Thứ sáu, 19/04/2024 | 12:10
RSS

Dịch viêm não Nhật Bản hoành hành khắp cả nước, nhiều trẻ nguy kịch

Thứ hai, 10/07/2017, 07:06 (GMT+7)

Các bác sĩ cho biết, hiện nay viêm não Nhật Bản đang vào mùa (mùa viêm não bắt đầu từ tháng 6 đến tháng 10) nên số ca bệnh nhiều hơn tháng trước và kéo dài đến tận tháng 10.

Số trẻ mắc viêm não Nhật Bản tăng vọt

BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, hiện nay viêm não Nhật Bản đang vào mùa (mùa viêm não bắt đầu từ tháng 6 đến tháng 10) nên số ca bệnh nhiều hơn tháng trước và kéo dài đến tận tháng 10.

Các trường hợp viêm não nằm tại khoa không được tiêm ngừa vắc xin hoặc tiêm không đủ mũi chiếm khoảng 80%. Lý do phụ huynh đưa ra luôn là không biết, không hiểu về mức độ nguy hiểm của viêm não Nhật Bản.

trẻ mắc viêm não Nhật Bản 1

Một trẻ mắc viêm não Nhật Bản phải thở bằng máy. Ảnh Khám Phá

Trẻ mắc viêm não khi chưa chích ngừa vắc xin hoặc tiêm không đủ mũi sẽ để lại những biến chứng rất nặng nề, có thể phải thở bằng máy, mê sảng lâu ngày dẫn đến tình trạng viêm mô, bội nhiễm phổi kéo dài khiến tử vong.

“Tỷ lệ tử vong khi trẻ mắc viêm não Nhật Bản là 10% (cứ 10 trẻ sẽ có 1 trẻ tử vong); tỷ lệ di chứng có thể lên đến 30%. Có những bé di chứng ở mức thành người thực vật, trí tuệ chậm phát triển,…Trường hợp trẻ tiêm đủ mũi thì bệnh rất nhẹ, không để lại di chứng”, bác sĩ Khanh cho biết.

Tại miền Bắc, tình hình trẻ mắc viêm não Nhật Bản trong 6 tháng đầu năm có diễn biến phức tạp. Tính riêng tại Bệnh viện Nhi Trung ương có 24 trường hợp mắc viêm não Nhật Bản. Trong đó, tháng 6 có tới 21 trẻ nhập viện vì căn bệnh này.

Theo thống kê từ Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội từ đầu năm đến nay toàn thành phố Hà Nội ghi nhận 9 trường hợp viêm não Nhật Bản. Đặc biệt, trường hợp mắc bệnh gia tăng nhanh trong tháng 6 với 6 ca bệnh.

Trong khi đó, ghi nhận tại khu vực khoa Nhiễm – Thần Kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM ngay từ sáng sớm đã có nhiều phụ huynh đưa con đến khám bệnh. Phía trong phòng cấp cứu, nhiều bệnh nhi mắc viêm não Nhật Bản đang nằm điều trị, thậm chí có bé nằm bất động phải thở bằng máy, có bé đã phải nằm viện suốt 10 tháng ròng.

Bảo vệ trẻ giữa “tâm bão” viêm não Nhật Bản

Trước tình trạng trên, TS Hoàng Đức Hạnh – PGĐ Sở Y tế Hà Nội yêu cầu Trung tâm Y tế dự phòng thành phố tăng cường giám sát dịch bệnh tại các bệnh viện và cộng đồng theo phân cấp, kịp thời phát hiện những trường hợp mắc viêm não Nhật Bản để chủ động triển khai khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch.

Đồng thời, ông yêu cầu các đơn vị tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh đảm bảo an toàn, chất lượng và đạt tỷ lệ theo quy định; hướng dẫn chuyên môn về giám sát, xử lý bệnh viêm não Nhật Bản cho Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã.

Các chuyên gia y tế khuyên cha mẹ cho con tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản đúng lịch, không mù quáng tin theo trào lưu anti vắc xin. Bộ Y tế cũng khuyến cáo cha mẹ cần cho trẻ tiêm đầy đủ các loại vắc xin, ăn uống hợp vệ sinh, nâng cao thể trạng, và tích cực vệ sinh môi trường, diệt muỗi, bọ gậy cũng là cách phòng bệnh hữu hiệu.

viem nao nhat ban 2

Sốt cao đi kèm co giật là một triệu chứng viêm não Nhật Bản ở trẻ. Ảnh minh họa

Ngoài ra, cha mẹ cần học cách nhận biết các dấu hiệu viêm não Nhật Bản ở trẻ để sớm đưa con đi khám chữa kịp thời. Các triệu chứng viêm não Nhật Bản gồm:

- Thời kỳ ủ bệnh là 1 – 6 ngày, ngắn nhất 24 giờ và có khi tới 14 ngày, thường ít có triệu chứng. Bệnh thường khởi phát đột ngột với các triệu chứng như sốt, đau đầu, buồn nôn và nôn; sau đó là sốt cao, co giật, co cứng cơ và lú lẫn.

- Một số trường hợp, trẻ bị viêm não Nhật Bản sẽ xuất hiện tình trạng cứng gáy, co cứng cơ, co vặn, cơn quay mắt quay đầu, co giật, động cơn, run, liệt nửa người, mất vận động ngôn ngữ, nhiệt độ dao động, người xanh tái, rối loạn hô hấp, tăng tiết đờm dãi, nhịp tim nhanh, chướng bụng, nôn, bí đại tiểu tiện và ngừng hô hấp đột ngột, hôn mê sâu.

- Trong các trường hợp nặng tiến triển đến tử vong, trẻ mắc viêm não Nhật Bản có thể sốt trên 40 độ C kèm với các rối loạn thần kinh thực vật nặng nề. Tử vong thường xảy ra vào ngày thứ 3 đến thứ 8 của giai đoạn cấp. Với các bệnh nhi sống sót có thể để lại các di chứng thần kinh tâm thần.

Tri Thu (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN