Thứ sáu, 29/03/2024 | 18:42
RSS

Đường đi dạo Hồ Đắc Di bị “xẻ thịt” làm nơi kinh doanh, trông giữ xe

Thứ bảy, 25/02/2017, 07:45 (GMT+7)

Được thiết kế để phục vụ cho nhu cầu đi bộ của người dân, thế nhưng nhiều năm nay, khu vực đường đi dạo Hồ Đắc Di (phường Nam Đồng, quận Đống Đa, Hà Nội) liên tục bị “xẻ thịt” để làm nơi kinh doanh, dừng đỗ xe.

Được biết, trước đây, UBND phường Nam Đồng đã thiết kế khu vực này là tuyến đường đi dạo để phục vụ cho nhu cầu đi bộ của người dân.

Tuyến đường này đã được lát đá vỉa hè và xây dựng hành lang cấm xe máy lưu thông nhưng vài năm nay, nơi đây bỗng được biến thành nơi kinh doanh hàng quán của một số hộ dân.

kinh doanh trái phép trên vỉa hè 1

Nhiều quán cà phê mọc lên chắn hết lối đi của người đi bộ. Nhìn hình ảnh này không còn ai nhận ra đây là đường đi dạo quanh hồ Nam Đồng. Ảnh: Nguyễn Dương.

Theo ghi nhận của PV Đời sống Plus, đoạn đường đi bộ có chiều dài chỉ vài trăm mét nhưng có đến hơn chục quán cà phê mọc lên. Đặc biệt, vào giờ nghỉ trưa, hàng trăm khách hàng ăn uống, cà phê, xả rác bừa bãi ra lối đi chung.

Tất cả các quán cà phê ở khu vực này đều bày bàn ghế ra hết vỉa hè. Thậm chí, khu vực ven bờ hồ còn được trải thảm cỏ nhân tạo, phủ cây cối kín mít để phục vụ cho nhu cầu kinh doanh.

Do đường đi bị chiếm dụng nên hầu hết người dân có nhu cầu đi lại đều phải luồn lách qua những dãy ghế xếp tràn ra đường của các hàng quán dẫn đến việc đi lại gặp rất nhiều khó khăn.

Không dừng ở đó, nhân viên của các quán còn tràn xuống lòng đường đứng mời chào, chèo kéo khách gây cản trở cho việc tham gia giao thông

kinh doanh trái phép trên vỉa hè 1

Việc xây dựng hành lang cấm xe máy vô tình trở thành cơ hội tốt cho các quán cà phê đua nhau lấn chiếm vỉa hè. Vào những giờ cao điểm, người đi bộ phải luồn lách vất vả để đi qua các hàng quán kinh doanh. Ảnh: Nguyễn Dương.

Khi có người cầm điện thoại lên định chụp ảnh thì nhân viên của các hàng quán này đi tới, tra hỏi khách xem định chụp gì. Thậm chí, nhiều nhân viên còn đòi kiểm tra hình ảnh khách vừa chụp.

Bà V.T.H. một người dân sống ở khu vực này bức xúc: “Mặc dù đây là tuyến đường phục vụ cho việc đi dạo của người dân nhưng hàng quán mọc ra la liệt, trông giữ xe chiếm hết đường đi. Phải chăng tuyến đường này được xây dựng để phục vụ việc kinh doanh của một số hộ kinh doanh?”.

Cùng chung ý kiến với bà H., ông T. cho biết: “Đây là hồ điều hòa cho cả khu dân của phường. Trước đây, cứ đến buổi chiều là người già, trẻ nhỏ, nô nức đi bộ, tập thể dục quanh hồ. Nhưng giờ hàng quán chiếm dụng nhiều khi chúng tôi muốn đi dạo quanh hồ cho giãn xương cốt nhưng đường bị các quán lấn chiếm hết rồi. Ngồi nghỉ một lúc thì nhân viên quán mặt hầm hầm ra xua đuổi”.

kinh doanh trái phép trên vỉa hè 3

Khu vực ven hồ được chủ quán trải thảm cỏ nhân tạo để kinh doanh. Ảnh: Nguyễn Dương.

Mặc dù sở UBND phường và Công an phường Nam Đồng đều tọa lạc ngay trong khu phố này nhưng các hoạt động buôn bán, lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh, trông giữ xe vẫn diễn ở đây.

Dưới đây là một số hình ảnh PV Đời sống Plus ghi nhận được.

kinh doanh trái phép trên vỉa hè 4

Xe máy để tràn lan, lối đi cho người dân bị thu hẹp rất nhiều. Ảnh: Nguyễn Dương.

kinh doanh trái phép trên vỉa hè 5

Toàn bộ diện tích vỉa hè đều được biến thành nơi trông giữ xe, người đi bộ buộc phải đi dưới... lòng đường. Ảnh: Nguyễn Dương.

kinh doanh trái phép trên vỉa hè 6

Những hàng quán cóc mọc lên ngay ở vỉa hè gây mất Mỹ quan đô thị. Ảnh: Nguyễn Dương.

kinh doanh trái phép trên vỉa hè 7

Xe cộ la liệt vỉa hè. Ảnh: Nguyễn Dương.

kinh doanh trái phép trên vỉa hè 8

kinh doanh trái phép trên vỉa hè 9

Không chỉ chắn hết lối đi bộ, xe máy còn dựng tràn cả xuống lòng đường. Ảnh: Nguyễn Dương.

Điều 12, Nghị định 171/2013/NĐ-CP ban hành ngày 13/11/2013 quy định mức phạt đối với những hành vi vi phạm về sử dụng, khai thác trong phạm vi đất dành cho đường bộ.

Theo đó, tùy theo từng hành vi cụ thể mà mức phạt tiền quy định từ 100.000 đồng đến 40 triệu đồng.

Ngoài ra, cá nhân, tổ chức vi phạm buộc phải tháo dỡ các công trình xây dựng, biển quảng cáo, di dời cây trồng trái phép, thu dọn vật liệu, chất phế thải, hàng hóa và khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra.

Đời sống Plus sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

 

Nguyễn Dương
Theo Đời sống Plus