Thứ tư, 17/04/2024 | 04:15
RSS

Loại thuốc hạ sốt tưởng không hại lại hại không tưởng với người bệnh sốt xuất huyết

Thứ tư, 19/07/2017, 10:17 (GMT+7)

Cho trẻ bị sốt xuất huyết dùng thuốc hạ sốt chứa aspirin có thể dẫn tới hội chứng phù não và suy gan nhiễm mỡ hoặc gây xuất huyết hệ tiêu hóa.

Hiện nay, tình hình sốt xuất huyết vẫn đang diễn biến phức tạp với số người mắc bệnh ngày càng tăng. Tính từ đầu năm đến nay, trên cả nước đã có hơn 50.000 ca mắc sốt xuất huyết trong đó có tới 14 người tử vong. 

mắc sốt xuất huyết 1

Nửa đầu năm 2017 đã có hơn 50.000 người mắc sốt xuất huyết. Ảnh minh họa

Đặc biệt, mặc cho các chuyên gia y tế đã liên tục cảnh báo song vẫn có không ít bệnh nhân tự ý điều trị sốt xuất huyết tại nhà và mắc phải những sai lầm nguy hiểm, đặc biệt là trong việc dùng thuốc. Theo khuyến cáo của các bác sĩ, có một số thuốc bị chống chỉ định và một số thuốc phải được dùng thận trọng trong điều trị sốt xuất huyết, trong đó có thuốc chứa aspirin.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Kính – Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, không được dùng các thuốc hạ sốt có chứa aspirin khi bị sốt xuất huyết vì sẽ gây chảy máu. Aspirin ngăn sự tập kết tiểu cầu, chống đông máu nên sẽ chống lại quá trình cơ thể tự cầm máu khi bị chảy máu do sốt xuất huyết, nhất là xuất huyết đường tiêu hóa. Kết quả là làm cho bệnh tình trầm trọng thêm. 

Phụ huynh tuyệt đối không được cho trẻ bị sốt xuất huyết dùng aspirin bởi sẽ góp phần thúc đẩy hội chứng Reye, gây phù não và suy gan nhiễm mỡ. Bên cạnh đó, aspirin làm tăng độ acid vốn thấp ở dạ dày trẻ, gây bỏng rát viêm đường tiêu hóa, nặng hơn gây xuất huyết đường tiêu hóa.

sốt xuất huyết 2

Bác sĩ khuyến cáo không cho người bị sốt xuất huyết dùng aspirin. Ảnh Internet

Các chuyên gia y tế khuyên người bị bệnh sốt xuất huyết chỉ dùng paracetamol. Paracetamol độc với gan, thận nhưng tính độc này chỉ xảy ra khi dùng lâu dài hoặc liều rất cao (15g/ngày với người lớn) hoặc khi dùng cùng với rượu (rượu làm cạn kiệt nguồn glutathion để chuyển hóa paracetamol thành chất không độc). 

Trong trường hợp dùng với liều điều trị (thấp hơn nhiều so với liều trên) trong thời gian ngắn (2-5 ngày để hạ sốt) thì paracetamol không gây độc cho cả người lớn lẫn trẻ em. Liều dùng trong điều trị sốt xuất huyết cụ thể như sau: 15mg/kg thể trọng/lần (750mg cho người 50kg), ngày 2-3 lần (1.500mg-2.250mg).

Cần lưu ý không sử dụng paracetamol quá liều hoặc với trường hợp nhạy cảm để tránh bị tổn thương gan, làm nặng thêm rối loạn đông máu do suy giảm chức năng gan. Vì vậy, trước khi dùng thuốc hạ sốt nên kết hợp các biện pháp khác như chườm mát, nằm nơi thoáng đãng, bù đủ lượng dịch cho bệnh nhân để tăng hiệu quả hạ sốt của thuốc.

sot xuat huyet 3

Có thể sử dụng paracetamol khi điều trị sốt xuất huyết nhưng phải đúng liều. Ảnh Internet

Dịch truyền cũng cần phải được sử dụng đúng và đủ trong quá trình điều trị sốt xuất huyết. Đối với bệnh nhân sốt xuất huyết nhẹ mức độ I, II thì việc bù dịch không có gì phức tạp. Nhưng đối với bệnh nhân có sốc, suy tạng thì phải hết sức chú ý và phải được theo dõi chặt chẽ khi truyền dịch và có sự chỉ định của bác sĩ.

Bài thuốc trị sốt xuất huyết cho trẻ trong mùa hè

Tri Thu (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN