Thứ bảy, 20/04/2024 | 03:11
RSS

Chồng giết vợ cũ rồi tự sát ở Hà Nội: Nước mắt của những đấng sinh thành

Thứ tư, 15/03/2017, 12:58 (GMT+7)

Tại phiên tòa xét xử vụ án chồng giết vợ rồi tự sát bất thành, nước mắt liên tiếp rơi. Nước mắt của người chồng hối hận, nước mắt của người mẹ mất con, nước mắt của người bố có con giết người,…

Liên quan đến vụ án chồng giết vợ cũ rồi tự sát từng gây chấn động dư luận Hà Nội mới đây TAND TP Hà Nội đã đưa bị cáo Hà Quang Thắng (SN 1988, trú tại huyện Phúc Thọ, Hà Nội) ra xét xử công khai vì tội Giết người. Nạn nhân trong vụ án mạng thương tâm này là chị Nguyễn Thị Dậu, (SN 1992, vợ cũ của bị cáo). 

Buổi nói chuyện định mệnh

Theo cáo trạng của VKS, trước ngày xảy ra vụ việc khoảng 2 tháng, Thắng và chị Dậu đã hoàn tất thủ tục ly hôn, sau đó nạn nhân về chung sống với mẹ đẻ. Đến ngày 21/8/2016, Thắng đến nhà chị Dậu đón con thì gặp vợ cũ. Tại đây, Thắng bày tỏ mong muốn hàn gắn tình cảm gia đình nhưng không được chấp thuận nên đã quay lại với một con dao bầu. 

chồng giết vợ cũ rồi tự sát

Bị cáo Thắng tại phiên tòa xét xử vụ án chồng giết vợ cũ rồi tự sát bất thành

Tiếp tục thuyết phục chị Dậu không được, gã chồng vũ phu cầm con dao đâm liên tiếp vào người vợ cũ. Mặc dù nạn nhân cố vùng vẫy tìm cách chạy thoát song bị cáo vẫn quyết đuổi theo truy sát đến cùng. Sau khi gây án, Thắng định tự sát nhưng không được nên bỏ về nhà và được anh rể đưa đến công an đầu thú.

Tại tòa, khi được hỏi vì sao muốn giết vợ cũ, Thắng đáp: “Vì vợ bị cáo thách thức”. Khi tòa hỏi: “Bị cáo muốn đến hàn gắn tình cảm thì phải thuyết phục nhẹ nhàng chứ sao lại mang theo dao?”. Thắng trả lời: “Lúc đó bị cáo nghĩ, vợ bị cáo đã cạn tình nên nếu không được thì cùng chết”.

Tòa hỏi bị cáo: “Mẹ chết, bố tự sát, ai sẽ nuôi hai đứa con bị cáo?”. Bị cáo trả lời: “Lúc đó bị cáo không nghĩ đến, giờ mới ân hận”

“Bị cáo đã trưởng thành, lại từng được đào tạo trong môi trường quân đội. Lẽ ra bị cáo hiểu hơn ai hết điều mình làm để lại hậu quả như thế nào. Lẽ ra bị cáo phải có trách nhiệm xây dựng cho các con một tổ ấm hạnh phúc, nuôi dưỡng giáo dục các con trưởng thành chứ không phải để lại nghĩa vụ đó cho bố mẹ bị cáo”. Nghe đến đây, gã chồng giết vợ cũ rồi tự sát bất thành bỗng bật khóc, những giọt nước mắt muộn màng.

Nước mắt uất hận của người mẹ mất con

Nghe Thắng đáp muốn vợ cũ quay về để gia đình đoàn tụ, các con có mẹ có cha, bà Tô Thị Tạo (mẹ chị Dậu) nói với nỗi uất hận trong lòng: “Nó nói thương con là không đúng. Nếu nó thương con thì nó đã không đánh vợ, đánh mẹ vợ trước mặt các con bao nhiêu lần như thế. Tôi yêu cầu xử “mạng đổi mạng””. 

Bà Tạo kể, chị Dậu vốn là con một trong gia đình nên sau khi con lấy chồng, bà đã cho 2 vợ chồng về ở cùng nhà ngoại. Mấy năm đầu hai vợ chồng chung sống hạnh phúc, Thắng đi làm tiếp thị sản phẩm, còn chị Dậu ở nhà làm nghề may. Mỗi tháng, hai vợ chồng chũng kiếm được dăm bảy triệu để lo chi phí ăn ở và bỉm sữa cho con.

Năm 2015, thấy các con đã cứng cáp, chị Dậu muốn đi làm công nhân ở một công ty gần nhà để thu nhập được ổn định hơn. Công ty nhiều khi phải tăng ca, nên nhiều hôm chị về hơi muộn. Rồi có những lúc đồng nghiệp rủ đi ăn uống, chị cũng vui vẻ đi theo. 

Trước khi đi, chị thường nhắn cho mẹ đẻ và chồng để mọi người khỏi lo lắng. Thế nhưng, những điều đó lại nhen nhóm trong Thắng sự hoài nghi về người phụ nữ đầu ấp tay gối với mình. Có lần, chị đi sinh nhật bạn rồi uống quá chén nên phải gọi chồng đến đón. 

Thắng cho rằng chị Dậu có nhân ngãi bên ngoài nên mới “đổ đốn” như thế. Kể từ đó, hai vợ chồng thường xuyên cãi nhau. Thắng ngày càng ghen tuông hơn và bắt vợ phải nghỉ việc ở nhà nhưng chị Dậu không đồng ý. 

Thắng càng ra sức “quản chặt” vợ thì chị càng muốn được tự do. Mỗi lần tra hỏi vợ về việc có nhân tình bên ngoài, Thắng chỉ nhận được câu trả lời “không có” song điều đó không dập được sự nghi ngờ trong lòng gã. Không chịu được những ghen tuông vô cớ của chồng, chị Dậu phản ứng lại khiến vợ chồng xung đột. 

Nhiều lần, Thắng đánh vợ thâm tím mặt mày. Thấy con gái bị đánh, bà Tạo vội chạy ra can ngăn cũng bị con rể đánh lại. Đỉnh điểm có lần, bà bị con rể đánh vỡ đầu vì bênh con gái. Chính quyền địa phương đã nhiều lần vào hòa giải và từng xử lý Thắng về tội xâm hại sức khỏe người khác.

Thấy không thể chung sống với người chồng ngày càng hung dữ, chị Dậu làm đơn ly hôn. Dù Thắng không đồng ý, nhưng tòa vẫn chấp nhận đơn ly hôn của chị, chia cho hai vợ chồng mỗi người nuôi một đứa con. “Chúng còn quá bé để hiểu về việc bố mẹ nó ly hôn. Nhưng việc bố đánh mẹ thì chắc chắn đứa lớn đã chứng kiến” – bà Tạo nói. 

Dù đã ly hôn nhưng Thắng vẫn thường xuyên sang nhà mẹ vợ cũ để gây sự. Đến nỗi, mỗi khi nhìn thấy gã lảng vảng quanh ngõ, hàng xóm quanh nhà chị Dậu đều phải chạy sang canh chừng “lỡ có chuyện gì xảy ra”. 

Hôm xảy ra án mạng, thấy Thắng cầm con dao hùng hổ đi vào nhà, một người hàng xóm đã gọi dân phòng đến giải quyết sự việc. Nào ngờ, mọi  người còn chưa kịp đến nơi, Thắng đã đâm vợ nhiều nhát đến khi nạn nhân gục xuống tử vong...

Con dại cái mang

Tham dự phiên tòa xét xử vụ án chồng giết cũ rồi tự sát bất thành có cả ông Hà Văn Thỏa, bố bị cáo – người hiện đang nuôi hai con nhỏ (đứa lớn 5 tuổi, đứa nhỏ 3 tuổi) của Thắng. Được biết hôm đó, sau khi đón con về nhà bố mẹ đẻ ở xã bên, bị cáo mới cầm dao sang nhà mẹ vợ để tiếp tục “nói chuyện” với vợ. 

Cuộc nói chuyện giữa hai vợ chồng đầy xung đột, lời qua tiếng lại thách thức nhau và cái kết là người mất mạng, kẻ vướng vòng lao lý. Hơn nửa năm sau ngày vụ án xảy ra, ông bà nội vẫn phải giấu hai đứa trẻ rằng bố mẹ chúng đang làm ăn xa nên chưa về thăm con được.

“Con tôi làm sai, các cháu tôi phải gánh chịu hậu quả mất mẹ vắng cha. Phận làm ông bà, tôi vẫn chăm sóc các cháu hằng ngày. Nhưng không biết sau này chúng tôi già đi, các cháu nương nhờ nơi nào? Tôi chỉ mong tòa khoan hồng, giảm nhẹ hình phạt để các con được nhìn thấy bố…” – Ông Thỏa vừa nói vừa quệt nước mắt. 

Đằng sau bi kịch gia đình

Sau khi xem xét các tình tiết của vụ án, tòa tuyên bố hành vi của Thắng có tính côn đồ nên cần loại bỏ bị cáo khỏi xã hội Tuy nhiên do Thắng còn hai con nhỏ, nên việc không loại bị cáo khỏi xã hội là sự nhân từ của pháp luật để các con của bị cáo có cơ hội gặp bố. Tòa tuyên phạt bị cáo tù chung thân. 

Sau giờ nghị án, bà Tạo được người em ruột dìu ra hàng ghế ngoài hành lang. Vừa vuốt ve tấm ảnh của con gái, bà vừa nghẹn ngào chia sẻ: “Nó chết trẻ quá. Hai đứa trẻ còn ngây dại không biết việc gì. Nếu sau này chúng tôi đều già yếu, ai sẽ chăm sóc cho chúng bây giờ?”. 

Rời phòng xử, ông Thỏa thở dài: “Có lần đứa út tự nhiên đòi gặp mẹ nó. Tôi không  biết trả lời sao, cứ bảo: Mẹ sắp về rồi. Chúng nó có biết mẹ nó mãi mãi không về, còn bố nó thì chưa biết bao giờ mới gặp được các con đâu?” - nói rồi, ông lén lau nước mắt thương cho hai đứa cháu vì bố mà sớm mồ côi.

Quỳnh An
Theo Đời sống Plus