Thứ bảy, 20/04/2024 | 12:11
RSS

Doanh nhân Trần Uyên Phương: Muốn “nhà có phúc”, không thể “không nghe cha mẹ”

Thứ ba, 03/07/2018, 10:46 (GMT+7)

“Nếu muốn “nhà có phúc” thì không thể “không nghe cha mẹ”. Bố mẹ chính là những người tư vấn hiệu quả, chân thành, nhưng miễn phí, nếu mình biết hỏi đúng, nếu mình biết mình muốn gì...” - Câu chuyện về quản lý doanh nghiệp gia đình cùng Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát, tác giả tự truyện “Chuyện nhà Dr. Thanh”.

Doanh nhân Trần Uyên Phương, quản lý doanh nghiệp gia đình
Doanh nhân Trần Uyên Phương: Muốn “nhà có phúc”, không thể “không nghe cha mẹ”

“Không thể đội hai nón cùng lúc”

- Chị tốt nghiệp một chuyên ngành khá lạ: “Quản lý doanh nghiệp gia đình”. Đặc thù của nó khi áp dụng vào “Chuyện nhà Dr. Thanh” nói riêng và ở Việt Nam nói chung, theo chị?

- Quản lý mô hình doanh nghiệp nói chung hay quản lý mô hình doanh nghiệp gia đình nói riêng đều có những điểm tương đồng, là quá trình làm việc cùng với các cá nhân, nhóm và các nguồn lực khác (thiết bị, vốn, công nghệ) để đạt được mục tiêu kinh doanh mang lại hiệu quả và lợi nhuận doanh nghiệp.

Tuy nhiên, yếu tố gia đình làm cho việc quản lý sẽ trở nên phức tạp hơn. Nó đòi hỏi mọi người phải đội đúng cái nón của mình tại đúng thời điểm, bởi khi đội hai cái nón trong một thời điểm, chúng ta sẽ không biết cách hành xử như thế nào là phù hợp, chuyên nghiệp. Lúc nào công việc sẽ là công việc, lúc nào gia đình thì là gia đình. Trong công việc là nhân viên và sếp. Ở nhà là ba mẹ, con cái, anh chị em...

Nhưng một đặc tính của doanh nghiệp gia đình là sự cam kết và suy nghĩ dài hạn cho doanh nghiệp, khi họ nghĩ đến việc duy trì từ thế hệ này sang thế hệ khác.

- Tục ngữ Việt Nam có câu: “Cá không ăn muối cá ươn/ Con cãi cha mẹ trăm đường con hư”, cũng lại có câu: “Con hơn cha là nhà có phúc”, “Hậu sinh khả úy”... Đâu là cách con gái nhà Dr. Thanh lựa chọn?

- Nếu muốn “nhà có phúc” thì không thể “không nghe cha mẹ”. Cha mẹ luôn mong muốn điều tốt nhất có thể cho con cái. Thành công của con cái còn là sự tự hào của bố mẹ. Không có sự mâu thuẫn trong hai câu đó.

Cả 3 chị em tôi đều được đầu tư rất nhiều để hiểu và phát triển bản thân. Sau giai đoạn muốn chứng minh mình giỏi hơn bố mẹ, bản thân tôi nhận ra bố mẹ chính là những người tư vấn hiệu quả, chân thành, nhưng miễn phí, nếu mình biết hỏi đúng, nếu mình biết mình muốn gì. Những cột mốc để ba tôi tin là tôi làm việc chuyên nghiệp, không ỷ lại và có thể trao công việc, là cả một quá trình và sự nỗ lực của chính bản thân tôi mà không phải do “nhõng nhẽo” để có được.

- “Đặc sản” tinh thần giá trị nhất mà chị nhận được từ gia đình trên hành trình trở thành nữ doanh nhân? Ảnh hưởng từ mẹ hay từ bố với chị quan trọng hơn?

- Tôi sẽ gọi đó là “tài sản”, bao gồm cả mâu thuẫn, xung đột và bất đồng với bố mẹ. Là việc tôi chưa bao giờ cho phép mình nhỏ bé bỏ cuộc sau mỗi lần bị la, mà luôn đi tìm câu trả lời tại sao bố mẹ tôi lại nói như thế, lại hành động như thế. Câu hỏi này làm tôi nhận ra tôi rất giống ba tôi. Mỗi lần bị la, tôi muốn hiểu, muốn thuyết phục và chinh phục ba mẹ tôi.

Cả ba lẫn mẹ đều truyền cho tôi tinh thần không gì là không thể. Đối với tôi, ba là hình tượng của một ngọn núi, luôn sừng sững, to lớn, mạnh mẽ. Mẹ lại là hình ảnh dòng nước, bền bỉ, len lỏi, nhẹ nhàng, dịu dàng nhưng không cản được.

- Điều gì ở Dr. Thanh mà con gái ông muốn có? Và ngược lại, điều gì ở cô con gái đầu mà ông bố ấy muốn có?

- Điều tôi luôn muốn học và cảm thấy khoảng cách còn xa, đó là sự liều lĩnh, chấp nhận rủi ro. Điều mà tôi nghĩ bố tôi muốn có, đó chính là sự nhẹ nhàng, khéo léo nơi tôi.

“Lấy chồng không phải trách nhiệm của phụ nữ”

- Mở đầu cuốn sách, chị đã viết rằng từng có lúc chị muốn... mẹ bỏ bố vì ông quá mải nghiệp lớn để mà có thể quan tâm đến gia đình và vợ con theo cách thông thường. Và giờ đây, khi đã ngồi vào vị trí đứng mũi chịu sào của Tân Hiệp Phát, chị dường như lại đang quên... lấy chồng. Áp lực của việc “trót mang trong mình dòng máu chiến binh” có phải là điểm chung giữa bố con nhà Dr. Thanh, khi đứng trước hạnh phúc riêng?

- Mẹ tôi đã không bỏ bố tôi vì câu nói của cô con gái, lúc đó mới ngoài 20 tuổi. Nhưng giờ thì tôi đã hiểu, bố xứng đáng nhận được tình yêu đó từ mẹ.

 Khi nhìn vào câu chuyện của bố mẹ, điều tôi rút ra cho bản thân và những người phụ nữ: Lấy chồng không phải là trách nhiệm. Tất cả phụ nữ  đều xứng đáng để tìm người đàn ông của mình - người thật sự trân trọng, yêu mình bằng chính con người mình và luôn mong muốn, cũng như tạo cơ hội cho mình phát triển. Nếu chưa tìm ra người ấy, hãy hạnh phúc với tự do của người độc thân. Không có gì là bất bình thường. 

- Hành xử của chị (như trong cuốn “Chuyện nhà Dr. Thanh” cho biết) xem ra khá giống trong... phim Hàn: Con gái (hoặc con trai) ông chủ chọn vị trí xuất phát là “nhân viên quèn” trong công ty gia đình của mình, trước khi ngồi vào ghế kế nhiệm của ông bố. “Công thức” đó, là chị học được, hay do Dr. Thanh áp đặt, hay do chị... tự nghĩ ra?

- “Chuyện nhà Dr. Thanh” là những gì thật nhất mà gia đình tôi đã phải nếm trải. Đối với tôi, chuyện giống hay không giống phim Hàn Quốc thì không quan trọng. Quan trọng là quy trình hay công thức để đào tạo ra con người có năng lực hay đào tạo những nhà quản lý, nhà lãnh đạo là sự trui rèn, là thách thức. Không ai sinh ra tự nhiên có năng lực được. Thực tế cho thấy, có thể đạo diễn phim cũng học từ cuộc sống mà làm nên cấu trúc câu chuyện.

- Bố chị đã dựng nên một doanh nghiệp gia đình không với tấm bằng “ngoại” nào, trong khi chị lại mải miết chinh phục hết tấm bằng này đến tấm bằng khác từ những ngôi trường nổi tiếng trên thế giới Trường học hay trường đời theo chị quan trọng hơn?

- Trong chương 3 của cuốn “Chuyện nhà Dr. Thanh”, tôi có chia sẻ câu truyện tranh cãi giữa hai cha con tôi. Ông khẳng định và chứng minh qua cuộc đời ông: Học không phải do trường mà là do mình.

Sau gần 20 năm đi làm và đang ở vị trí quản lý cấp cao, tôi khẳng định điều ông nói là đúng. “Học, học nữa, học mãi” chứ không phải kết thúc ở tấm bằng với trường nổi tiếng.

- Đi từ thấp lên cao, hay rơi từ cao xuống thấp - thử thách nào theo chị khó khăn hơn so với một doanh nghiệp gia đình, trong điều kiện kinh doanh ở Việt Nam?

- Không có gì trong cuộc sống đi theo đường thẳng tịnh tiến mà là hình Sin. Đi lên rồi lại phải đối mặt với khó khăn, thách thức, bởi vì thành công và thách thức luôn sóng đôi. Quan trọng là đào tạo ra được những nhà lãnh đạo có năng lực để tiếp tục kế nhiệm, phát triển bền vững, bất kể đó là người trong gia đình hay người bên ngoài. Nguồn lực bên ngoài sẽ lớn hơn rất nhiều so với gia đình, không nên bó hẹp bằng việc lựa chọn người trong gia đình.

- Giờ đây, khi nhìn lại sự cố “con ruồi trong chai nước”, bài học đáng kể nhất mà chị và nhà Dr. Thanh rút ra được là gì? Một cách thẳng thắn, chị có coi đó là sai lầm trong xử lý khủng hoảng truyền thông? Chị sẽ nói gì nếu có ý kiến cho rằng “đòn rắn” mà Tân Hiệp Phát tung ra ít nhiều mang hơi hướng... “mafia”?

- Chúng tôi học được rất nhiều bài học khi đi qua sự việc này và thấm thía hơn với câu “Thương trường là chiến trường”. Nhưng có trải nghiệm trong biến cố thì mới biết đâu là bạn, đâu là bè. Tôi một lần nữa gửi lời cảm ơn chân thành với tất cả những người đã tin tưởng chúng tôi, kể cả những người chưa từng trực tiếp gặp chúng tôi. Đó chính là động lực để chúng tôi vượt qua. Chúng tôi chấp nhận Tân Hiệp Phát có những vấp váp về truyền thông và quyết tâm cải tiến.

Theo tôi hiểu, “mafia” là phương pháp xử lý bằng những cách không theo pháp luật Và cũng có nhiều người đã tư vấn chúng tôi cách đó. Nhưng để Tân Hiệp Phát tồn tại bền vững, mọi hành động của Tân Hiệp Phát phải giữ được giá trị cốt lõi, nghĩa là sản phẩm phải chất lượng và đầu tư bài bản.

- Rộng ra, để xử lý một sự cố hay tồn đọng kiểu như “chai nước có ruồi”, “trong chăn có rận”, theo chị, nghệ thuật hành xử cần nhất tới phẩm chất gì ở người đối diện với rắc rối đó?

- Tôi nghĩ cần kịp thời, minh bạch. “Trong chăn có rận” thì phải đối diện với nó và xử lý trước khi quá muộn, hay trước khi bị lợi dụng.

- Trà thảo mộc, chị muốn có được đặc tính nào của nó?

- Thật, tự nhiên, không chất bảo quản.

- Xin cảm ơn chị!​

Doanh nhân Trần Uyên Phương, quản lý doanh nghiệp gia đình

“Nguồn lực bên ngoài sẽ lớn hơn rất nhiều so với gia đình, không nên bó hẹp bằng việc lựa chọn người trong gia đình”

Doanh nhân Trần Uyên Phương là con gái đầu của ông Trần Quý Thanh, hiện giữ vị trí Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát và Giám đốc Công ty Number 1 Chu Lai. Là Lãnh sự danh dự của nước CH Sudan tại TP Hồ Chí Minh từ 2011. Là thành viên Hội Doanh nhân trẻ thế giới (YPO) từ 2008. Tốt nghiệp Quản trị kinh doanh tại ĐH Bradford, Singapore. Tốt nghiệp Quản trị doanh nghiệp (OPM) 42 tại ĐH Havard, Mỹ. Tốt nghiệp Quản lý doanh nghiệp gia đình tại trường IMD, Thụy Sĩ.

 

Đặng Hà
Theo Đại biểu Nhân dân