Thứ sáu, 19/04/2024 | 23:16
RSS

Chữa viêm tai giữa bằng mật cá, tổ bọ ngựa: Bác sỹ cảnh báo nguy hiểm

Thứ năm, 04/01/2018, 07:00 (GMT+7)

Trẻ nhỏ rất hay bị viêm tai giữa gây đau đớn, khó chịu. Nhiều cha mẹ dùng mọi phương pháp để chữa trị cho con như dùng mật cá mè, dùng tổ bọ ngựa. Liệu cách dùng này có đúng không?

Nhiều người truyền tai nhau cách dùng tổ bọ ngựa hay mật cá mè để chữa viêm tai giữa như một biện pháp hữu hiệu. Trước vấn đề này, PV Đời sống Plus đã có cuộc trao đổi với GS.TS Dương Trọng Hiếu, Nguyên cán bộ Viện Y học cổ truyền Trung ương.

Theo GS.TS Dương Trọng Hiếu, viêm tai giữa là bệnh phổ biến nhất trong các bệnh lý về tai, được xếp vào nhóm bệnh viêm nhiễm đường hô hấp trên. Viêm tai thường gây đau đớn vì viêm nhiễm và tích tụ các chất dịch trong tai giữa, nhất là đối với trẻ nhỏ. Vì thế, khi thấy con đau, khó chịu, cha mẹ thường rất "xót" con và tìm mọi phương cách để giúp con mau khỏi. Trong đó có những cách dân gian như dùng tổ bọ ngựa hay mật cá mè để chữa viêm tai giữa.

Theo GS.TS Dương Trọng Hiếu, tổ bọ ngựa dùng để chữa bệnh viêm tai giữa là tổ bọ ngựa trên cây dâu (hay còn gọi là tang phiêu tiêu). Đông y cho rằng tang phiêu tiêu có vị ngọt, mặn, tính bình. Quy vào các kinh can và thận. Có công năng ích thận, cố tinh, bổ hư...

Theo đó, tổ bọ ngựa được nung lên sau đó tán ra bột và dùng bột đó thổi vào tai. Cách làm này được một số người áp dụng và thấy có hiệu quả, không còn chảy dịch trong tai. Tuy nhiên theo GS Hiếu đây là cách làm tiềm ẩn rất nhiều rủi ro đối với sức khỏe

"Tổ bọ ngựa được lấy trên cây. Vì vậy, kể cả có nung lên cũng khó đảm bảo vệ sinh. Trong khi đó, toàn bộ quá trình làm phải vô trùng bởi tai đang bị sưng, viêm, nếu đưa bất cứ thứ gì nhiễm khuẩn vào trong tai có thể còn gây phản tác dụng" - GS Hiếu nói.


Tổ bọ ngựa (tang phiêu tiêu).

GS Hiếu cũng nhấn mạnh, không nên dùng mật cá mè để chữa viêm tai giữa, vì trong mật cá có  chứa một loại độc tố là Cyprinol sulfat. Độc tố này rất bền đối với nhiệt, vì vậy có nạn nhân cũng bị ngộ độc sau khi ăn mật cá đã nấu chín. Nếu không được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân bị ngộ độc mật cá có thể gặp phải những biến chứng nặng nề như: phù phổi cấp, suy thận cấp, suy gan cấp, tăng kali máu cấp, co giật, phù não…

"Tác dụng độc không phải luôn luôn xảy ra. Tuy nhiên, để nhỏ vào tai trẻ đang bị viêm thì hoàn toàn không nên"- GS Hiếu khuyến cáo.

Theo GS Hiếu, nếu phụ huynh muốn áp dụng biện pháp dân gian thì nên đưa trẻ đến bệnh viện nơi có khoa đông y để chữa trị. Và dù áp dụng phương pháp nào, cha mẹ cũng phải hết sức cẩn trọng, nhất là đối với trẻ nhỏ.

Ngoài ra, khi vệ sinh cho trẻ, cha mẹ cũng cần lưu ý không để nước vào tai giữa, vệ sinh mũi họng để trẻ không bị viêm hô hấp trên, amidan, VA... vì giữa mũi họng và tai trong có ống thông nhau nên vi khuẩn vùng mũi họng sẽ thông qua đó mà lan sang tai. 

PV
Theo Đời sống Plus/GĐVN