Thứ bảy, 20/04/2024 | 16:05
RSS

Để con khóc đến co giật và bất tỉnh: Cảnh tỉnh đến các bà mẹ 'cho con tự nín'

Thứ tư, 19/09/2018, 13:56 (GMT+7)

Vụ bé trai khóc đến co giật và bất tỉnh ở Hà Nội là lời cảnh tỉnh cho các bà mẹ muốn rèn con với tâm lý 'cho con tự nín'.

Để con khóc đến co giật và bất tỉnh: Cảnh tỉnh đến các bà mẹ 'cho con tự nín'
Bé Nhật Nam cấp cứu tại Bệnh viện Xanh Pôn sau khi khóc đến co giật và bất tỉnh

Ngày nay, việc để mặc con khóc hờn, la hét vẫn thường xảy ra trong nhiều gia đình bởi bố mẹ cho rằng bé khóc chán sẽ tự nín, dỗ dành nhiều trẻ sẽ sinh hư. Tuy nhiên, nhiều người lại chưa lường hết được hậu quả của việc này.

Để mặc con khóc đến co giật và bất tỉnh

Mới đây nhất, câu chuyện của anh Thành Long (32 tuổi, hiện đang sống tại Hà Nội) suýt mất cậu con trai Nhật Nam (2,5 tuổi) sau một lần để con tự khóc đã khiến không ít người phải lo lắng, băn khoăn.

Theo chia sẻ của anh Thành Long với báo Trí thức trẻ: "Buổi trưa ngày 15/9, khi đang nấu cơm thì con trai chạy ra mách bố bị chị trêu. Mình đang bận nên bảo: "Sao con suốt ngày khóc thế, hư bố không bênh đâu!". Thế là con lủi thủi xuống nhà cùng chị, tiếp tục khóc gọi: "Mẹ ơi!", cứ vừa khóc vừa hét đòi mẹ trong khoảng 5-7 phút nhưng không ai dỗ."

Rồi bất ngờ chị của bé hốt hoảng gọi bố vì thấy em co giật, sùi bọt mép, mặt dần chuyển sang tím ngắt dưới sàn. 

Đến cổng viện, bé Nhật Nam vẫn trong trạng thái lịm ngắt, bố gọi không biết gì. Mặc cho người nhà lay gọi, bé không hề phản ứng lại, "hàm răng cắn chặt ngón tay bố rồi hơi thở yếu dần". 

May mắn là lên đến khoa cấp cứu một lúc, chưa có can thiệp gì, Nhật Nam đã tự tỉnh lại, khóc gọi mẹ. Sau đó bé được bác sĩ thăm khám, lấy máu xét nghiệm, truyền dịch. Hai ngày sau đó, bé được đưa đi kiểm tra điện não đồ nhưng cũng không có gì bất ổn. 

"Lúc ấy, cả nhà mới có thể thở phào nhẹ nhõm" - anh Thành Long chia sẻ.

Để mặc con khóc ảnh hưởng xấu đến não bộ của bé

Để con khóc đến co giật và bất tỉnh: Cảnh tỉnh đến các bà mẹ 'cho con tự nín'
Để mặc con khóc sẽ ảnh hưởng xấu đến não bộ của bé. Ảnh minh họa.

Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng những ức chế và căng thẳng của trẻ nhỏ sẽ gây nên những tác động xấu đối với não bộ của trẻ. Những trẻ khóc dai dẳng và kéo dài có thể gây tăng huyết áp trong não, tăng áp lực và cản trở máu lưu thông, có nguy hiểm lớn đến não của trẻ. 

Theo tin tức trên Khám phá, Trung tâm trẻ em Hoa Kỳ đã có những nghiên cứu và kết luận một trong những ảnh hưởng quan trọng nhất đối với sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ chính là sự đáp ứng của người mẹ đối với nhu cầu của con. 

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những bé nào mà bị mẹ để mặc kệ cho khóc sẽ bị chậm phát triển hơn trẻ em bình thường về khả năng vận động cũng như khả năng giao tiếp xã hội cơ bản nhất. Những em bé này có chỉ số IQ thấp hơn khoảng 9 điểm so với trẻ khác ở độ tuổi lên 5 và khó kiềm chế cũng như điều khiển cảm xúc của mình hơn trẻ cùng lứa tuổi.

Cứ mặc kệ trẻ khi khóc quả thật sẽ làm trẻ ngừng khóc, tự nhiên im bặt và cứ thế nằm chơi một mình. Tuy nhiên, đó không phải là dấu hiệu bé đang dần hình thành một thói quen như mẹ nghĩ, mà vì bé cảm nhận được sự cô độc của mình và tự tách mình ra khỏi thế giới của mẹ. Trẻ ngừng khóc vì không còn hy vọng mình sẽ được quan tâm, nhu cầu của mình sẽ được đáp ứng và dần sẽ hình thành nên một đứa trẻ cô độc và vô cảm xúc.

Xem thêm bật khóc nhìn hai đứa trẻ bị bố mẹ bỏ rơi, dắt nhau nhặt rác mưu sinh trong giá lạnh

Mai Anh (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN