Thứ sáu, 29/03/2024 | 12:28
RSS

Công ty CP Quốc tế LOTUZZ bán sản phẩm TOPPY: Quảng cáo gian dối, lừa đảo khách hàng

Thứ tư, 08/11/2017, 09:13 (GMT+7)

Không có chức năng chữa bệnh tiểu đường nhưng vẫn cam kết sản phẩm TOPPY chữa được bệnh, luật sư khẳng định, hành vi của LOTUZZ đã vi phạm vào tội “quảng cáo gian dối”, “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Công ty CP Quốc tế LOTUZZ: Quảng cáo gian dối  lừa đảo khách hàng

Sản phẩm TOPPY được ghi ngày sản xuất và hạn sử dụng rất thủ công (vòng tròn đỏ)

Phạm vào tội danh “quảng cáo gian dối”

Như Đời sống Plus đã thông tin, sản phẩm TOPPY của Công ty CP quốc tế LOTUZZ (sau đây gọi là Công ty LOTUZZ, địa chỉ Lầu 1, số 4 Trương Quốc Dung, P.8, quận Phú Nhuận, TP.HCM) chỉ là thực phẩm chức năng nhưng được cam kết là “thuốc” và chữa khỏi căn bệnh tiểu đường.

Cụ thể, trong vai người mắc bệnh tiểu đường, PV đã được “dược sỹ” tự xưng của Công ty LOTUZZ tư vấn về sản phẩm TOPPY. Theo đó, TOPPY là “thuốc” và thuốc này là tổng hợp của 42 loại thảo dược quý, có chức năng điều trị tận gốc căn bệnh tiểu đường.

Ngoài ra, nhân viên của Công ty LOTUZZ còn khuyên người bệnh bỏ thuốc tây và các thực phẩm chức năng khác để dùng TOPPY.

Công ty CP Quốc tế LOTUZZ: Quảng cáo gian dối  lừa đảo khách hàng

Công ty CP Quốc tế LOTUZZ quảng cáo TOPPY dưới hình thức "thư cảm ơn", "chia sẻ của một người bệnh"

Sau khi đã bỏ ra một khoản tiền lớn, chúng tôi đã có được những sản phẩm TOPPY được chuyển từ TP HCM ra tận Hà Nội Những sản phẩm này đã được nhân viên của của LOTUZZ xác nhận là sản phẩm của công ty.

Tuy nhiên, các chuyên gia y tế khẳng định, TOPPY hoàn toàn không phải là thuốc. Trên bao bì của sản phẩm này cũng ghi “sản phẩm này không phải là thuốc…”. Thế nhưng, dòng chữ này được ghi rất nhỏ, phải người tinh mắt mới nhìn thấy.

Luật sư Nguyễn Bích Lan – Trưởng văn phòng luật sư số 5 Hà Nội cho biết: Hành vi chào bán sản phẩm TOPPY của “dược sỹ” Công ty LOTUZZ đã vi phạm vào tội danh “quảng cáo gian dối” được quy định tại Điều 168 BLHS.

Khoản 1 Điều 68 quy định: “Người nào quảng cáo gian dối về hàng hoá, dịch vụ gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”.

Ngoài ra, tại khoản 2 Điều 68 cũng cho biết: “Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm”.

Luật sư Nguyễn Bích Lan khẳng định, nhân viên của Công ty LOTUZZ đã phạm vào tội danh “quảng cáo gian dối” 

Tội quảng cáo gian dối về hàng hoá xâm hại chế độ quản lý của Nhà nước đối với các hoạt động về quảng cáo hàng hoá, dịch vụ, xâm phạm lợi ích người tiêu dùng.

Mặt khách quan của tội phạm được thể hiện ở hành vi quảng cáo gian dối, tức là đưa thông tin không đúng về chất lượng, tiêu chuẩn hàng hoá, dịch vụ (bằng các thủ đoạn gian dối quảng cáo, chào hàng, tiếp thị tốt về chất lượng hàng hoá, dịch vụ với khách hàng nhưng thực tế thì chất lượng không được như quảng cáo…).

Có dấu hiệu “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”

Luật sư Vũ Văn Thiệu (Giám đốc Công ty luật hợp danh INCIP) lại đưa ra quan điểm khác. Theo luật sư Thiệu, hành vi gian dối của nhân viên LOTUZZ đủ để khép vào tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

“Sản phẩm TOPPY có công dụng hoàn toàn khác hoặc không có chức năng chữa bệnh nhưng nhân viên công ty đã cam kết đó là thuốc và có chức năng chữa bệnh, như vậy hành vi này rõ ràng là có chủ ý gian dối và lừa đảo để chiếm đoạt tiền.

Dấu hiệu lừa đảo ở đây rất rõ và đã cấu thành tội danh vì đã đạt được mục đích. Hậu quả trong trường hợp này chưa bàn tới nhưng rõ rành hành vi chiếm đoạt là rõ ràng và được quy định tại điều 139 BLHS”, luật sư Thiệu phân tích.

Không chỉ trực tiếp “quảng cáo gian dối” và có dấu hiệu “chiếm đoạt tài sản”, sản phẩm TOPPY của Công ty LOTUZZ còn có những vi phạm về ghi nhãn mác được quy định tại Thông tư liên tịch số 34/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT ngày 27/10/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương.

Vi phạm vào các điều cấm như: Quảng cáo thực phẩm có tác dụng như ­ thuốc chữa bệnh; câu chuyện chữa tiểu đường của người này; tâm sự của người kia hay dùng thư cảm ơn của bệnh nhân để quảng cáo thực phẩm…

Những lời quảng cáo có cánh về sản phẩm TOPPY

Để làm rõ những dấu hiệu sai phạm trong việc kinh doanh sản phẩm TOPPY, PV đã nhiều lần liên lạc, đặt lịch làm việc với lãnh đạo Công ty LOTUZZ nhưng phía công ty này cố tình lảng tránh, thoái thác.

(Đời sống Plus sẽ tiếp tục thông tin).

Điều 139 quy định về Tội chiếm đoạt tài sản như sau:

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ  sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Tái phạm nguy hiểm;

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

g) Gây hậu quả nghiêm trọng.

 

 

 

PV
Theo Đời sống Plus/GĐVN