Thứ bảy, 20/04/2024 | 21:19
RSS

Công ty CP đầu tư Akina Đông Á quảng cáo sai sự thật: Cục An toàn thực phẩm sẽ xử lý sai phạm?

Thứ hai, 30/07/2018, 18:51 (GMT+7)

Phát hiện những dấu hiệu sai phạm trong quảng cáo 2 sản phẩm Bột tía tô Akina và Hoàn Xuân Thang của Công ty CP đầu tư Akina Đông Á, PV đã thông tin đến Cục An toàn thực phẩm

Công ty CP đầu tư Akina Đông Á quảng cáo sai sự thậtCông ty CP đầu tư Akina Đông Á quảng cáo TPCN như thuốc

Như đã thông tin tới bạn đọc trong những kỳ trước, Công ty CP đầu tư Akina Đông Á đang bất chấp những quy định của pháp luật để quảng cáo 2 sản phẩm Bột tía tô Akina và Hoàn Xuân Thang của mình như “thần dược” chữa bệnh.

Không dừng lại ở đó, doanh nghiệp này còn “vẽ” thêm công dụng cho sản phẩm và dùng thư cảm ơn, chia sẻ của nhân vật để quảng cáo sản phẩm trên các website như https://tiatoakina.vn/, http://shop.tiatoakina.vn/, fanpage facebook: “Tía tô Akina”; https://hoanxuanthang.vn/, http://hoanxuanthang.tocbacsom.com/, không đúng sự thật, gây hoang mang, hiểu nhầm cho người tiêu dùng.

Cụ thể, trên website https://tiatoakina.vn/, shop.tiatoakina.vn, trong phần giới thiệu công dụng sản phẩm Bột tía tô Akina với những từ ngữ có cánh như: “trắng da, trị nám, tàn nhang, da sỉn màu, trị mụn cơm,…”, “ bảo vệ gan, hạ lipit máu, chống dị ứng, chống viêm, chống oxy hóa cao”…

Đặc biệt, trong hầu hết những mô típ bài viết, từ ngữ đều quảng cáo công dụng sản phẩm Bột tía tô Akina như “thần dược” khiến nhiều người tiêu dùng nhầm lẫn là một loại thuốc chữa bệnh như: “Chữa trị dứt điểm bệnh gout”, “phòng và chữa trị bệnh gout”, “làm trắng da và giảm cân hiệu quả”, giảm acid huyết, hạ mỡ máu – chống béo phì….

Ngoài ra, Công ty CP đầu tư Akina Đông Á còn thêm công dụng cho sản phẩm Bột tía tô Akina: “Thứ nhất hỗ trợ điều trị bệnh gút (gout) hiệu quả, với cơ chế tác động ngăn ngừa enzim Xathine oxidase (nguồn gốc của sự thúc đẩy hình thành acid uric máu) từ đó giúp giảm acid uric máu, đồng thời tăng cường đào thải acid uric huyết ra ngoài theo đường nước tiểu, mồ hôi một cách tự nhiên...

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, trong Giấy xác nhận nội dung quảng cáo số 00554/2018/ATTP-XNQC ngày 30/05/2018 do Cục trưởng Cục ATTP Nguyễn Thành Phong ký, sản phẩm bảo vệ sức khỏe Bột tía tô Akina (Công ty CP đầu tư Akina Đông Á) chỉ có công dụng: Hỗ trợ giảm đau nhức xương khớp, hỗ trợ giải cảm mạo, hỗ trợ giảm chướng bụng đầy hơi.

Công ty CP đầu tư Akina Đông Á quảng cáo sai sự thật12 TPCN Bột tía tô Akina và Hoàn Xuân Thang còn "vẽ" thêm công dụng, lừa đảo người tiêu dùng

Tiếp tục, trên website http://hoanxuanthang.vn/, trong phần giới thiệu, quảng cáo sản phẩm Hoàn Xuân Thang có công dụng như “thần dược”: “trị tóc bạc sớm, tóc rụng nhiều, yếu sinh lý và cơ thể mệt mỏi”, “bổ tim thận; kích thích sinh huyết dịch; bền tinh khí, khoẻ gân cốt; thải độc, nhuận tràng, gia tăng tuổi thọ, trẻ hoá cơ thể...”.

Sản phẩm Hoàn Xuân Thang còn “vẽ” thêm công dụng như: Đen tóc, kích thích mọc tóc, hạn chế rụng tóc, đẹp da, tăng cường sinh lý nam nữ bền vững, bồi bổ cơ thể: bổ tim thận; kích thích sinh huyết dịch; bền tinh khí, khỏe gân cốt; thải độc, nhuận tràng, gia tăng tuổi thọ, trẻ hoá cơ thể. Hỗ trợ điều trị tốt cho những trường hợp cao huyết áp, mạch máu bị xơ vữa.

Trong khi đó, nội dung Giấy xác nhận nội dung quảng cáo số 00494/2018/ATTP-XNQC ngày 18/05/2018 cấp cho sản phẩm bảo vệ sức khỏe Hoàn Xuân Thang (Công ty CP đầu tư Akina Đông Á) nêu rõ công dụng của TPCN này là: Bổ huyết, hỗ trợ đen rau tóc, hạn chế quá trình lão hóa, bồi bổ sức khỏe.

Công ty CP đầu tư Akina Đông Á quảng cáo sai sự thật2Cục An toàn thực phẩm có "làm ngơ" trước hàng loạt sai phạm?

Trước những dấu hiệu sai phạm nêu trên của Công ty CP đầu tư Akina Đông Á, PV Đời sống Plus đã phản ánh qua bài viết, đồng thời thông tin nội dung vụ việc tới lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Đời sống Plus sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

-Thông tư số: 08/2013/TT-BYT hướng dẫn về quảng cáo thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế:

Điều 3 . Các hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo thực phẩm:

1. Quảng cáo thực phẩm khi chưa có giấy xác nhận nội dung quảng cáo của cơ quan y tế có thẩm quyền cấp.

2. Quảng cáo thực phẩm là hàng giả, hàng kém chất lượng.

3. Quảng cáo thực phẩm có tác dụng như thuốc chữa bệnh.

4. Quảng cáo thực phẩm không phù hợp với nội dung đã công bố hợp quy hoặc công bố phù hợp với quy định về an toàn thực phẩm hoặc quảng cáo quá tác dụng của thực phẩm.

5. Quảng cáo thực phẩm dưới hình thức bằng các bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế có nội dung mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh.

6. Sử dụng hình ảnh, uy tín, thư tín của các đơn vị y tế, nhân viên y tế, thư cảm ơn của bệnh nhân để quảng cáo thực phẩm.

7. Các hành vi cấm khác đã được pháp luật về quảng cáo quy định. 

- Theo Điều 68 Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao du lịch và quảng cáo:

4. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Quảng cáo thực phẩm chức năng và các sản phẩm không phải là thuốc với nội dung không rõ ràng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc;

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

b) Buộc tháo gỡ, tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo đối với hành vi quy định tại Điểm b, Khoản 2, Khoản 3 và Khoản 4 Điều này.

 

Vũ Thành
Theo Đời sống Plus/GĐVN