Thứ tư, 17/04/2024 | 02:11
RSS

Chuyên gia mách cách nhận biết sốt xuất huyết và phòng bệnh hiệu quả

Thứ hai, 24/07/2017, 09:46 (GMT+7)

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do virus Dengue gây ra.

Sốt xuất huyết nguy hiểm do chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh. Bệnh còn nguy hiểm ở chỗ thường gây ra dịch lớn với nhiều người mắc cùng lúc, có thể gây tử vong nhất với trẻ em.

Sốt xuất huyết thường bùng phát dịch lớn vào mùa mưa

Tại Hà Nội đã ghi nhận trường hợp thứ 3 tử vong do sốt xuất huyết Ca tử vong gần đây nhất là bệnh nhân nam 54 tuổi tại Giáp Bát, quận Hoàng Mai, tử vong do sốc nhiễm khuẩn và viêm phổi. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân bị sốt xuất huyết, nâng tổng số bệnh nhân tử vong do dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội lên 3 ca.

Sot xuat huyet

Cảnh nằm ghép do quá tải bệnh nhân sốt xuất huyết tại Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội. Ảnh Lao Động

Trước đó, một bệnh nhân 51 tuổi (trú tại phố Vạn Phúc, phường Cống Vị, quận Ba Đình) được xác định sốt xuất huyết trên nền bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, nhập viện muộn. Sau hai ngày điều trị, người này đã tử vong do xuất huyết não.

Theo  Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh sốt xuất huyết lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virus, sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Hai loại muỗi vằn truyền bệnh có tên khoa học là Aedes aegypti và Aedes albopictus, trong đó chủ yếu là do Aedes aegypti.

Bệnh xảy ra ở tất cả các nước nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới. Ở Việt Nam bệnh lưu hành rất phổ biến, ở cả 4 khu vực Bắc, Trung, Nam và Tây Nguyên, kể cả ở thành thị và vùng nông thôn. Bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa, nhất là vào các tháng 7, 8, 9, 10.

Biểu hiện của bệnh sốt xuất huyết

Theo BS Lê Xuân Thủy (Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế), sốt xuất huyết có một số biểu hiện như sau:

Thể bệnh nhẹ:

Sốt cao đột ngột 39 - 40 độ C, kéo dài 2 - 7 ngày, khó hạ sốt.

Đau đầu dữ dội ở vùng trán, sau nhãn cầu.

Có thể có nổi mẩn, phát ban.

Sốt xuất huyết

Một bệnh nhân sốt xuất huyết đang được bác sĩ thăm khám. Ảnh Thời Đại

Thể bệnh nặng:

Bao gồm các dấu hiệu trên kèm theo một hoặc nhiều dấu hiệu sau:

Dấu hiệu xuất huyết: Chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, vết bầm tím chỗ tiêm, nôn/ói ra máu, đi cầu phân đen (do bị xuất huyết nội tạng).

Đau bụng, buồn nôn, chân tay lạnh, người vật vã, hốt hoảng (hội chứng choáng do xuất huyết nội tạng gây mất máu, tụt huyết áp), nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Khi nghi ngờ bị sốt xuất huyết, cần đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

Cách phòng bệnh sốt xuất huyết

Cách phòng bệnh tốt nhất là diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy và phòng chống muỗi đốt.

- Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách:

+ Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

+ Thả cá hoặc mê zô vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại...) để diệt lăng quăng/bọ gậy.

+ Lau rửa các dụng cụ chức nước vừa và nhỏ (lu, khạp…) hàng tuần.

+ Thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá..., dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.

+ Bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn/tủ đựng chén bát, thay nước bình hoa/bình bông.

- Phòng chống muỗi đốt:

+ Mặc quần áo dài tay.

+ Ngủ trong màn/mùng kể cả ban ngày.

+ Dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi...

+ Dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi.

+ Cho người bị sốt xuất huyết nằm trong màn, tránh muỗi đốt để tránh lây lan bệnh cho người khác.

- Tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

Bài thuốc trị sốt xuất huyết cho trẻ mẹ cần biết

Diệp Lâm (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN