Thứ năm, 28/03/2024 | 07:40
RSS

Đại gia Trầm Bê thâu tóm Sacombank: Eximbank đóng vai trò gì?

Thứ hai, 07/08/2017, 10:25 (GMT+7)

Đại gia Trầm Bê được xem là "ông trùm" của ngành ngân hàng khi lần lượt can thiệp tới thâu tóm Sacombank. Tuy nhiên, ít ai biết rằng ông Trầm Bê có thể "tóm gọn" ngân hàng này nhờ đóng góp không nhỏ từ phía Eximbank.

Những nước cờ ngầm khiến người trong cuộc ngã ngửa

Đại hội cổ đông bất thường của Sacombank và Southern Bank đều tán thành việc sáp nhập Southern Bank vào Sacombank. Theo đó, 1 cổ phần Southern Bank sẽ hoán đổi thành 0,75 cổ phần và 1 cổ phần Sacombank sẽ thành 1,3875 cổ phần của Sacombank sau sáp nhập. Lý do vì đâu mà một ngân hàng nằm trong Top những ngân hàng thương mại tốt nhất khi ấy là Sacombank lại chịu sáp nhập với một ngân hàng nhỏ, thậm chí yếu như Southern Bank? Đằng sau câu chuyện đó là rất nhiều những mưu tính tưởng rằng chỉ mình ông Trầm Bê mới có thể làm được.

Thời điểm sáp nhập là khi ngân hàng này yếu đi vì sự thoái vốn lần lượt của các cổ đông bắt đầu từ quý III/2011.Công việc kinh doanh của các công ty liên quan tới Sacombank là CTCK Sacombank và Sacomreal cũng sa sút khiến cổ phiếu của Sacombanj giảm mạnh từ 22.000đ/cp xuống còn 11.600đ/cp ở thời điểm tháng 7/2011, trong khi giá trị sổ sách của Sacombank là 16.100 đ/cp.

đại gia Trầm Bê

Đại gia Trầm Bê. Ảnh: Zing News

Tới cuối tháng 6 và đầu tháng 7/2011 hơn 26 triệu cổ phần của Sacombank được giao dịch thỏa thuận. Sau đó, thị trường tài chính có tin đồn một đại gia nào đó đang thâu tóm Sacombank. Tới ngày 11/7/2011, ông Đặng Văn Thành vẫn khá lạc quan và cho rằng cá nhân nào đó thu gom cổ phiếu cũng chỉ giữ một lá phiếu thôi, và hoạt động của HĐQT còn chịu sự giám sát của cổ đông sáng lập.

Lần lượt các cổ đông lớn dần thoái hết vốn khỏi Sacombank, từ Dragon Capital (61,1 triệu cổ phần, tương đương 6,66% vốn điều lệ (VĐL), Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh (REE) bán hết 42,1 triệu cổ phần, tương đương 3,9% VĐL và ANZ bán hết 103,3 triệu cổ phần (9,6% VĐL).

Sau giao dịch của ANZ mới lộ ra tổ chức đang mua vào lượng lớn cổ phiếu của Sacombank thời gian qua chính là Eximbank. Toàn bộ số cổ phần của ANZ được Eximbank mua lại. Eximbank trở thành tổ chức sở hữu cổ phần nhiều nhất của Sacombank và phải công bố thông tin vào ngày 9/1/2012.

Cũng trong ngày hôm đó, CTCP Đầu tư Sài Gòn – Exim (tổ chức có liên quan của Eximbank – Eximbank sở hữu 11% VĐL của Sài Gòn – Exim) công bố đã mua vào 50,4 triệu cổ phần, sở hữu 5,17% vốn cổ phần của Sacombank.

Toan tính quyền lực của Trầm Bê dưới sự hẫu thuẫn của Eximbank

Thời điểm Eximbank trở thành cổ đông lớn nhất của Sacombank, năm 2012-2013, thị trường tài chính dấy lên thông tin về việc ông Trầm Bê mua vào cổ phần của Eximbank.

Năm 2011-2012, ACB, các công ty liên quan và các công ty do ông Nguyễn Đức Kiên – cổ đông lớn của ACB kiểm soát sở hữu khoảng trên 20% cổ phần của Eximbank. Trong quý 3/2012, nhóm cổ đông của Nguyễn Đức Kiên buộc phải chuyển nhượng cổ phần Eximbank để xử lý các khoản nợ vay ACB đã dùng để tài trợ việc đầu tư vào chính cổ phiếu Eximbank.

Sau đó, số cố phần này được chuyển nhượng cho nhóm đầu tư của ông Trầm Bê, nhưng đứng tên sở hữu là các thành viên HĐQT của Eximbank. Theo ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch HĐQT của Eximbank cho biết các thành viên HĐQT của ngân hàng đã mua vào để số cổ phần mà nhóm cổ đông liên quan đến ACB bán ra trước đây, không lọt ra ngoài.

Eximbank

Eximbank chính là ngân hàng đứng phía sau hỗ trợ ông Trầm Bê thâu tóm Sacombank. Ảnh: Doanh nghiệp

Trong ĐHCĐ Eximbank năm 2014, các ông Lê Hùng Dũng, Nguyễn Hữu Phú và Đặng Phước Dừa, mỗi người đại diện cho nhóm cổ đông có 10% số cổ phần của ngân hàng này. Chính vì thế mà Eximbank, các công ty có liên quan đến Eximbank và các thành viên HĐQT của Eximbank đã được ông Trầm Bê sử dụng để thâu tóm Sacombank.

Ngày 20/2/2012, sau khi đã nắm giữ đa số cổ phần tại Sacombank, HĐQT Eximbank đã gửi văn bản đến lãnh đạo Sacombank yêu cầu thay đổi cơ cấu thành viên HĐQT trên cơ sở Eximbank và nhóm cổ đông ủy quyền đã có trên 51% số cổ phần có quyền biểu quyết tại Sacombank.

Trả lời báo chí hôm đó, ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch HĐQT Eximbank tuyên bố: “Hiện tại, trong số 51% cổ phần được ủy quyền, chúng tôi có ít nhất 17% cổ phần nắm giữ trên 6 tháng". Theo Điều lệ của Sacombank, cổ đông lớn nắm giữ ít nhất 10% trên 6 tháng có thể đề nghị cử đại diện vào thành viên HĐQT và Ban kiểm soát. Cùng ngày hôm đó, ông Đặng Văn Thành lại nói với báo chí: “Eximbank đang nắm giữ 9,73%, Ngân hàng Phương Nam,nắm giữ 4,8% vốn điều lệ của Sacombank. Số liệu còn lại trong tỉ lệ 51% nêu trên chưa được chứng thực.”

Điều ông Thành nói có căn cứ, nhưng đó là do ông Thành không kiểm soát được hết số cổ phiếu trên thị trường, đặc biệt với việc các công ty đầu tư hoặc đầu tư tài chính, từ nguồn huy động vốn. Ông Trầm Bê đứng đầu thông qua Eximbank, Southern Bank, các CTCK và CTCP đầu tư tài chính, nhóm đầu tư mới đã kiểm soát 37,7% VĐL của STB vào cuối năm 2012. Với thông tin Eximbank công bố về tỷ lệ kiểm soát lên tới 51% thì vẫn còn 13-14% cổ phần STB là được thâu tóm qua các tổ chức khác và dưới các hình thức ủy thác đầu tư mà không thể xác định dựa trên những thông tin công bố chính thức.

Ngày 26/05/2012, ĐHCĐ thường niên của Sacombank được tổ chức. Đại diện nhóm cổ đông mới được bầu vào HĐQT. Tỷ lệ người của gia đình ông Trầm Bê, Ngân hàng Phương Nam và Eximbank chiếm 6/10 thành viên HĐQT mới của Sacombank. Ông Đặng Văn Thành và Đặng Hồng Anh vẫn giữ chức Chủ tịch (CT) và Phó Chủ tịch (PCT) HĐQT.

Kết quả kinh doanh của Southern Bank vào 2 năm ông Trầm Bê thâu tóm Sacombank và mua vào 20% cổ phần Eximbank, Kiểm toán Nhà nước dẫn số liệu của NHNN Chi nhánh TP.HCM về tỷ lệ nợ xấu của Southern Bank vào ngày 30/6/2012 là 45,6% và tháng 11/2013 là 55,31%.

Cổ phần sở hữu chéo

Theo TS. Nguyễn Xuân Thành thì lịch sử phát triển của Sacombank gắn liền với gia đình và các công ty của gia đình ông Đặng Văn Thành trong một cấu trúc sở hữu chéo phức tạp. Và có thể nói thương vụ thâu tóm Sacombank của đại gia Trầm Bê là thương vụ lớn nhất trong lịch sử ngành ngân hàng.

Một số công ty có liên quan tới Sacombank kinh doanh sa sút (CTCK Sacombank và Sacomreal) dẫn tới giá cổ phiếu của ngân hàng sụt giảm, rồi các cổ đông tổ chức lớn thoái vốn trong năm 2011 và đầu 2012. Điều này đã tạo điều kiện cho một nhóm cổ đông mới thâu tóm Sacombank.

Tuy nhiên, một trong những mục tiêu của tái cơ cấu hệ thống NHTM là giảm sở hữu chéo và đầu tư chéo, nhưng nhóm cổ đông mới lại được tự do sử dụng đầu tư chéo để thâu tóm Sacombank. Kết quả là sau thâu tóm và dưới sự kiểm soát của chủ mới, Sacombank còn có cấu trúc sở hữu chéo phức tạp hơn và ít minh bạch hơn nhiều so với trước, không chỉ liên quan tới các DN phi tài chính mà còn cả các NHTM khác, ông Thành nhấn mạnh.

Ông Trầm Bê và gia đình đã trực tiếp và gián tiếp qua các cá nhân và tổ chức có liên quan tới Southern Bank/Eximbank để mua cổ phiếu của Eximbank và Sacombank. Đến cuối năm 2012, ông Trầm Bê đã kiểm soát tới ba NHTM là Southern Bank, Eximbank và Sacombank.

Năm 2014, ông Trầm Bê buộc phải chuyển nhượng hết cổ phần ở Eximbank cho gia đình bà Trần Thị Hường, chủ sở hữu của Tập đoàn Hoàn Cầu và cổ đông lớn của NH Nam Á. Thông tin về kế hoạch sáp nhập Eximbank và Nam Á (nhưng không thành) cũng xuất phát từ đây. NHNN phát tín hiệu chấp thuận sáp nhập Sacombank và Southern Bank.

Ông Trầm Bê nợ Sacombank 43.000 tỷ. Nguồn: VTC1

Q.N (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN