Thứ năm, 28/03/2024 | 19:26
RSS

Có thu hồi được 630 tỉ đồng từ ông Đinh La Thăng?

Chủ nhật, 01/04/2018, 11:56 (GMT+7)

Trong 2 vụ án, TAND TP.Hà Nội tuyên bị cáo Đinh La Thăng phải bồi thường tổng cộng 630 tỉ đồng. Số tiền này liệu có thu hồi được?

Có thu hồi được 630 tỉ đồng từ ông Đinh La Thăng?

Bị cáo Đinh La Thăng nghe tòa tuyên án ngày 29.3.2018 ẢNH: TTXVN

Cụ thể, trong vụ án Tập đoàn dầu khí quốc gia VN (PVN) mất 800 tỉ đồng khi góp vốn vào Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) vừa xét xử sơ thẩm cách đây vài ngày, bị cáo Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn dầu khí VN (PVN), bị TAND Hà Nội tuyên phạt 18 năm tù, buộc bồi thường 600 tỉ đồng.

Trước đó, trong vụ án cố ý làm trái liên quan đến dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 xét xử hồi đầu năm, TAND TP.Hà Nội xác định các bị cáo đã gây thiệt hại nhà nước gần 120 tỉ đồng; bị cáo Thăng ngoài mức án 13 năm tù bị buộc bồi thường 30 tỉ đồng.

Đến nay, bị cáo Đinh La Thăng và các bị cáo trong 2 vụ án trên đều đã nộp đơn kháng cáo.

Không kê biên tài sản nào của ông Thăng

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, trong cả 2 vụ án nêu trên trong hồ sơ của các cơ quan tố tụng không đặt ra vấn đề kê biên tài sản của ông Thăng. Trao đổi với Thanh Niên, một điều tra viên của Cơ quan CSĐT Bộ Công an cho biết do không xác định được ông Thăng có động cơ vụ lợi, tham nhũng trong các hành vi cố ý làm trái nên cơ quan điều tra đã không thực hiện việc kê biên.

Theo luật sư (LS) Phạm Văn Phất (Đoàn LS TP.Hà Nội), quy định hiện hành thì các cơ quan tố tụng chỉ kê biên khi xác định các hành vi phạm tội có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản. Đối với nhóm tội cố ý làm trái, có thể kê biên hoặc không và đây là quyền của cơ quan tố tụng. “Vì đây không phải là nghĩa vụ nên cơ quan tố tụng có thể làm hoặc không làm”, LS Phất nói.

Khả năng thu hồi ra sao?

Không kê biên tài sản nào, vậy với các bản án đã tuyên nếu có hiệu lực thì cơ quan chức năng sẽ thu hồi tiền từ ông Thăng ra sao? Liệu ông này có đủ tiền để bồi thường hàng trăm tỉ đồng?...

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Mai Lương Khôi, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp, cho biết theo trình tự thì khi các bản án đối với ông Thăng có hiệu lực ở cấp phúc thẩm, TAND sẽ chuyển các bản án để cơ quan thi hành án dân sự thụ lý và thực hiện các yêu cầu bồi thường thiệt hại cũng như tiến hành việc kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án.

“Đối với các vụ án liên quan đến ông Đinh La Thăng thì đến nay chúng tôi chưa nhận được hồ sơ án”, ông Khôi nói và cho biết trong việc giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại, nếu cơ quan tố tụng áp dụng các biện pháp đảm bảo, tức kê biên tài sản từ quá trình điều tra, truy tố thì việc thi hành dân sự sẽ gặp nhiều thuận lợi hơn, đáp ứng được yêu cầu về thu hồi tài sản cho nhà nước ở mức cao hơn.

Theo LS Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty luật Basico, quy định hiện nay thì ngay sau khi bản án có hiệu lực cơ quan thi hành án dân sự sẽ ra quyết định thi hành án. Với những tài sản trong quá trình điều tra cơ quan chức năng đã phong tỏa thì có thể thi hành ngay, còn những tài sản khác thi hành án dân sự sẽ tiến hành kê biên từ tài sản chung đến tài sản riêng. Với tài sản đồng sở hữu sẽ tiến hành bán đấu giá có sự tham gia của người sở hữu tài sản đó. Sau khi thu tiền về sẽ chia theo từng phần của người được hưởng, phần của người phải thi hành án sẽ thu hồi để thực thi theo quyết định của tòa.

“Theo tôi, số tiền thu hồi với riêng ông Thăng lên đến 630 tỉ đồng là rất lớn và khả năng thu lại hết rất khó. Trong trường hợp này, bị cáo Thăng ngoại trừ việc được giảm án do chấp hành tốt, thì phần khắc phục hậu quả không hoàn thành sẽ khó được xem xét để mức án được giảm nhiều hơn", ông Đức nói.

Không bình luận cụ thể, nhưng ông Mai Lương Khôi nêu lại câu chuyện thi hành án dân sự đối với vụ án cố ý làm trái xảy ra tại Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin), Trong vụ án, các bị cáo bị buộc bồi thường những khoản tiền rất lớn, riêng ông Phạm Thanh Bình, nguyên Chủ tịch HĐQT Vinashin, bị buộc bồi thường gần 500 tỉ đồng và tiền lãi chậm thi hành án nhưng đến cuối năm 2017 vẫn chưa thực hiện được bao nhiêu bởi không có tài sản để thi hành án.

Cần trám lỗ hổng pháp luật

Ông Dương Thanh Biểu, nguyên Phó viện trưởng Viện KSND tối cao, cho biết việc thu hồi tài sản tham nhũng cũng như khắc phục hậu quả thiệt hại từ các vụ án cố ý làm trái từ trước đến nay đều rất khó. Nguyên nhân chính là việc quản lý dòng tiền của VN còn lỏng lẻo, các khoản thu nhập không minh bạch, không đi qua ngân hàng mà đi qua đường “cặp táp”, của chìm của nổi, nên không ai biết những người đó có bao nhiêu tiền để kê biên.

“Trong trường hợp ông Đinh La Thăng phải làm rõ được tài sản của ông ấy còn những gì, đó là việc của cơ quan điều tra. Nếu tài sản đứng tên vợ con, bố mẹ mà xác minh là những người đó không thể có khả năng làm ra tài sản đó thì cũng có thể kê biên.

Trong những vụ án có thiệt hại về tài sản như vụ án này, nếu không kê biên tài sản làm cơ sở thi hành án là sai sót”, ông Biểu nêu quan điểm và khuyến nghị: “Về nguyên tắc, khi khởi tố bị can, khám xét xong là phải kê biên tài sản. Tuy nhiên, quy định này vẫn là hơi dở, vì tới lúc khởi tố bị can thì hầu hết tài sản đã bị họ tẩu tán. Chúng ta vẫn phải quay lại cái gốc là kiểm soát được dòng tiền qua ngân hàng”.

Trung tướng Trần Văn Độ, nguyên Phó chánh án TAND tối cao, cũng cho rằng về nguyên lý, vụ án nào có phạt tiền, có hình phạt tịch thu tài sản, có khả năng phải bồi thường đều có thể kê biên để đảm bảo thi hành án.

Tuy nhiên, bộ luật Tố tụng hình sự chỉ nói đến biện pháp kê biên, thẩm quyền kê biên, kê biên thế nào, ở giai đoạn nào, không nói đây là biện pháp bắt buộc. “Tôi đã góp ý nhiều, khi phát hiện có dấu hiệu tham nhũng phải chuyển ngay cơ quan điều tra, và cơ quan điều tra có trách nhiệm phải kê biên tài sản ngay.

Còn làm thủ tục như bây giờ, phải thanh tra kết luận, kiểm toán, rồi ủy ban kiểm tra kiểm tra về mặt Đảng, có dấu hiệu mới chuyển sang cơ quan điều tra, còn tài sản đâu nữa để kê biên. Không chuyển sang cơ quan điều tra sớm thì kê biên cũng không có ý nghĩa gì, vì chẳng còn gì để kê biên”, ông Độ nói. 

Theo nhiều chuyên gia pháp luật dù bản án có tuyên buộc bồi thường hàng trăm tỉ, nhưng nếu người phải thi hành án không có tài sản thì cũng không thể thi hành. Đây là thực tế dễ dẫn tới tâm lý của tội phạm là chấp nhận “hy sinh” để “bảo toàn tài sản” cho người thân.
Một điểm đáng lưu ý, đối với những tài sản của cha mẹ/con/anh, chị, em, nếu có nghi ngờ là tài sản của người thi hành án, thì cơ quan thi hành án cũng không có thẩm quyền xác minh, truy tìm nguồn gốc của những tài sản này. “Luật cho chấp hành viên có thẩm quyền khởi kiện nhưng chỉ trường hợp xác định tài sản là của người phải thi hành án đứng tên mà giao người khác ở, giữ. Nay người nắm giữ tài sản không giao thì chấp hành viên có quyền khởi kiện ra tòa đòi tài sản để đảm bảo thi hành án”, LS Nguyễn Tấn Thi, Đoàn LS TP.HCM, nói.  

 

 

Thanh Niên
Theo Thanh niên