Thứ bảy, 20/04/2024 | 07:45
RSS

Dễ xảy ra phản ứng nguy hiểm nếu truyền dịch khi đang sốt

Chủ nhật, 06/08/2017, 11:42 (GMT+7)

Khi bị sốt xuất huyết, người bệnh rất mệt mỏi, kém ăn nên hay nghĩ đến việc truyền dịch để cơ thể đỡ mất nước và đỡ mệt.

Ít ai nghĩ truyền dịch khi đang sốt, đặc biệt là sốt xuất huyết có thể gây ra những nguy hiểm.

Theo BSCK II Nguyễn Hồng Hà (Nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương), sốt thì không chống chỉ định truyền dịch, nhưng nguy cơ phản ứng truyền dịch khi đang sốt cao hơn, vì vậy truyền dịch trong sốt xuất huyết là điều cần thận trọng.

Phản ứng truyền dịch khi đang sốt có thể xảy đến bất cứ lúc nào

Ở sốt xuất huyết, những ngày đầu bệnh nhân sốt rất cao, thường 38,5 -39 độ, thậm chí là 40 độ. Truyền dịch trong lúc đang sốt thì phản ứng với truyền dịch (bệnh nhân cảm thấy rét run) là có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Khi phản ứng với truyền dịch thì nhiệt độ cơ thể sẽ tăng lên. Bình thường, người không sốt mà bị phản ứng thì nhiệt độ cũng tăng. Nhưng trong sốt xuất huyết, khi người bệnh đang 39 độ, chỉ cần nâng lên 2-3 độ thì khi nhiệt độ cơ thể quá cao có thể gây tổn thương tế bào thần kinh trung ương, dẫn đến hôn mê, tổn thương não, rất nguy hiểm.

Truyền dịch khi đang sốt

Truyền dịch khi đang sốt sẽ dễ dẫn đến phản ứng nguy hiểm. Ảnh: Báo mới

Thực tế, từ trước đến giờ, có những người chưa phải gặp biến chứng của sốt xuất huyết mà do truyền dịch mà có thể dẫn đến diễn biến nặng và tử vong.

Ăn uống đủ thì không cần truyền dịch

BSCK II Nguyễn Hồng Hà cho biết, mọi người cần hiểu với người bệnh, điều quan trọng là ăn uống, dinh dưỡng đủ. Nếu không ăn được thì cũng phải uống nước đầy đủ.

Người bệnh nên ăn các chất lỏng, dễ ăn, nghỉ ngơi và theo dõi nhiệt độ. Người bệnh nên được nằm ở phòng thoải mái, nhiệt độ phòng ở mức độ vừa phải, quần áo thoáng mát. Ngoài ra, có thể chườm cho người đỡ nóng, uống thêm một chút vitamin, theo dõi các dấu hiệu cảnh báo để đưa đến bệnh viện kịp thời.

Nói chung, nếu ăn uống đủ, chăm sóc tốt thì không cần truyền dịch, tức không cần “mua thêm phiền phức” làm gì. Chỉ truyền khi bệnh nhân không thể ăn uống được.

Trường hợp phải truyền dịch thì cũng chỉ sử dụng các dung dịch ít có nguy cơ gây sốc như: Nước muối 9 phần nghìn, Ringer Lactate chứ không truyền đạm, các loại có pha vitamin hay dung dịch glucoza (đường).

“Đường ăn uống vẫn là đường sinh lý, thuận theo tự nhiên nhất và tốt nhất. Can thiệp bằng đường tĩnh mạch thì bất đắc dĩ mới phải làm chứ không nên lạm dụng” – BS Hà khuyến cáo.

Những lưu ý khi tự điều trị sốt xuất huyết. Nguồn: VTC1

Diệp Lâm
Theo Đời sống Plus/GĐVN