Thứ năm, 25/04/2024 | 07:37
RSS

Chậm thu phí tự động, nhiều trạm BOT có thể bị "đóng cửa"

Thứ năm, 09/11/2017, 14:50 (GMT+7)

Hiện nay, nhiều trạm BOT chậm triển khai thu phí tự động. Nếu các trạm chậm triển khai có thể bị Tổng cục đường bộ Việt Nam đề xuất với Bộ GTVT dừng thu phí.

Chậm thu phí tự động, nhiều trạm BOT có thể bị đóng cửa
Chậm thu phí tự động, nhiều trạm BOT có thể bị "đóng cửa". Ảnh Internet

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thu phí tự động VETC cho biết, dự án có 27 trạm, đến nay đã ký hợp đồng được 25 trạm. Hiện đã vận hành thương mại được 13 trạm, 5 trạm đang triển khai, theo báo giao thông  

Ngày 20/11, phấn đấu đưa vào khai thác thương mại trạm cầu Đồng Nai và trạm Quán Hàu, trạm Đông Hà triển khai trong tháng 12 và đầu tháng 12 sẽ khai thác thương mại trạm Bến Thủy I, II. VETC đang cố gắng đến 23/12 có thể vận hành thương mại hết các trạm trong khuôn khổ dự án.

Đề cập vướng mắc trong quá trình triển khai, ông Hà cho biết, dự án có 6 trạm do nhà đầu tư BOT tự lắp thiết bị không dừng của nhà cung cấp dịch vụ khác nhưng chưa hoàn thiện. 

Thiết bị cũng không đúng theo quy chuẩn thu phí không dừng của Bộ GTVT, dẫn đến trong quá trình xây dựng luồng mất nhiều thời gian khi kết nối đồng bộ với hệ thống của VETC. VETC đang phối hợp với nhà đầu tư để giải quyết khó khăn này.

“Trạm Cần Thơ - Phụng Hiệp đang trình Bộ GTVT được lắp đặt hệ thống ETC của nhà cung cấp khác. Theo tôi, nhà đầu tư BOT chọn nhà cung cấp dịch vụ khác nhưng cần đảm bảo chuẩn chung, tránh trường hợp cùng hệ thống thu phí không dừng nhưng tiêu chuẩn các trạm lại khác nhau. 

Khi đó sẽ không đồng bộ dữ liệu, va chạm giao thông rất dễ xảy ra. Các trạm do nhà đầu tư tự lắp phải có thiết bị đúng chuẩn thời gian xử lý để barie mở là 0,6 giây và chuẩn về bảo mật thông tin”, ông Hà cho biết thêm.

Một khó khăn khác được ông Hà đề cập, đến nay có nhà đầu tư BOT vẫn còn yêu cầu hạ chi phí quản lý thu mà VETC được hưởng xuống còn 45% thay vì mỗi bên 50/50 như chỉ đạo của Bộ GTVT. Thậm chí, có nhà đầu tư yêu cầu phải có cơ quan Nhà nước chứng kiến chạy thử như trường hợp Trạm thu phí Bắc Ninh thuộc Công ty CP Đầu tư BOT Hà Nội - Bắc Giang.

Đối với các trạm đang triển khai chậm tiến độ, Tổng cục đường bộ Việt Nam cho biết sẽ thành lập đoàn kiểm tra để đôn đốc công việc và chốt thời gian hoàn thành cụ thể cho từng trạm. 

Các trạm do nhà đầu tư BOT tự triển khai cũng phải đảm bảo tiến độ chung. Đến hết tháng 12 phải hoàn thành, trạm nào không đảm bảo tiến độ, Tổng cục sẽ đề xuất Bộ GTVT kiên quyết dừng thu phí. 

Trước đó, cách đây 1 tháng, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã đưa ra thời hạn cuối: đến ngày 30/10, 27 trạm thu phí BOT trên quốc lộ 1 và quốc lộ 14 sẽ phải thực hiện thu phí không dừng, nghĩa là thu phí tự động nhờ thẻ từ gắn trên xe kết nối với hệ thống kiểm soát, chứ không phải dừng lại trả tiền mua vé và soát vé như từ trước đến nay, theo báo VTV. 

Cách đây 2 năm, Chính phủ đã chấp thuận triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng ETC trên Quốc lộ 1 và Quốc lộ 14. Công ty trách nhiệm hữu hạn Thu phí tự động VETC được Bộ Giao thông vận tải chỉ định làm nhà đầu tư và được phép thu hồi vốn theo thời gian thu phí các dự án BOT.

Theo Tổng cục Đường bộ, nguyên nhân là các chủ dự án BOT cho rằng, nếu thu về một mối như vậy, mỗi ngày là hàng chục tỷ đồng nên phải tính lãi. Còn bên thu phí tự động cho biết, họ không phải là tổ chức tín dụng để có thể làm được việc đó.

Thu phí không dừng được kỳ vọng đảm bảo minh bạch trong quá trình thu phí sử dụng đường bộ, tạo thuận lợi cho các phương tiện lưu thông. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc tập trung vào một đầu mối duy nhất để đàm phán với các doanh nghiệp BOT và thu phí đường bộ cũng cần phải kiểm soát để đảm bảo minh bạch, vì số tiền thu một ngày lên đến hàng chục tỷ đồng.

Ngô Huệ (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN