Thứ năm, 25/04/2024 | 19:07
RSS

Chơi cây, hoa ngày Tết – một chút thiếu hiểu biết sẽ “lấy mạng” con trẻ

Thứ năm, 12/01/2017, 11:00 (GMT+7)

Ngày Tết hầu hết các gia đình đều thích sắm hàng loạt cây cảnh, hoa cảnh trang trí nhà cửa. Tuy nhiên nếu nhà có trẻ nhỏ, cây cảnh lại ẩn họa nhiều mối nguy hiểm.

Vào mỗi dịp Tết, người lớn thường thích mua cây cảnh vì chúng có màu sắc đẹp, hình dáng bắt mắt, nhất là ở phần lá và hoa. Không ít người thậm chí không biết tên loại cây cảnh mình đã mua và rõ ràng, họ không thể biết những nguy hiểm từ cây cảnh có thể gây ra với các bé trong nhà.

Có rất nhiều loại cây cảnh có tính độc, tuy nhiên điểm qua một số cây cảnh quen thuộc như cây thông thiên, họ trúc đào có hoa vàng đẹp mắt nhưng thân cây nhiều mủ trắng chứa độc tố thevetin, neriin, glucozid… có thể gây tử vong ở người.

Trên thế giới đã ghi nhận nhiều trường hợp bệnh nhi bị ngộ độc do mủ hoa (Ảnh internet)

Những chất độc này có cả ở hoa, lá, quả và hạt. Cây ba đậu có chứa nhựa là chất gây phồng rộp rất mạnh, nhựa cây này dính lên da có thể làm bỏng và phồng rộp. Chẳng may ăn phải 2 giọt nhựa cây ba đậu có thể gây viêm ruột, ngộ độc, nôn mửa, đi ngoài nhiều, toát mồ hôi và có thể dẫn đến tử vong, 10-20 giọt đủ giết một con trâu lớn.

Nếu bé hái hoa, hái lá rồi đưa tay vào miệng thì những chất độc trên tán lá hoặc thân cây có thể phát sinh những vấn đề nghiêm trọng. Ngộ độc sẽ biểu hiện ngay lập tức hoặc mất vài tiếng đồng hồ sau đó.

Hạt của cây mã tiền có chứa nhiều chất độc alcaloid ăn phải sẽ bị co quắp toàn thân và tê liệt cơ hô hấp gây ngạt thở dẫn đến tử vong. Điều đáng nói là quả của loại cây này khá đẹp mắt, thường hấp dẫn trẻ nhỏ nếu được trồng trong nhà, sân, vườn. Cây ngô đồng chứa độc toàn thân cây, đặc biệt là củ và hạt có chứa chất độc Curcin gây chóng mặt và buồn nôn nếu ăn phải.

Hạt của cây mã tiền có chứa nhiều chất độc alcaloid ăn phải sẽ bị co quắp toàn thân (Ảnh internet)

Cần lưu ý những loại hoa như đỗ quyên, xương rồng bát tiên, hoa loa kèn... Khi chưng bày trong nhà những loại cây cảnh trên thường khá đẹp mắt nhưng trẻ thường hái quả cho vào miệng nên rất dễ dính độc tố.

Trẻ em dưới 6 tuổi là nhóm nguy cơ cao hơn. Ngoài ra ngộ độc các loại hoa phụ thuộc vào mức độ ăn, tuổi tác, cân nặng và sự nhạy cảm của từng người. Tốt nhất cha mẹ không nên trồng hay mua các loại cây hoa, cây cảnh trong nhà cho đến khi bé lớn hơn.

Không để hạt giống, cây giống, chậu cảnh dự định sẽ trồng cây trong nhà vì các thứ này có thể “cám dỗ” trí tò mò của bé và khiến bé muốn nếm chúng. Ngay cả khi mẹ đã biết đó là loại cây cảnh an toàn, mẹ cũng nên đặt chúng ở bệ cao, ngoài tầm tay của các bé.

Theo các bác sĩ, trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh có sự nhạy cảm cao đối với các loại phấn hoa, nhất là hoa nở trong phòng. Vì vậy nên để trẻ tránh xa các loại cây cảnh trong phòng nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ. Không gian phòng trẻ nên thoáng đãng, tránh tối tăm, côn trùng dễ ẩn náu trong lá cây cảnh.

An Bình (t/h)
Theo Đời sống Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC