Thứ sáu, 29/03/2024 | 15:46
RSS

Chuỗi cửa hàng mỹ phẩm Mèo Cosmetics kinh doanh hàng trôi nổi, nhập lậu?

Thứ sáu, 23/11/2018, 14:38 (GMT+7)

Nhiều mặt hàng bày bán tại cửa hàng mỹ phẩm Mèo Cosmetics có xuất xứ từ nước ngoài nhưng không hề có nhãn phụ bằng tiếng Việt để thể hiện các thông tin về nguồn gốc, công dụng… khiến người tiêu dùng nghi ngờ về nguồn gốc thực sự cũng như chất lượng sản phẩm.

mỹ phẩm Mèo Cosmetic đang kinh doanh hàng trôi nổi, nhập lậuCửa hàng mỹ phẩm Mèo Cosmetics tại Nguyễn Chí Thanh

Mỹ phẩm ngoại nhập không còn xa lạ với phần đông phụ nữ yêu thích làm đẹp. Chỉ cần gắn mác nước ngoài, bất kể là hàng Hàn Quốc, Nhật hay từ Mỹ, Pháp, nhiều chị em đều sẵn sàng bỏ tiền để mua sắm mà không cần biết chất lượng có đúng với giá cả và nguồn gốc thực sự của chúng xuất phát từ đâu.

Nắm bắt được nhu cầu làm đẹp của phái đẹp, vô số các thương hiệu, cửa hàng mỹ phẩm mọc lên như nấm với những từ ngữ mỹ miều “hệ thống mỹ phẩm cao cấp”, “mỹ phẩm xách tay cao cấp” để thu hút khách hàng.

Đi sâu tìm hiểu, PV Đời sống Plus đã tiếp cận, “mục sở thị” một số hệ thống cửa hàng mỹ phẩm tại nội đô TP. Hà Nội để mang đến cho bạn đọc những cái nhìn chính xác về vấn đề này.

Có mặt tại cửa hàng mỹ phẩm Mèo Cosmetics (địa chỉ tại số 141 Nguyễn Chí Thanh, Đống Đa, Hà Nội), theo quan sát của PV, cơ sở này bày bán đa dạng về chủng hàng, mẫu mã, kem chống nắng, kem dưỡng da, sữa rửa mặt… Đặc điểm chung của những mặt hàng này đều có nguồn gốc xuất xứ từ nước ngoài (Hàn, Nhật, Pháp, Mỹ…), theo lời nhân viên tư vấn, kèm theo đó là mức giá “siêu mềm”.

mỹ phẩm Mèo Cosmetic đang kinh doanh hàng trôi nổi, nhập lậu 2Sản phẩm mỹ phẩm tại Mèo Cosmetics không có tem nhãn phụ tiếng Việt

Trong vai khách hàng có nhu cầu tìm mua bộ sản phẩm dưỡng da, PV được nhân viên của Mèo Cosmetic đưa ra một sản phẩm không có tem nhãn phụ tiếng Việt, đồng thời nhiệt tình tư vấn về công dụng.

Khi được hỏi về nguồn gốc xuất xứ và chất lượng sản phẩm, nhân viên này cho biết: “Set sản phẩm nhỏ này bọn em nhập khẩu về nên không dán phụ đề tiếng Việt, còn sản phẩm to hơn bên em nhập từ công ty Murad Việt Nam nên có dán tem Tiếng Việt. Chị có thể nhìn công dụng của nó qua sản phẩm này, tất cả bên em đều là hàng chính hãng”.

Là một trong những hệ thống cửa hàng mỹ phẩm khá lớn, Mèo Cosmetics có 4 cửa hàng tại Hà Nội, đồng thời được nhiều người tiêu dùng, đặc biệt là khách hàng nữ tin tưởng mua và sử dụng.

mỹ phẩm Mèo Cosmetic đang kinh doanh hàng trôi nổi, nhập lậu 5Sản phẩm mỹ phẩm tại Mèo Cosmetics không có tem nhãn phụ tiếng Việt

Cầm trên tay sản phẩm sữa rửa mặt mang nhãn hiệu CeraVe, PV quan sát thấy, ngoài những dòng chữ nước ngoài phía ngoài vỏ thì không có bất kỳ thông tin nào để đảm bảo sản phẩm là hàng chính hãng, đúng quy định, đủ điều kiện lưu hành trên thị trường (như tem nhãn phụ tiếng Việt, cơ quan công bố sản phẩm, đơn vị nhập khẩu). Cụ thể, nhiều sản phẩm đang được bày bán tại cửa hàng mỹ phẩm Mèo Cosmetics đang có dấu hiệu nhập lậu.

Tại khoản 7, Điều 3, Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định hàng nhập lậu bao gồm: 

- Hàng hóa nhập khẩu thuộc danh mục hàng hóa nhập khẩu có điều kiện mà không có giấy phép nhập khẩu hoặc giấy tờ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định kèm theo hàng hóa khi lưu thông trên thị trường; 

- Hàng hóa nhập khẩu không đi qua cửa khẩu quy định, không làm thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật hoặc gian lận số lượng, chủng loại hàng hóa khi làm thủ tục hải quan; 

- Hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường không có hóa đơn, chứng từ kèm theo theo quy định của pháp luật hoặc có hóa đơn, chứng từ nhưng hóa đơn, chứng từ là không hợp pháp theo quy định của pháp luật về quản lý hóa đơn; 

- Hàng hóa nhập khẩu theo quy định của pháp luật phải dán tem nhập khẩu nhưng không có tem dán vào hàng hóa theo quy định của pháp luật hoặc có tem dán nhưng là tem giả, tem đã qua sử dụng.

Lợi dụng tâm lý “sính ngoại”, một số tiểu thương đã bất chấp quy định của pháp luật và sức khoẻ khách hàng để kinh doanh những mặt hàng mỹ phẩm trôi nổi, xách tay không đủ điều kiện lưu hành trên thị trường nhằm mục đích kiếm lời bất chính. 

Nói về vấn đề này, ông Vũ Vinh Phú - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, hàng xách tay chính là hàng nhập lậu và đang thao túng thị trường. Ông Phú đơn cử, một lọ tăm ở siêu thị cũng phải chịu thuế VAT, trong khi hàng xách tay lớn hay nhỏ đều không phải chịu thuế và không ai có thể bảo đảm chất lượng cho loại hàng hóa này. 

Điều đáng nói, mặc dù có nhiều cửa hàng Mèo Cosmetics tọa lạc ngay tại mặt đường lớn, sầm uất, kinh doanh sản phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo điều kiện lưu hành thị trường mà vẫn không hề bị cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xử lý?

Theo quy định tại Điều 17, Nghị định 185/2013/NĐ-CP: Những hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu với mức giá trị hàng hóa từ dưới 1.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng sẽ bị xử phạt hành chính bằng các biện pháp: Cảnh cáo, phạt tiền và các hình phạt bổ sung như tịch thu tang vật, tịch thu phương tiện vận tải đối với trường hợp tang vật vi phạm có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên hoặc vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm. 

Đời sống Plus sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Hà Linh
Theo Đời sống Plus/GĐVN