Thứ sáu, 29/03/2024 | 16:53
RSS

Ép khách nộp tiền đợt cuối dự án Golden Silk: Vinaconex 2 huy động vốn bất chấp pháp luật

Thứ năm, 23/03/2017, 13:00 (GMT+7)

Hệ thống phòng cháy chữa cháy chưa được chứng nhận an toàn, chưa được nghiệm thu, công trình ngổn ngang nhưng Vinaconex 2 đã bất chấp pháp luật, ép khách mua căn hộ dự án Golden Silk nộp tiền đợt cuối để nhận nhà

Bàn giao nhà giữa công trường

Tòa C chung cư Golden Silk được Công ty CP Xây dựng số 2 (Vinaconex 2) thuộc Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) là chủ đầu tư khởi công từ cuối tháng 7.2014. Công trình được xây dựng trên khu đất rộng 5.524m2, cao 36 tầng nổi, 2 tầng hầm, 1 tầng bán hầm với 722 căn hộ.

Theo phản ánh của hàng trăm người mua nhà dự án Golden Silk, giữa tháng 2 vừa qua, khi công trường còn ngổn ngang vật liệu xây dựng, nhiều hạng mục như tầng hầm, sảnh chính, thang máy, sân, cây xanh...còn bung bét chưa thi công, thậm chí, vận thang dùng để vận chuyển vật liệu xây dựng vẫn hoạt động tích cực, chưa được tháo thì Vinaconex 2 đã gửi thông báo yêu cầu khách hàng nộp tiền đợt cuối để nhận nhà.

Dù công trường ngổn ngang nhưng Vinaconex 2 vẫn ép khách nộp tiền trái quy định để nhận nhà 

“Đáng lo ngại nhất là hệ thống phòng cháy chữa cháy của công trình chưa được hoàn thiện, chưa diễn tập phòng cháy chữa cháy, chưa có chứng nhận an toàn. Đồng thời, công trình chưa được nghiệm thu đưa vào sử dụng nhưng Vinaconex 2 vẫn ép chúng tôi nhận nhà. Nhận bàn giao nhà khi chưa đủ điều kiện như vậy không thể ở được thì nhận làm gì? Chúng tôi không thể đưa gia đình mình vào sống giữa công trường đầy rủi ro tai nạn”, anh Trần Ngọc Phương, 40 tuổi, khách hàng mua căn hộ tại tầng 18 cho biết.

Theo nhóm khách hàng, một số người do bức bách về nhà ở đã đồng ý nộp tiền, nhận bàn giao căn hộ. Tuy nhiên, phần đông người mua nhà phản đối việc ép khách nhận nhà giữa công trường của Vinaconex 2.

“Chúng tôi sẽ chỉ nhận nhà khi Vinaconex 2 đưa ra được các giấy tờ như biên bản nghiệm thu và bàn giao công trình, giấy chứng nhận an toàn chịu lực, giấy chứng nhận phù hợp chất lượng công trình xây dựng; chứng nhận an toàn phòng cháy chữa cháy...đảm bảo an toàn cho cư dân”, anh Phạm Tuấn Tài, 35 tuổi, mua căn hộ ở tầng 9 nói.

Ngoài ra, không ít khách hàng cho biết, nhiều căn hộ vẫn ngổn ngang vật liệu xây dựng bên trong nhưng chủ đầu tư vẫn tổ chức bàn giao. Khi đến xem tận nơi, khách hàng ghi nhận tình trạng chất lượng công trình có vấn đề như gạch lát sàn không phẳng đều, cửa không khít, tường nhà bở...

Ép khách nộp tiền trái quy định

Chị Nguyễn Thị Thu, 30 tuổi, mua căn hộ tại tầng 15 tòa C dự án Golden Silk cho biết, Vinaconex 2 không chỉ bất chấp pháp luật ép khách nhận nhà giữa công trường mà còn yêu cầu nộp 100% giá trị hợp đồng. “Điều này trái với quy định của Luật Kinh doanh bất động sản

Theo quy định, chúng tôi chỉ phải nộp đến 95% giá trị hợp đồng. 5% còn lại sẽ nộp nốt khi Vinaconex 2 giao trả sổ đỏ. Nhiều khách hàng đã kiến nghị nhưng Vinaconex 2 vẫn nhất quyết không xem quy định pháp luật ra gì, cương quyết yêu cầu nộp 100% giá trị hợp đồng”, chị Thu nói.

Cũng theo chị Thu, việc Vinaconex bất chấp pháp luật, ép khách nộp tiền như vậy khiến nhiều người vay tiền ngân hàng mua nhà gặp khó khăn. Nguyên nhân, do theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản, ngân hàng sẽ chỉ giải ngân 5% còn lại khi chủ đầu tư trả sổ đỏ. Để có số tiền này nộp nhận nhà, nhiều người phải vay mượn, thậm chí vay lãi ngày để nộp. 

Bên cạnh đó, khách hàng còn “tố” chủ đầu tư tự tiện đề ra mức phí vệ sinh, chuyển đổ...vô lý lên đến cả triệu đồng/căn hộ khi nhận nhà.

Dù công trường ngổn ngang nhưng Vinaconex 2 vẫn ép khách nộp tiền trái quy định để nhận nhà 

Chủ đầu tư bất tuân Luật Kinh doanh bất động sản

Luật sư Bùi Quang Hưng, Trưởng Văn phòng luật BQH thuộc Đoàn luật sư Hà Nội cho biết, trường hợp công trình nhà chung cư như Golden Silk chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý như chứng nhận an toàn phòng cháy chữa cháy, chứng nhận chịu lực, nghiệm thu đưa vào sử dụng đã tổ chức bàn giao là trái quy định của pháp luật.

Nếu chủ đầu tư cố tình huy động vốn đợt cuối của khách hàng khi công trình chưa đủ điều kiện bàn giao là trái luật. Đây là điểm mấu chốt và khách hàng cần phải căn cứ để đấu tranh, không bị chủ đầu tư ép nộp tiền, nhận nhà trái quy định.

Cũng theo luật sư Hưng, để đảm bảo quyền lợi cũng như an toàn khi vào ở, khách hàng cần đề nghị chủ đầu tư đưa ra được hết các văn bản thủ tục cần thiết mới nhận nhà. Nếu không chứng minh được công trình đã đủ điều kiện bàn giao theo quy định pháp luật, khách hàng có quyền từ chối nhận nhà và tính tiền phạt lãi do công trình chậm tiến độ theo hợp đồng mua bán đã ký.

“Điều 57 của Luật Kinh doanh bất động sản đã quy định rõ, người mua nhà chỉ phải nộp 95% giá trị hợp đồng khi nhận nhà. 5% còn lại sẽ nộp nốt khi chủ đầu tư trả sổ đỏ. Nhưng nếu công trình chưa đủ điều kiện bàn giao thì không thể ép khách nộp tiền. Chủ đầu tư cố tình làm vậy là huy động vốn bất chấp pháp luật”, Luật sư Hưng nói.

Đồng quan điểm, GS Đặng Hùng Võ cho rằng, khi thị trường bất động sản ấm lên cũng kéo theo nhiều bất cập, trong đó tình trạng chủ đầu tư cố tình nhập nhằng công trình chưa đủ điều kiện để bàn giao nhà ngày càng phổ biến. Người mua nhà có thể từ chối không nhận và nhờ cơ quan chức năng can thiệp, thậm chí là khởi kiện.

Nếu tình trạng này kéo dài, sẽ khiến thị trường bất động sản mất niềm tin của những người mua nhà có nhu cầu ở thực. Chưa kể, tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi công trình không đủ điều kiện vẫn được đưa vào sử dụng.

Tình trạng bàn giao nhà khi chưa đủ điều kiện khá phổ biến tại Hà Nội thời gian gần đây thể hiện sự coi thường pháp luật của doanh nghiệp và buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng rõ nét.

PV
Theo Đời sống Plus