Thứ sáu, 29/03/2024 | 15:52
RSS

Có trong tay ngư lôi vô song, Nga vẫn gia cố sức mạnh khiến đối thủ phải lo lắng

Thứ tư, 16/08/2017, 07:05 (GMT+7)

"Việc hiện đại hóa VA-111 Shkval sẽ nằm trong chương trình vũ khí quốc gia giai đoạn 2018 – 2025”, Giám đốc Tập đoàn Tên lửa chiến thuật Nga, Boris Obnosov nói tại triển lãm MAKS 2017.

Nga sẽ tiến hành hiện đại hóa ngư lôi siêu khoang VA-111 Shkval dưới chương trình vũ khí quốc gia 2018 – 2025. Loại ngư lôi này có thể đạt vận tốc 370 km/h và đến nay, Nga vẫn là nước duy nhất trên thế giới sở hữu một vũ khí lợi hại như vậy trên biển.

Ngư lôi VA-111 Shkval được Liên-xô thiết kế nhằm phá hủy tàu sân bay và đã được đưa vào biên chế từ năm 1977.  Shkval có chiều dài 8,2m, trọng lượng 2.700 kg, sử dụng động cơ tên lửa dưới nước nhiên liệu rắn, với sức đẩy lớn hơn động cơ trên không.

Ngư lôi siêu khoang của Nga. Ảnh: Sputnik

Ngư lôi siêu khoang của Nga. Ảnh: Sputnik

VA-111 Shkval là ngư lôi nhưng nó di chuyển rất giống với tên lửa do tạo ra các bọt bong bóng nhỏ. Điều này sẽ làm giảm lực ma sát và khiến tốc độ của nó có thể đạt đến mức 370 km/h.

Loại ngư lôi này không có hệ thống điều hướng hiện đại mà chủ yếu hệ thống dẫn đường quán tính. Ban đầu nó được trang bị một đầu đạn hạt nhân 150 kiloton nhưng sau đó phiên bản sử dụng đầu đạn thường mới ra đời.

Tuy nhiên, hạn chế của ngư lôi Shkval là không thể mang theo thiết bị định vị thủy âm (sonar) để tìm kiếm và xác định mục tiêu, bởi đĩa tạo bọt trên mũi của nó quá nhỏ, không đủ không gian chứa hệ thống này, đồng thời động cơ quá ồn khiến sonar không thể định dạng mục tiêu.

Ngư lôi  VA-111 Shkval sẽ sớm được nâng cấp. Ảnh: Vitaly V. Kuzmin

Để khắc phục điều này, Nga đã phát triển một thiết bị tạo bọt mới trên ngư lôi Khishchnik. Phần mũi dẹt được thiết kế lại theo hình cong parabol, với phần trên đủ lớn để chứa đầu dò sonar cùng bộ khuếch đại âm thanh và lọc tiếng ồn động cơ. Điều này khiến ngư lôi siêu khoang có thể sử dụng hệ thống dẫn đường, bám bắt mục tiêu bằng sonar.

Theo chuyên gia quân sự Alexander Korolkov, việc hiện đại hóa VA-111 Shkval có thể sẽ dẫn đến những thay đổi cơ bản trong thiết kế, hình dáng và cả chiến thuật sử dụng. Nga đang tập trung hiện đại hóa dòng ngư lôi này, đồng thời chế tạo ngư lôi cỡ nhỏ với chiều dài khoảng 30 cm, có khả năng di chuyển chậm để không bị phát hiện. Chúng có thể được bắn ra với số lượng rất lớn, trước khi lao vào mục tiêu và phát nổ.

Những nỗ lực của phương Tây nhằm sao chép công nghệ siêu khoang đến nay vẫn chưa thành công. Dù gặt hái nhiều thành tựu trong phòng thí nghiệm, họ chưa thể chế tạo khí tài có khả năng vận hành thực tế.

Sức mạnh từ ngư lôi. Nguồn: QPVN

Hạnh Chi (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN