam rau xanh và quả chín mỗi ngày có thể giúp giảm 2 lần nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, mỡ máu và tăng khả năng dự phòng với các bệnh không lây nhiễm khác.

Tuy nhiên, một nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng quốc gia năm 2017 đã chỉ ra, người Việt, đặc biệt là các bạn trẻ ăn rất ít rau: họ chỉ ăn khoảng 170 - 200gr/ngày - bằng 1/2 mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Trong khi đó, lượng thịt được tiêu thụ đôi khi lại gấp 2 - 3 lần lượng rau.

"Dinh dưỡng hợp lý và thực phẩm lành mạnh là ưu tiên hàng đầu trong dự phòng kiểm soát bệnh không lây nhiễm, nâng cao sức khỏe người dân" - Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh.

Dấu hiệu cơ thể không được cung cấp đủ rau xanh

Theo các chuyên gia dinh dưỡng của Phòng khám Chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM, khi cơ thể không ăn đủ rau xanh sẽ có những biểu hiện như: mệt mỏi, mụn trứng cá, nhanh đói, khó tiêu, táo bón, hay ốm vặt và có thể tăng cân dù ăn kiêng tinh bột và đường. 

Thường xuyên thấy mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt… là một biểu hiện cơ thể đang thiếu magie và kẽm từ các loại rau củ đậm màu như củ dền, rau dền, cà chua, rau chân vịt.

Mụn trứng cá xuất hiện ở trán, cằm cũng là dấu hiệu cảnh báo cơ thể đang thiếu chất xơ. Cơ thể thấy đói một hoặc hai giờ sau khi ăn hoặc cơ thể mệt mỏi, âm ỉ đau bụng, cũng là những biểu hiện không có đủ chất xơ trong bữa ăn. Nếu đủ rau quả cho bữa ăn, dạ dày no lâu, dễ tiêu hóa và đào thải độc tố.

Thiếu rau và các chất dinh dưỡng thiết yếu trong chế độ ăn uống sẽ làm cho cơ thể thiếu sức đề kháng cần thiết để chống lại virus và vi khuẩn, dễ mắc bệnh khi thời tiết thay đổi. Ăn nhiều rau xanh lá cây đậm giúp tăng cường hệ miễn dịch của bạn, bổ sung các chất chống oxy hóa và chất sắt cần thiết.


Xem thêm bệnh viện nhi ở Sài Gòn vỡ trận vì dịch chồng dịch

Ngọc Châu
Theo Đời sống Plus/GĐVN

CÙNG CHUYÊN MỤC