Thứ năm, 25/04/2024 | 17:14
RSS

Con bị sốt xuất huyết, mẹ răm rắp nghe lời “chuyên gia Facebook” và cái kết không ngờ

Thứ hai, 24/07/2017, 11:35 (GMT+7)

Thay vì đưa con tới bệnh viện thăm khám và điều trị khi có dấu hiệu bị sốt xuất huyết, không ít mẹ bỉm sữa lại chọn cách nghe theo “bác sĩ Google”, “chuyên gia Facebook” để rồi phải hối hận.

Tình hình sốt xuất huyết hiện đang diễn biến vô cùng phức tạp, dịch lây lan nhanh với số người mắc bệnh tăng cao, riêng miền Bắc tăng hơn 700% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo ghi nhận tại các bệnh viện, nhiều bệnh nhân vào viện có dấu hiệu suy hô hấp, biến chứng xuất huyết nội tạng, xuất huyết não,...  

Coi chừng hại trẻ vì tin vào Google, Facebook

Trao đổi với báo chí, bác sĩ Nguyễn Thanh Sang (Đại học Y dược TP.HCM) cảnh báo, trong mùa sốt xuất huyết có nhiều bệnh nhi bị biến chứng vì bố mẹ lấy thuốc trên mạng và điều trị theo hướng dẫn của “bác sĩ Internet”. Thậm chí có trường hợp bé phải nằm viện cả tháng vì suy đa tạng, phải lọc máu do bố mẹ tự điều trị.

Trẻ bị sốt xuất huyết 1

Trẻ bị sốt xuất huyết có thể biến chứng nặng nếu điều trị bừa bãi, không đúng cách. Ảnh minh họa

Bác sĩ Sang lưu ý, nếu các mẹ mua thuốc cho trẻ bị sốt xuất huyết theo đơn thuốc hoặc bài thuốc chưa qua kiểm chứng trên mạng sẽ rất nguy hiểm. Lý do là bởi nhiều loại thuốc hạ sốt không được dùng để trị sốt xuất huyết như arprin, thuốc ibuprofen… vì có thể gây xuất huyết thêm, đặc biệt thuốc hạ sốt acetaminophen là thuốc thải qua gan và gây suy gan cấp tính với tỷ lệ tử vong lên tới 40%.

Người bệnh sốt xuất huyết cần được bác sĩ trực tiếp khám và kê đơn thuốc. Theo bác sĩ Sang, mẹ bỉm sữa cần học cách nhận biết các giai đoạn của sốt xuất huyết, cụ thể như sau:

Giai đoạn 1: Sốt cao đột ngột tới 39 – 40 độ C từ 2 - 7 ngày, nhức mỏi, đau cơ, khớp, chán ăn, buồn nôn, mẩn da, viêm kết mạc… Ở giai đoạn này khó chẩn đoán là sốt xuất huyết song đã có hiện tượng xuất huyết ở da, chảy máu chân răng, nôn ra máu, tiểu phân đen, đau bụng, giảm bạch cầu, nôn ói,…

Giai đoạn 2: Bệnh chuyển nặng với các dấu hiệu đau bụng, nôn ói liên tục, lo bì, bứt rứt, tay chân lả, xuất huyết da, nướu, mắt, phù, phát ban cần nhập viện gấp. Một vài bệnh nhân có biểu hiện sốc, thường là vào ngày 3 – 7 sau khi bắt đầu sốt. 

Trẻ thường không sốt nhưng có triệu chứng thay đổi tri giác, lừ đừ, bỏ bú, đau bụng, nôn ói liên tục dù chỉ uống nước. Sau 1 – 2 ngày sốt cao, sau đó tự hạ sốt, phải đưa bé vào bệnh viện ngay dù có hay không dấu hiệu cảnh báo. Bác sĩ Sang cho hay, có những trường hợp chỉ sốt rồi tự hồi phục, chỉ 10% biến chứng vào giai đoạn 2 và tỷ lệ tử vong chỉ 1/5.000 bé. 

Giai đoạn 3: Dấu hiệu phục hồi bé ngủ ngon, ăn ngon hơn, không đau bụng, không li bì, tiểu nhiều, tử ban phục hồi. Lúc này, cần cho người bị sốt xuất huyết uống thật nhiều nước, tối thiểu 2 – 2,5 lít/ngày, tuyệt đối tránh các loại nước có ga, nước trái cây sẫm màu, nước củ dền, dưa hấu. 

Đồng thời, cho bệnh nhân ăn những món ăn loãng như cháo, súp, tránh sử dụng tuỳ tiện các loại thuốc hạ sốt, chườm khăn, lau người làm mát cơ thể giúp hạ nhiệt. Điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ nếu có yêu cầu nằm viện để theo dõi cần chấp hành, không tự động về nhà chữa bệnh.

Những hiểu lầm chết người về sốt xuất huyết

Bị một lần sẽ không bị lại: Bất cứ ai cũng thể mắc sốt huyết từ người già, thanh niên đến trẻ nhỏ và người mắc bệnh rồi vẫn có thể mắc lại, thậm chí lần sau còn nặng hơn lần trước. Trên thực tế, hiện lưu hành 4 tuýp virus sốt xuất huyết nên mỗi người có thể mắc tới 4 lần trong đời bởi nếu đã nhiễm chủng virus nào thì chỉ miễn dịch với chủng đó, chưa thể miễn dịch với những chủng còn lại.

Giảm sốt là hết bệnh: Thời điểm bắt đầu hạ sốt mới là giai đoạn nguy hiểm nhất của bệnh và có thể xuất hiện biến chứng nặng như tăng tính thấm thành mạch, cô đặc máu, xuất huyết do giảm tiểu cầu,… người bệnh thường chủ quan do nghĩ đã hạ sốt.

Sốt xuất huyết lây qua đường tiếp xúc: Sốt xuất huyết không lây qua hô hấp, hay dịch tiết ra. Sốt xuất huyết chỉ lây qua vết đốt từ muỗi. Muỗi là con vật mang bệnh từ người nay qua người khác dẫn đến sốt xuất huyết

Uống thuốc hạ sốt bừa bãi: Khi bắt đầu có triệu chứng sốt xuất huyết như đau người, đau cơ, khớp, đau đầu, sốt..., đa phần mọi người thường nghĩ đến cúm hoặc sốt do virus và tự ý dùng giảm đau, trong đó có 2 loại là aspirin và ibuprofen. 

sot xuat huyet 3

Tuyệt đối không được cho người bệnh sốt xuất huyết uống aspirin. Ảnh Internet

Tuy nhiên, 2 loại thuốc này sẽ khiến tình trạng xuất huyết trầm trọng thêm, có thể xuất huyết dạ dày dữ dội, nguy hiểm đến tính mạng bởi chúng ngăn sự tập kết tiểu cầu, chống đông máu. Aspirin còn có tác dụng phụ là gây loét dạ dày tá tràng và có thể gây xuất huyết dạ dày, ói ra máu.

Muỗi truyền bệnh chỉ xuất hiện ở những nơi ao tù, nước đọng: Muỗi vằn có thể cư trú ở những nơi nước trong để lâu ngày ngay trong chính ngôi nhà chúng ta ở như: bể nước cá cảnh, bình cắm lọ hoa lưu nước, hòn non bộ, nước để trên ban thờ, nước mưa đọng tại những mảnh vỡ trên xóm ngõ hoặc sân thượng...

Phun thuốc muỗi một lần sẽ diệt được muỗi vĩnh viễn trong nhiều tháng: Đây là một quan niệm sai lầm bởi thuốc phun diệt muỗi là phun không gian ở thể tích cực nhỏ với lượng hóa chất cực nhỏ dưới dạng phun sương và diệt được đàn muỗi gây bệnh ở thời điểm đó.

Chỉ vài giờ đồng hồ sau phun, lượng hóa chất sẽ khuếch tán trong không gian và bay đi hết, những đàn muỗi khác vẫn tiếp tục bay vào nhà, tấn công và truyền bệnh cho người. Vì vậy, nếu phun thuốc muỗi dập dịch, cần phải phun tổng thể, đồng loạt ở cả cụm dân cư mới có tác dụng triệt để. Cách tốt nhất để phòng chống sốt xuất huyết là diệt loăng quăng, bọ gậy, thường xuyên vệ sinh chỗ ở xung quanh.

8 điều nhất định phải biết về sốt xuất huyết

 

Tri Thu (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN